Một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt tự phê bình và phê bình ở chi bộ đảng

Trong những năm qua, thông qua việc tổ chức quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), sinh hoạt TPB và PB trong toàn Đảng từng bước đi vào nền nếp, chất lượng. Thông qua sinh hoạt TPB và PB, ý thức trách nhiệm cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng lên, nhiều yếu kém, khuyết điểm của cá nhân và tổ chức đảng đã được phát hiện, đấu tranh, sửa chữa, khắc phục. Thông qua sinh hoạt TPB và PB, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên được nâng cao rõ rệt, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, qua sinh hoạt TPB và PB ở nhiều chi bộ, tổ chức cơ sở đảng cũng đã cho thấy những yếu kém, bất cập: nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về TPB và PB còn hạn chế; việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt TPB và PB của một số cấp ủy chưa cụ thể, chưa tập trung vào những bất cập, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể; tư tưởng “dĩ hòa vi quý” còn nặng nề ở một số đảng viên, tổ chức đảng, dẫn đến tình trạng sinh hoạt hình thức, không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra...

Trong thời gian tới, để sinh hoạt TPB và PB đi vào thực chất, phát huy dân chủ, giữ vững được đoàn kết nội bộ, giúp cán bộ, đảng viên không ngừng tiến bộ, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức quán triệt Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), theo chúng tôi, cấp ủy, người chủ trì các tổ chức đảng phải chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt TPB và PB, nâng cao chất lượng điều hành sinh hoạt, tập trung vào các giải pháp sau:

1. Tăng cường quán triệt, giáo dục nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên về TPB và PB

Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta về TPB và PB là phải dựa trên nguyên tắc tổ chức và Điều lệ Đảng. Trong sinh hoạt TPB và PB, mỗi cá nhân, tổ chức đảng phải thể hiện rõ tinh thần đấu tranh không khoan nhượng đối với những tư tưởng và hành động sai trái đi ngược lại lợi ích của Đảng và của nhân dân. TPB và PB trong Đảng đòi hỏi phải dân chủ, công khai, trung thực, thẳng thắn, chân thành và cụ thể; TPB và PB là để tiến bộ, không lợi dụng TPB và PB để đả kích, nói xấu, gây mất đoàn kết nội bộ. TPB và PB phải được xuất phát từ động cơ trong sáng, vì lợi ích chung của tập thể. Đây là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng quyết định đến chất lượng hiệu quả của buổi sinh hoạt; là cơ sở để thống nhất nhận thức và hành động, hình thành tinh thần trách nhiệm và thái độ đúng đắn của mỗi cán bộ, đảng viên đối với công tác TPB và PB của Đảng, làm cho tính tự giác trong sinh hoạt của cán bộ, đảng viên được nâng cao.

Mục đích, ý nghĩa của sinh hoạt TPB và PB không gì khác là làm cho chi bộ trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, tăng cường đoàn kết nội bộ, các cá nhân, tổ chức không ngừng tiến bộ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Mục đích của việc TPB và PB đó là “cốt để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ, tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ, làm cho công việc tốt hơn”. Trong sinh hoạt TPB và PB, mỗi cá nhân phải tự nguyện, tự giác nói lên những yếu kém khuyết điểm của bản thân trước tập thể chi bộ, tiếp thu ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị, coi đó là cơ hội để khắc phục khuyết điểm và tiến bộ. Nhận thức về mục đích, ý nghĩa TPB và PB còn được thể hiện ở chỗ khi phê bình phải trên tinh thần đồng chí, đồng đội, thân thiện, vì công việc chung, theo Bác: “phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực”.

Đối với tổ chức đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “... Đảng không phài từ trên trời rơi xuống, Đảng là người, nên có sai lầm, tức là cũng có lúc khỏe mạnh, lúc ốm đau, bệnh tật. Đó là lẽ thường tình, không vì thấy ốm đau mà phát sinh tư tưởng lo sợ, bi quan, tuyệt vọng, giấu giếm bệnh tật trong mình”. Thông qua sinh hoạt TPB và PB, mỗi đảng viên phải có trách nhiệm tìm ra hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, xây dựng mối đoàn kết trong tập thể cấp ủy, chi bộ, tổ chức đảng, không vì nể nang mà né tránh, che dấu khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Việc giáo dục nhận thức, xây dựng ý thức tự giác TPB và PB phải được tiến hành thường xuyên, sinh hoạt TPB và PB phải được lồng ghép trong tất cả các loại hình sinh hoạt (sinh hoạt tổ đảng, sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt chuyên đề...).

2. Xác định và lựa chọn nội dung sinh hoạt TPB và PB phải cụ thể, thiết thực, gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng

Sinh hoạt TPB và PB là một biện pháp hữu hiệu để xây dựng và củng cố tổ chức đảng; thông qua TPB và PB để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, đấu tranh chống lại những tàn dư phong kiến, xây dựng đạo đức, tác phong công tác của người đảng viên. Trong sinh hoạt TPB và PB, việc lựa chọn đúng nội dung sinh hoạt sẽ tạo điều kiện để phát huy dân chủ, nêu cao tính tự giác cũng như ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và cấp ủy viên trong xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Thực tiễn cho thấy, ở đâu sinh hoạt TPB và PB được tiến hành thường xuyên, xác định đúng nội dung, TPB và PB có chất lượng, thì ở đó nguyên tắc lãnh đạo của Đảng được củng cố và giữ vững, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chi bộ ngày càng được nâng cao, nội bộ cơ quan đơn vị đoàn kết, thống nhất, tỉ lệ cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ cao. Ngược lại, ở đâu xem nhẹ sinh hoạt TPB và PB, nội dung không bám sát thực tiễn thì ở đó vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng bị buông lỏng, tỷ lệ đảng viên vi phạm kỷ luật cao, đoàn kết nội bộ kém.

Lựa chọn nội dung TPB và PB, điều hành buổi sinh hoạt TPB và PB có chất lượng là trách nhiệm của cấp ủy. Trên thực tế, đã có trường hợp lợi dụng TPB và PB để giải quyết mẫu thuẫn cá nhân, góp ý phê bình theo kiểu “bới lông tìm vết”, làm lạc hướng nội dung sinh hoạt của chi bộ. Vì vậy, nội dung sinh hoạt TPB và PB của chi bộ, tổ chức đảng cần tập trung vào những mặt yếu kém của cán bộ, đảng viên, những vấn đề nổi cộm trong lãnh đạo của tập thể chi bộ. Đối với tập thể chi bộ nên tập trung vào những vấn đề về việc ra chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo cơ quan đơn vị thực hiện nhiệm vụ; phương pháp triển khai thực hiện nghị quyết; kết quả lãnh đạo trên các mặt công tác của cơ quan đơn vị; tinh thần đoàn kết nội bộ v.v. trên từng mặt chỉ rõ những vấn đề làm được, chưa làm được, nguyên nhân và phương hướng khắc phục. Đối với cá nhân cán bộ, đảng viên, thực hiện TPB và PB phải gắn với quyền hạn, trách nhiệm, nhiệm vụ được giao. Đó là những vấn đề về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, ý chí học tập và rèn luyện, tinh thần trách nhiệm với cơ quan, đơn vị v.v.  TPB và PB đối với đảng viên phải như  Chủ Tịch Hồ Chí Minh từng nhắc: “phê bình việc chứ không phê bình người”; thông qua kết quả công tác để đóng góp, phê bình, cốt để đồng chí mình tiến bộ.

Việc xác định nội dung sinh hoạt phải căn cứ vào nhiệm vụ của chi bộ, nhiệm vụ cụ thể của cán bộ, đảng viên theo thời gian nhất định, TPB và PB phải kịp thời, hiệu quả.

3. Tiếp thu các ý kiến quần chúng, ý kiến đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan, đơn vị để TPB và PB. Tạo điều kiện để cá nhân khắc phục khuyết điểm sau TPB và PB.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Hiểu được người cố nhiên là khó, nhưng biết được mình cũng không phải là dễ”. Vì vậy, mỗi chi bộ, tổ chức đảng, đảng viên rất cần đến những ý kiến đóng góp phê bình của các tổ chức trong cơ quan đơn vị. Quần chúng và các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan, đơn vị đóng vai trò phản biện giống như một chiếc gương để chi bộ, tổ chức đảng, đảng viên soi vào đó để hiểu được mình hơn, thấy được những ưu khuyết điểm của bản thân một cách khách quan, trung thực để có quyết tâm sửa chữa. Phát huy dân chủ, lắng nghe quần chúng luôn mang ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong TPB và PB. Cần phát huy cao độ vai trò phản biện đối với tập thể chi bộ và cán bộ, đảng viên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Công đoàn, Phụ nữ v.v. thông qua sinh hoạt đóng góp ý kiến theo định kỳ; qua thư góp ý, trực tiếp đối thoại v.v.

Đối với tập thể, phát hiện và tổ chức sửa chữa yếu kém, khuyết điểm để không ngừng tiến bộ là mục đích cuối cùng của TPB và PB. Đối với cá nhân, sau TPB và PB phải tự nhận thức được khuyết điểm của bản thân, xây dựng cho mình kế hoạch sửa chữa với quyết tâm cao bằng những hành động cụ thể, thiết thực; phải xác định được nội dung, biện pháp, thời gian sửa chữa khuyết điểm theo yêu cầu của chi bộ, tổ chức đảng. Tổ chức đảng phải tạo điều kiện để đảng viên sửa chữa, khắc phục khuyết điểm; theo dõi, động viên và biểu dương kịp thời sẽ tạo nên động lực cho đảng viên tập trung rèn luyện, phấn đấu sau TPB và PB.

4. Làm tốt mọi công tác chuẩn bị, điều hành sinh hoạt TPB và PB đúng trọng tâm, bảo đảm nguyên tắc

Sinh hoạt TPB và PB nếu không được chuẩn bị tốt, điều hành không bám nguyên tắc dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Vì vậy, đối với cấp ủy, bí thư chủ trì buổi sinh hoạt, việc tập trung cao độ trong điều hành nội dung là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần phải đặc biệt chú ý đến các tình huống phát sinh và chủ động đưa buổi sinh hoạt TPB và PB đi đúng nội dung chương trình theo kế hoạch, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Công tác chuẩn bị quyết định đến 60% kết quả hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trên hết, cấp ủy phải luôn bám nguyên tắc, phổ biến chủ đề TPB và PB đến từng đảng viên trước buổi sinh hoạt, tập hợp ý kiến quần chúng và các tổ chức cho từng vấn đề, từng nội dung. Phát huy dân chủ trên cơ sở giữ vững kỷ luật Đảng trong phát ngôn, tuy nhiên, không khi buổi sinh hoạt phải được điều chỉnh cân bằng trên cơ sở điều chỉnh tâm lý và không bó cứng các nội dung TPB và PB theo cách tìm khuyết điểm, đóng góp và yêu cầu sửa chữa.

Đối với sinh hoạt TPB và PB, năng lực điều hành của người chủ trì sinh hoạt (thường là bí thư chi bộ) thể hiện ở khả năng xác định và lựa chọn chính xác nội dung của buổi sinh hoạt. Điều khiển cho hội nghị chi bộ xoay quanh những nội dung đã xác định mà không vượt ra ngoài phạm vi đó. Biết dừng và kết luận đúng lúc khi đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Uy tín của người chủ trì nằm trong sự cảm hóa, thu hút và bằng những kết luận đúng đắn. Để nâng cao năng lực điều hành, đòi hỏi người chủ trì phải có trình độ nhận thức về mọi mặt, nhất là trình độ chuyên môn và năng lực tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị. Bên cạnh đó là sự nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tác phong công tác, tích cực hoạt động thực tiễn, trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, sâu sát bám nắm cơ quan đơn vị và gần gũi với mọi người.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất