Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khoá X đã thảo luận và ra Nghị quyết số 22- NQ/TW ngày 2-2-2008 “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp sát với tình hình cơ sở. Trong đó có giải pháp thứ 4: Nâng cao chất lượng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình TCCSĐ, theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật; khắc phục hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu. Giải pháp này cơ bản giải quyết vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt đảng. Nghị quyết ghi rõ: “Mỗi quý các chi bộ phải sinh hoạt chuyên đề ít nhất một lần, để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đảng viên trong chi bộ”. Chi uỷ, chi bộ căn cứ vào nhiệm vụ chính trị mà chi bộ phải tập trung lãnh đạo, để đưa ra các chuyên đề sinh hoạt sát thực tế, thiết thực, bổ ích, được nhân dân địa phương quan tâm như: Sinh hoạt chuyên đề về lãnh đạo xoá đói, giảm nghèo. Ở nông thôn, miền núi thì cần xác định rõ các hộ nghèo, từ đó tìm ra nguyên nhân vì sao nghèo? Biện pháp, hướng giúp đỡ về vốn, tư vấn cách làm ăn, trợ giúp kỹ thuật, phân công theo dõi… Hay sinh hoạt chuyên đề về lãnh đạo xây dựng quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, quỹ vì sự tiến bộ của phụ nữ, thanh niên. Trong đó nội dung cần bàn: chỉ đạo như thế nào để xây dựng kế hoạch gây dựng quỹ, vận động ủng hộ, đóng góp quỹ, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, bàn cách sử dụng quỹ làm sao có hiệu quả... Chuyên đề về lãnh đạo xây dựng đời sống văn hoá nơi cộng đồng dân cư, về công tác giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, việc phân công các tổ chức đoàn thể đứng ra đảm nhận từng khâu, từng việc…Để thực hiện được các buổi sinh hoạt chuyên đề, chi uỷ, chi bộ cần có kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể. Đồng chí bí thư chi bộ phải có ý thức trách nhiệm, tinh thần đổi mới, sâu sát thực tế, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, có tài liệu. Tuy nhiên cũng không nên cầu toàn, đòi hỏi quá cao về nội dung sinh hoạt chuyên đề. Cần phát huy trí tuệ tập thể chi bộ và mỗi đảng viên để tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề có chất lượng. Các đảng viên là cán bộ đã nghỉ hưu hoặc có trình độ hiểu biết trong một lĩnh vực nào đó có thể giúp cấp uỷ dự thảo nội dung sinh hoạt, báo cáo trước cho chi uỷ nghe, trao đổi thống nhất nội dung, sau đó đưa các tổ trưởng đảng để bàn bạc, bổ sung. Cuối cùng chi uỷ hoàn thiện trước khi đưa ra sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt chuyên đề cần tôn trọng ý kiến cá nhân, thật sự dân chủ trong thảo luận trước khi biểu quyết.
Cùng với nội dung sinh hoạt thường kỳ, đưa các chuyên đề vào sinh hoạt sẽ làm cho buổi sinh hoạt phong phú, sôi nổi. Mỗi cuộc sinh hoạt là một lần đánh giá và nâng cao kiến thức cho đảng viên. Điều quan trọng là hướng nội dung sinh hoạt vào sự lãnh đạo của chi bộ đảng, vai trò của người đảng viên, tập trung giải quyết cái dân cần, dân muốn. Nghị quyết Trung ương năm khoá IX khẳng định: “Cơ sở không quyết định tất cả nhưng phản ảnh tất cả”. Từ những buổi sinh hoạt chuyên đề sẽ phản ảnh những vấn đề hạn chế, còn vướng mắc và quan trọng nhất là cải tiến, đổi mới nội dung sinh hoạt, phát huy tính năng động, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên, để thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân như Bác Hồ hằng mong muốn.
Phùng Văn Mùi
Huyện uỷ Con Cuông, Nghệ An