Sinh hoạt chi bộ là nơi chủ yếu để giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên của Đảng. Qua các kỳ sinh hoạt chi bộ, đảng viên được giáo dục, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần cảnh giác cách mạng, lòng trung thành với Tổ quốc. Thông qua sinh hoạt chi bộ, đảng viên ngày càng vững vàng, trưởng thành hơn trong công tác. Bởi vậy, bảo đảm tính giáo dục trong sinh hoạt chi bộ là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012, trong đó xác định rõ những nội dung cần bảo đảm trong sinh hoạt chi bộ đã chỉ rõ: “Thông qua sinh hoạt chi bộ làm cho mọi đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên do Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ được chi bộ phân công; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tự phê bình, tăng cường đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí trong chi bộ; cấp ủy nắm tình hình tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên; có biện pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ đảng viên và xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh”. Vấn đề đặt ra là các chi bộ cần phải tích cực, chủ động, thường xuyên và có hiệu quả trong việc thực hiện nội dung này trong các kỳ sinh hoạt chi bộ.
Thực tế cho thấy, ở không ít chi bộ, nội sinh hoạt nghèo nàn, phương pháp sinh hoạt theo lối mòn, người chủ trì thiếu kỹ năng điều hành, dẫn đến sự nhàm chán, tẻ nhạt trong sinh hoạt. Nhất là hiện nay, việc cân đối để đảm bảo các nội dung của một kỳ sinh hoạt chi bộ cũng là vấn đề đặt ra, khi trong thực tế, chi ủy, bí thư chi bộ thường tập trung vào công tác chuyên môn, tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị mà chưa thật sự quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên. Việc đánh giá kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa được thường xuyên trong mỗi kỳ sinh họat, nếu có, thì ở nhiều chi bộ còn thực hiện hời hợt, hình thức. Chi bộ chưa thực sự là một diễn đàn tư tưởng để cấp ủy nắm, hiểu tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, chỉ khi nào đảng viên có dấu hiệu vi phạm hoặc vi phạm thì mới tiến hành phê bình, kiểm điểm. Việc giáo dục, rèn luyện đảng viên chưa thực sự được chú trọng, chưa được kịp thời, có hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như Đảng ta đã đánh giá.
Để bảo đảm tính giáo dục trong sinh hoạt chi bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, cấp ủy, bí thư cần xác định được ý nghĩa quan trọng, không thể thiếu của nội dung giáo dục đạo đức trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ. Trên cơ sở đó, cấp ủy, bí thư cần chuẩn bị tốt những nội dung giáo dục, rèn luyện đảng viên trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ. Nội dung phải cụ thể, thiết thực, có tính thời sự.
Hai là, phải đảm bảo nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ đã được quy định trong Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW. Căn cứ vào bản đăng ký nội dung học tập và kết quả rèn luyện của từng đảng viên để chi bộ đánh giá sát, đúng việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của mỗi đảng viên. Qua đó, kịp thời biểu dương những đảng viên có việc làm cụ thể, thiết thực; nêu gương người tốt, việc tốt và phát hiện, uốn nắn những đảng viên sai phạm nếu có.
Ba là, trong sinh hoạt chi bộ, chi ủy cần có những chuyên đề giáo dục lòng yêu nước, lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng; tình đoàn kết, tinh thần cảnh giác cách mạng, thái độ phục vụ nhân dân… cho đội ngũ đảng viên. Các chuyên đề này có thể được lồng ghép với thông tin tình hình quốc tế, trong nước, địa phương, những sự kiện có tác động đến tâm trạng, tư tưởng đảng viên và thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bốn là, thực hiện tốt tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng. Đây là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng; thể hiện tính Đảng, tính chiến đấu của người đảng viên. Tự phê bình, phê bình được coi như là “vũ khí sắc bén” để giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên. Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình, phê bình, mỗi đảng viên sẽ thấy được những ưu điểm để phát huy và những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Qua đó, mỗi đảng viên sẽ tự soi rọi bản thân, tự giác rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành. Để chi bộ chỉ rõ những đảng viên vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống như tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội, quan liêu, cửa quyền,…và uốn nắn, giáo dục, có biện pháp xử lý kịp thời.
Năm là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, trong đó cần chú trọng nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên. Sinh hoạt chuyên đề đã trở thành nền nếp được nhiều chi bộ thực hiện 3 tháng một lần theo quy định. Trong sinh hoạt chuyên đề các chi bộ cần tập trung vào nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên thông qua các tác phẩm của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng của Người. Đảng viên không chỉ nắm vấn đề một cách hình thức mà phải thấm nhuần tư tưởng của Người, phải có kế hoạch cụ thể thực hiện, chuyển hóa những vấn đề đó bằng những công việc cụ thể nhất, thiết thực nhất hằng ngày. Đây là biện pháp hữu hiệu để chi bộ thực hiện tốt công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên.
Ths. Trần Thị Hà Vân
Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh