Trong sinh hoạt các chi bộ đều bám sát chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh các phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá... Một số chi bộ còn ra nghị quyết chuyên đề để tập trung sự lãnh đạo đối với nhiệm vụ cụ thể. Nhờ đó kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển biến tích cực; xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong sinh hoạt định kỳ, các chi bộ ở nông thôn đều coi trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, sát với thực tiễn của địa phương, nhất là một số nhiệm vụ trọng tâm, theo từng giai đoạn, thời điểm; đồng thời phát huy dân chủ trong thảo luận. Qua đó, tạo được không khí chân tình, thẳng thắn trong thảo luận, trong đấu tranh phê bình và tự phê bình; tăng cường đoàn kết, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Qua các buổi sinh hoạt chi bộ, mỗi đảng viên được bồi đắp thêm nhận thức tư tưởng; nắm và hiểu thêm về các nghị quyết, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình kinh tế, chính trị trong nước, ở địa phương.
Nhiều chi bộ tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề cụ thể, thu hút được nhiều ý kiến đảng viên tham gia, qua đó, vừa giải quyết được những vấn đề ở cơ sở, vừa nâng cao trách nhiệm của đảng viên. Các buổi sinh hoạt chuyên đề dần tập trung vào những nội dung gần gũi, gắn với quyền lợi của nhân dân như: xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, nhất là vấn đề về xây dựng nông thôn mới. Việc duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ đã góp phần nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức cơ sở đảng.
Chính nhờ thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng sinh hoạt, nhiều chi bộ đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên; đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nâng cao nhận thức, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên và các nhiệm vụ được chi bộ phân công. Đồng thời, thông qua sinh hoạt chi bộ cấp uỷ nắm bắt được tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên, để từ đó có biện pháp khắc phục, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức cơ sở đảng quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, ở một số nơi, chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn còn hạn chế, nội dung sinh hoạt đơn điệu; việc chuẩn bị phần đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng trước còn chung chung, thiếu cụ thể; ít tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề, nhất là các chi bộ ở vùng sâu, vùng xa. Trong sinh hoạt, đảng viên ít đóng góp ý kiến, tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng ở các chi bộ nông thôn chưa cao, còn tình trạng nể nang, né tránh. Kiến thức, kinh nghiệm về công tác xây dựng đảng, năng lực tổ chức của đội ngũ chi ủy viên và bí thư chi bộ một số nơi hạn chế, thường bị động, lúng túng trong xử lý tình huống phát sinh. Tình trạng đảng viên nông thôn đi làm xa quê, vắng mặt trong sinh hoạt chi bộ ít nhiều gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt, nhất là việc ra nghị quyết và thực hiện nghị quyết tại cơ sở…
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra, các cấp ủy đảng xác định chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Coi trọng bồi dưỡng nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước và những chủ trương chính sách mới đến từng đảng viên. Đặc biệt, quan tâm lựa chọn đúng đội ngũ bí thư chi bộ phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức và lối sống lành mạnh, lòng nhiệt tình, có năng lực thực tiễn về công tác Đảng, công tác vận động quần chúng, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình tổ chức sinh hoạt chi bộ.
Hai là, tăng cường sự chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi bộ. Cấp uỷ cấp trên cần duy trì, nâng cao chất lượng các buổi họp giao ban hàng tháng, bên cạnh đó, cấp ủy cơ sở cũng cần giúp các chi bộ xác định nội dung sinh hoạt, hướng dẫn phương pháp, cách thức tổ chức sinh hoạt để các chi bộ thực hiện đúng nguyên tắc và thủ tục. Quá trình sinh hoạt chi bộ phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau phải được biểu quyết thành nghị quyết của chi bộ để tránh tình trạng sinh hoạt nhưng không kết luận hội nghị.
Ba là, coi trọng tổ chức các kỳ sinh hoạt chi bộ chuyên đề, mỗi kỳ sinh hoạt chọn một, hai nội dung trọng tâm để thảo luận và ra nghị quyết thực hiện. Phải gắn kết chặt chẽ việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bốn là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; biểu dương, khen thưởng kịp thời những chi bộ, đảng viên thực hiện tốt chế độ sinh hoạt, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm những đảng viên thoái hoá về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật Nhà nước.
Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân, khơi dậy sức mạnh tổng hợp, phát huy nội lực, đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đây là nguồn để phát triển đảng viên nhằm tăng cường sinh lực của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ và thực hiện quy hoạch cán bộ.
Trần Văn Toàn
Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị