Vài nét về nước cộng hoà
Mô-dăm-bích và Ăng-gô-la
Nước cộng hòa Mô-dăm-bích, nằm
ở phía đông nam châu Phi, với diện tích 799.380 km2, dân số 21,8 triệu người,
Thủ đô: Ma-pu-tô, ngôn ngữ chính tiếng Bồ Đào Nha. Các bộ tộc bản xứ chiếm
99,66%, số ít là dân châu Âu, châu Phi. Tôn giáo tín ngưỡng truyền thống 50%,
đạo Thiên chúa 30%, đạo Hồi 20%.
Là nước nông nghiệp, diện tích
đồng bằng rộng lớn (nhiều sông ngòi, hồ nước) với hàng chục triệu héc-ta canh
tác rất thuận lợi cho việc trồng cây lương thực; đánh bắt cá và nuôi trồng thủy
sản với nhiều loại tôm, cá có giá trị kinh tế cao .
Ăng-gô-la nằm gần phía tây nam
châu Phi, diện tích 1.246.700 km2, dân số gần 18 triệu người, ngôn ngữ chính là
tiếng Bồ Đào Nha, tôn giáo bản địa chiếm 47%, thiên chúa giáo 38%, tin lành 15%,
Thủ đô: Lu-an-đa. Với gần 1.600 km bờ biển có nhiều tôm cá, theo chiều dọc Bắc -
Nam là đồng bằng cao nguyên và rừng núi rộng hàng chục triệu hecta canh tác,
phía Đông là đồng bằng thuận tiện cho việc trồng lúa nước và cây lương thực.
Ăng-gô-la có nhiều tài nguyên khoáng sản như dầu lửa với sản lượng khai thác 2
triệu thùng/ngày; kim cương (đứng thứ năm thế giới); vàng, sắt, đồng, urani,
bô-xít, phốt phát, kẽm, chì, khoáng chất... nằm rải rác khắp đất nước, song tập
trung nhiều nhất ở miền Bắc và miền Đông...
Về lịch sử chính trị, xã hội,
Mô-dăm-bích và Ăng-gô-la đều là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha. Nhân dân hai nước
có truyền thống đấu tranh bất khuất, đã tiến hành đấu tranh vũ trang giải phóng
dân tộc và giành được độc lập dân tộc vào năm 1975 (Mô-dăm-bich ngày 29-6-1975; Ăng-gô-la ngày 11-11-1975). Hai đảng cách mạng dân tộc tiến bộ cầm quyền ở hai nước từ năm 1975, đến nay là Đảng FRELIMO (lấy tên từ phong trào giải phóng
Mô-dăm-bich) và Đảng MPLA (lấy tên từ phong trào nhân dân giải phóng Ăng-gô-la).
Sau khi giành được độc lập, cả hai nước đều trải qua thời kỳ nội chiến kéo dài
nhiều năm (ở Mô-dăm-bich là 17 năm, từ 1975 đến 1992; ở Ăng-gô-la là 27 năm, từ
1975 đến năm 2002). Sau mấy chục năm chiến tranh và nội chiến kéo dài, đất nước
Mô-dăm-bich và Ăng- gô-la bị tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gần
như không còn gì. Hai nước phải bắt đầu quá trình xây dựng lại đất nước, duy trì
hòa bình, hòa hợp dân tộc, khôi phục và phát triển sản xuất, cải cách kinh tế,
cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy thời gian xây dựng trong
hòa bình mới được ít năm, song với sự nỗ lực phấn đấu của đảng, chính phủ và
nhân dân hai nước, bạn đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, như duy trì
được môi trường hòa bình, hòa hợp dân tộc, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế
có mức phục hồi và phát triển khá (trong 5 năm gần đây, GDP của Mô-dăm-bich tăng
trưởng bình quân hằng năm từ 7 đến 8%; GDP của Ăng-gô-la tăng hằng năm 2 con số;
vị trí đảng cầm quyền của FRELIMO và MPLA được củng cố vững chắc, đảng
nắm bộ máy hành pháp và đa số tuyệt tối ở Quốc hội.
Quan hệ giữa Đảng, Nhà nước ta
với đảng và hai nước bạn
Quan hệ đoàn kết, hữu nghị và
hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với hai nước Mô-dăm-bich và Ăng-gô-la đã có từ
lâu. Đảng ta có quan hệ với Đảng FRELIMO và Đảng MPLA từ thời kỳ ba nước đều tiến
hành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân, đế quốc; đoàn kết,
ủng hộ lẫn nhau và cùng giành được thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. Từ năm 1975
đến nay, quan hệ giữa Đảng ta với đảng bạn tiếp tục được củng cố và tăng cường,
đã có nhiều đoàn cấp cao thăm nhau, trao đổi kinh nghiệm, ủng hộ và giúp đỡ lẫn
nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Nước ta là một trong những
nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao
với Cộng hòa Mô-dăm-bich (ngày 25-6-1975, ngày bạn tuyên bố độc lập) và Cộng
hòa Ăng-gô-la (ngày 12-11-1975, một ngày sau tuyên bố độc lập 11-11-1975). Một
năm sau, năm 1976 ta lập Đại sứ quán Việt Nam tại Thủ đô Ma-pu-tô và Thủ đô
Lu-an-đa. Trong 36 năm qua, ta và hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp nhà nước
và chính phủ thăm nhau (kể cả cấp nguyên thủ quốc gia) để thúc đẩy quan hệ song
phương, nhất là quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế,
khoa học-kỹ thuật; đồng thời phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại
diễn đàn quốc tế đa phương khác. Quan hệ đối ngoại nhân dân giữa các tổ chức
quần chúng của nước ta với hai nước bạn (thanh niên, phụ nữ, công đoàn, cựu
chiến binh...) cũng như các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị cũng được quan
tâm và thúc đẩy, đồng thời phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các tổ chức và diễn
đàn nhân dân thế giới.
Xây dựng đảng giữa lòng dân
Trao đổi kinh nghiệm về công
tác xây dựng đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, đồng chí Ét-xong
Mai-cua, Bí thư Trung ương Đảng FREILIMO, phụ trách công tác Tuyên truyền và Dân
vận cho biết: Từ nay đến năm 2012 là thời gian hết sức quan trọng và có ý nghĩa
đối với Đảng FRELIMO. Toàn Đảng đang chuẩn bị Đại hội lần thứ X của Đảng, tổ
chức vào tháng 9-2012 (đồng chí cũng thông báo Đại hội sẽ mời đại biểu của Đảng
Cộng sản Việt Nam tham dự).
Khái quát chặng đường đấu
tranh cách mạng của Đảng FRELIMO trong cuộc đấu tranh giải phóng, cũng như lãnh
đạo nhân dân thực hiện tổng tuyển cử tự do, ở một nước thưc hiện thể chế chính
trị đa đảng từ năm 1994 đến nay kinh nghiệm xây dựng đảng của Đảng FRELIMO là
đề cao vai trò quan trọng của tổ chức chi bộ đảng ở cơ sở tổ chức trên địa bàn
dân cư. Chi bộ đảng, đảng viên phải bám vào dân mà tuyên truyền, thuyết phục dân
thực hiện nhiệm vụ của đảng. Hằng năm, Chủ tịch Đảng có lịch xuống tiếp xúc với
dân, tham dự các hội nghị địa phương, các hội quần chúng. Trực tiếp đối thoại
với dân chúng, có những công việc được giải quyết tháo gỡ ngay từ những cuộc
tiếp xúc như vậy. Đảng xây dựng các đội công tác vận động nhân dân thực hiện
nhiệm vụ, cương lĩnh hành động của đảng từ Trung ương đến cơ sở (đội công tác ở
Trung ương có nhiệm vụ giúp đảng bộ tỉnh, đội công tác đảng bộ tỉnh có trách
nhiệm giúp đảng bộ huyện; đảng bộ huyện có trách nhiệm giúp đảng bộ cấp cơ sở).
Công tác tuyên truyền vận động nhân dân không gò bó cứng nhắc, Đảng thường xuyên
tổ chức các ngày "hội vui vẻ" gồm những người già, tộc trưởng có uy tín tham gia
nhảy múa, liên hoan với thanh thiếu niên, các tầng lớp nhân dân, các giáo sỹ.
Hình thức này phù hợp với văn hóa truyền thống châu Phi nên được nhân dân nhiệt
tình tham gia, qua đó dân gần gũi với đảng, ủng hộ đảng và tự giác xin vào đảng
(Đảng FRELIMO hiện nay có 2.900.000 đảng viên). Đảng chú trọng công tác tuyên
truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tại, Đảng FRELIMO có đài
phát thanh riêng, kênh truyền hình riêng, tờ báo ngôn luận của Đảng, độc lập với
kênh truyền thông của Nhà nước, trực tiếp đưa tiếng nói, hình ảnh đến với mọi
tầng lớp nhân dân ở mọi địa bàn hẻo lánh.
Đến thăm Trường Trung ương
Đảng FRELIMO, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mục tiêu đào tạo của trường là
cung cấp cơ sở lý luận khoa học Mác-xit và thực tiễn cho cán bộ của đảng phù hợp
với tình hình đất nước. Do vậy, tất cả cán bộ các cấp của đảng đều phải học qua
trường Đảng. Cán bộ chủ chốt được học văn hóa đến tốt nghiệp phổ thông. Năm 2010
nhà trường đã cử một đoàn cán bộ sang học tập kinh nghiệm xây dựng đảng tại Học
viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ở Viêt Nam Việt Nam và mong muốn
tiếp tục được gửi các lớp tiếp theo.
Tại Ăng-gô-la, đồng chí An
Phơ-re-đô Du-vi-ô, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức và Dân vận của Đảng MPLA đã giới thiệu thành tựu của Đảng và đất nước Ăng-gô-la, sau chiến
tranh bước vào thời kỳ đổi mới. Thời gian được đánh dấu là năm 2002, kinh tế có
sự phục hồi, năm 2008 có dấu hiệu ổn định và phát triển mạnh mẽ (bình quân thu
nhập đầu người gần đạt mức 9.000 USD/năm).
Đảng MPLA hiện có 5 triệu đảng
viên sinh hoạt ở 41 nghìn tổ chức cơ sở đảng (Ăng-gô-la không có tổ chức chi bộ
ở nơi làm việc mà tất cả đảng viên tham gia sinh hoạt ở chi bộ nơi cư trú, quan
điểm xây dựng đảng của bạn "Đảng ở giữa lòng dân", hình thức tổ chức này làm cho
các đảng viên làm việc ở cơ quan nhà nước có điều kiện tuyên truyền chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước; các đảng viên ở các doanh nghiệp có điều kiện
giúp đỡ, tài trợ cho các hộ nghèo...).
Đảng nắm và quản lý các tổ
chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ (Ăng-gô-la có 51 tổ chức nhân
đạo, 68 tổ chức quốc tế. Hai hội cựu chiến binh và phụ nữ do Đảng tổ chức và
lãnh đạo. Công nhân, nông dân, thanh niên là tổ chức xã hội. Thực hiện tự do
tôn giáo, coi nhà thờ là đối tác thân thiện. Nhà nước có Luật tôn giáo, thừa
nhận các tôn giáo chính thống là hợp pháp. Đối với vấn đề dân tộc, đảng và nhà
nước đề cao và coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà nước đã có bộ
luật riêng về vấn đề này. Nhà nước chỉ đạo việc biên soạn lịch sử văn hóa dân
tộc, lịch sử chuyên đề giáo dục lòng yêu nước của nhân dân, chống các luận điệu
thực dân chia rẽ miệt thị dân tộc...
Do làm tốt công tác dân vận
trong công tác xây dựng đảng nên uy tín của Đảng rất cao. 82% thành viên chính
phủ là người của Đảng. Ăng-gô-la xây dựng Hiến pháp bảo vệ tự do của công dân và
thực thi quyền hành pháp theo đúng pháp luật. Tổng thống là người đứng đầu nhà
nước do Quốc hội trực tiếp bầu (Tổng thống Ăng-gô-la hiện nay là ông Giô-sê Ê-đoa
Đơ Đô San-tít, đồng thời cũng là Chủ tịch Đảng MPLA). Năm 2012, Ăng-gô-la sẽ
tiến hành cuộc tổng tuyển cử, toàn Đảng đang hướng về sự kiện quan trọng này
bằng cách làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, Đảng bạn rất tin Đảng
giành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc bầu cử tới…
Tạm biệt đất nước Mô-dăm-bich
và Ăng-gô-la tươi đẹp và mến khách trong lòng mỗi chúng tôi vẫn còn tràn đầy
những tình cảm chí tình và nồng ấm mà nhân dân và đảng hai nước bạn dành cho
mình. Chúng tôi xúc động nhớ lại lời tâm sự của đồng chí Phi-líp Phô-de, Uỷ
viên Bộ Chính trị, Tổng Thư ký Đảng FREILIMO, cũng như đồng chí Bin-đa, Uỷ viên
Bộ Chính trị, Trưởng Ban đối ngoại Đảng MPLA rất ngưỡng mộ chủ nghĩa anh hùng
của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và thành tựu đổi
mới đất nước của Việt Nam hiện nay. Đảng bạn mong muốn được trao đổi kinh
nghiệm với các ban xây dựng đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam trên các lĩnh vực
như: Tổ chức, tuyên giáo, dân vận, kiểm tra, đào tạo cán bộ…
Đặc biệt trên cơ sở quan hệ
đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa đảng và hai nhà nước,
Đảng cầm quyền FREILIMO và MPLA mong muốn phía Việt nam đẩy mạnh hơn nữa mối
quan hệ song phương về kinh tế; chia xẻ kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo, tiếp tục
giúp đỡ chuyên gia về giáo dục, y tế. Hai nước bạn sẵn sàng dành mọi ưu tiên, ưu
đãi để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp,
thuỷ hải sản, lâm nghiệp, giao thông, dầu khí, viễn thông.
Nguyễn Bá Quang