Đấu tranh chống CNCH đã trở thành một quy luật vận động và phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đó là cuộc đấu tranh tất yếu để bảo vệ sự trong sáng, tính cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác và để hiện thực hóa trong cuộc sống. Kế tục sự nghiệp cách mạng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I Lênin đã có những cống hiến vĩ đại đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bảo vệ và phát triển thành công Chủ nghĩa Mác. Thắng lợi của cuộc đấu tranh ấy có ý nghĩa to lớn đối với phong trào công nhân quốc tế và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho cuộc đấu tranh chống CNCH hiện nay.
Những kẻ cơ hội chủ nghĩa rất tinh vi và xảo quyệt, bằng trực quan chúng ta không thể xét đoán được bộ phận nào trong giai cấp công nhân có CNCH. Vì vậy muốn loại trừ CNCH, vừa phải đấu tranh mạnh mẽ, vừa phải đi sâu, sát quần chúng, vào phong trào công nhân để hiểu rõ, hiểu đúng từng loại CNCH, Lênin đã nhắc nhở: "bổn phận của chúng ta, nếu chúng ta vẫn muốn còn là những người xã hội chủ nghĩa, là phải đi sâu, đi sát hơn vào quần chúng thật sự: đấy là toàn bộ ý nghĩa của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và toàn bộ nội dung cuộc đấu tranh đó"(1).
Ở nước ta đến nay trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước có những biểu hiện cơ hội, thực dụng trong lĩnh vực chính trị, đạo đức, lối sống. Trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, một bộ phận không nhỏ những kẻ cơ hội, thiếu lý tưởng cộng sản, tìm cách chui vào Đảng để tìm cơ hội "thăng quan tiến chức". Bất chấp lợi ích của Đảng, của nhân dân, họ tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc cốt để "vinh thân phì gia". Họ say mê quyền lực, địa vị, coi như một thứ có thể mua bán, tiến thân, từ đó mà khéo luồn lách, nịnh bợ lấy lòng cấp trên, để tranh thủ lá phiếu trước mỗi đợt bầu cử. Họ kéo bè kết cánh, móc ngoặc trên dưới, trong ngoài, tìm mọi cách để chạy "chức", chạy "quyền", chạy "danh", chạy "lợi", chạy "chỗ", chạy "bằng cấp", chạy "tuổi", khi bị phát hiện thì tiếp tục chạy "tội". Họ lợi dụng việc tuyển chọn, đánh giá, luân chuyển cán bộ để trục lợi cá nhân, tìm mọi cách đưa người "cùng cánh" vào nắm những chức vụ trong cơ quan mà không chịu chọn những người có đủ đức, tài, gây mất đoàn kết nội bộ. Tại Đại hội XI của Đảng (1-2011), Đảng ta nhận định: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp…Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục"(2).
Những tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa đó đã và đang gây ra những tổn hại tới sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng, làm giảm sút vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng. Một khi những tư tưởng, biểu hiện này phát triển thành một chủ nghĩa, một trào lưu thì nó sẽ đe dọa trực tiếp đến bản chất, tới sự sống còn của Đảng và chế độ. Do đó, có thể nói việc đấu tranh phòng chống, đẩy lùi những tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa đang là vấn đề đặt ra hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Đấu tranh chống những tư tưởng, biểu hiện CNCH ở nước ta là một quá trình lâu dài, gay go, quyết liệt, vì chừng nào vẫn còn tồn tại giai cấp và đấu tranh giai cấp thì vẫn còn nảy sinh CNCH. Cần phải đấu tranh kiên quyết, kịp thời, triệt để, không thỏa hiệp với những tư tưởng, biểu hiện CNCH ở mọi nơi, mọi lúc. Đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, lý luận, kinh tế, văn hóa, xã hội, không cho chúng có cơ hội trở thành một trào lưu, một lực lượng ảnh hưởng tới sự nghiệp cách mạng, góp phần vào việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc tiến lên. Cần gắn cuộc đấu tranh này với cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" của chủ nghĩa đế quốc và những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực phản động khác. Một điều có tính nguyên tắc là luôn phải giữ vững tính đảng trong cuộc đấu tranh này, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:
1.Tăng cường sức chiến đấu và hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), làm cho công tác tư tưởng luôn chủ động, kịp thời, sắc bén, có tính thuyết phục cao góp phần củng cố sự đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gắn với thực hiện tốt việc học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Kiên quyết, kịp thời đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, những quan điểm sai trái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, để lý luận đi trước một bước trong giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá.
2. Chú trọng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, quy trình tuyển chọn, đào tạo, đề bạt, luân chuyển cán bộ. Tăng cường dân chủ trong Đảng và trong nhân dân, có cơ chế cụ thể để phát huy quyền kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. Trong sinh hoạt đảng, cần tập trung đấu tranh chống tư tưởng cơ hội, thực dụng cùng những biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Các cấp ủy đảng cần có cơ chế tổ chức, giám sát, kiểm tra để mỗi đảng viên không ngừng tự học tập, tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân, nâng cao trình độ lý luận, nhận thức và phẩm chất đạo đức cán bộ. Đảng viên cần đi sâu vào quần chúng nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân, giải thích cho dân hiểu bản chất, biểu hiện của bọn cơ hội chủ nghĩa, động viên nhân dân tích cực đấu tranh. Cần chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng trong công tác phát triển đảng viên mới.
3. Cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương như Đại hội XI của Đảng chỉ ra, cho dù họ ở bất cứ cương vị nào. Lênin đã từng nhắc nhở: "Điều rất cần thiết hiện nay là, về mặt tổ chức, phải hoàn toàn tách hẳn những phần tử cơ hội chủ nghĩa ấy ra khỏi các đảng công nhân"(3) dù cho bản thân đảng có "phải tạm thời chịu đau đớn kịch liệt đi nữa"(4).
4. Xây dựng hệ thống pháp luật đủ mạnh, đồng bộ, chặt chẽ, có tính ổn định lâu dài. Phát huy dân chủ và tuân thủ nghiêm quy trình xây dựng đường lối, nghị quyết của Đảng, không để cho những phần tử cơ hội lợi dụng để xuyên tạc, trục lợi.
5. Tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời những phần tử CNCH.
-------------
(1) V.I.Lê nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1981, tập 30, tr.229.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.173, 174.
(3) V.I.Lê nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1975, tập 26, tr.327.
(4) V.I.Lê nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tập 27, tr.154.
Phạm Văn Phong
Trường Đại học Chính trị