Kiểm tra định kỳ ở cơ sở là một việc làm cần thiết đối với mỗi cấp ủy đảng, ban thường vụ và thường trực cấp ủy. Tác dụng tích cực qua mỗi kỳ kiểm tra là làm cho cấp ủy địa phương nhận rõ những tồn tại, ưu, khuyết điểm, nguyên nhân của vấn đề, từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, qua đó phát hiện ra những nhân tố tích cực, những mô hình, cách làm hay, những tổ chức, cá nhân tiên tiến để tuyên truyền, nêu gương. Tuy nhiên, trên thực tế, những buổi kiểm tra trong Đảng ở một số cấp ủy chưa thật nghiêm túc, nếu không nói là “chiếu lệ”.
Thứ nhất là về thời gian, địa điểm, thành phần dự buổi kiểm tra: Thời gian làm việc được thông báo rõ ràng bằng công văn về ngày, giờ, thành phần, địa điểm làm việc… Thông báo 7h nhưng 7h30 (có khi đến 7h45) đại biểu mới lục đục kéo đến đã trở nên khá phổ biến ở nhiều địa phương. Khi được hỏi, nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng, ở nông thôn nên công việc nhà nông cũng khá bận rộn, với lại, đi trễ một chút cũng không sao, lâu rồi thành thói quen! Thực tế không hẳn vậy. Gần sát giờ làm việc mà số đông cán bộ, đảng viên vẫn ngồi nhâm nhi cà phê, thuốc lá, một số khác còn bận… ăn sáng. Nông thôn mới, quán xá mọc lên ngày càng nhiều, nhu cầu thưởng thức thì ai cũng cần, nhưng lại quên mất lời cổ nhân: Thời gian là vàng, là bạc! Vì vậy, khi bắt đầu kiểm tra, người chủ trì và cả những đại biểu đi dự họp đúng giờ cũng không ít lần phải ổn định trật tự vì lác đác cán bộ, đảng viên đi muộn một cách “vô tư”!
Thứ hai là nội dung báo cáo kết quả đã làm được của cấp ủy địa phương: Thường thì công văn thông báo kế hoạch kiểm tra được chuyển đến cấp ủy ít nhất trước 4 ngày để cấp ủy chuẩn bị nội dung cho buổi làm việc. Thế nhưng, một số cấp ủy chuẩn bị báo cáo quá sơ sài, không đi vào trọng tâm yêu cầu kiểm tra. Báo cáo vốn là một văn bản chính luận khá khô khan nhưng người thực hiện báo cáo nhiều khi lại làm cho nó khô khan, nghèo nàn thêm. Đến khi đoàn kiểm tra có đặt một số câu hỏi về số liệu, tình hình cụ thể của một số điểm chưa rõ trong báo cáo, người trực tiếp báo cáo ấp úng, đành phải nhận lỗi, hẹn sẽ sửa chữa và bổ sung sau! Có trường hợp, trong ban thường vụ cấp ủy, người thì khẳng định số liệu này là đúng, người lại cho là sai, khổ cho người trực tiếp báo cáo phải một phen ổn định trật tự và bối rối với đoàn kiểm tra. Điều này chứng tỏ trước khi có đoàn kiểm tra, tập thể cấp ủy cấp dưới xem nhẹ việc họp bàn, phân công cụ thể công việc cho từng người phụ trách.
Thứ ba là nhận xét của đoàn kiểm tra: Các thành viên trong đoàn kiểm tra khi tiến hành nhận xét, phần lớn vẫn là nhận xét chung chung theo kiểu “kinh tế-xã hội ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, công tác quốc phòng-an ninh được giữ vững, việc xây dựng hệ thống chính trị đã có nhiều cố gắng… Tuy nhiên, vẫn còn có những mặt hạn chế, vướng mắc"!. Thế nhưng, họ không chỉ rõ hạn chế gì. Khó khăn, vướng mắc vẫn là vấn đề muôn thuở như thiếu kinh phí hoạt động; một số cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về năng lực, cần được kiện toàn; ý thức của một bộ phận người dân chưa chấp hành tốt pháp luật, chưa củng cố và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng… Cấp ủy được kiểm tra vẫn gật gù, đáp từ, cảm ơn những lời chỉ đạo “sâu sát, đúng việc, đúng hướng” của đoàn kiểm tra... Những nhận xét kiểu chung chung, “không chết ai” như trên đã trở thành căn bệnh cố hữu trong mỗi cuộc kiểm tra, đánh giá. Và liều thuốc chữa vẫn là một bài toán nan giải!
Mỗi cuộc kiểm tra, giám sát trong Đảng, nếu tình trạng chiếu lệ, qua quýt vẫn còn tồn tại, cố nhiên sẽ dẫn đến sự xem thường công tác kiểm tra, giám sát từ phía cơ sở. Mặt khác, sẽ nảy sinh ý nghĩ: Kiểm tra, phê bình, có khuyết điểm, không sao! Khuyết điểm tồn tại dai dẳng nhưng vẫn không được khắc phục, hoặc có cũng chỉ qua loa để rồi “còn có cái mà báo cáo” (?!). Vì thế, để Đảng trong sạch, vững mạnh cần có rất nhiều yếu tố, trong đó việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là yếu tố không kém phần quan trọng.
Nguyễn Lê Anh Tuấn
Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Hoài Nhơn, Bình Định