Ở nước ta, tặng quà Tết được coi là một
truyền thống đẹp, mỗi dịp lễ, Tết người ta hay tặng nhau những món quà
"cây nhà lá vườn" thể hiện tấm lòng mình thật ý nghĩa. Nhưng việc
tặng quà Tết hiện đang bị lạm dụng, bị người ta tranh thủ để mưu lợi khác.
Chính vì thế mà năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết là cấp ủy, chính quyền tỉnh này, ngành
nọ lại ban một lệnh cấm giống hệt nhau: Cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp,
nhất là cấm dùng công quỹ làm quà biếu.
Có lẽ cũng vì bất đắc dĩ người ta mới phải có những quy định thừa như thế, vì
bản chất công quỹ đã bao hàm cả việc không được dùng ngoài việc công rồi. Thực
tế nhiều năm qua, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản về thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí và cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để thưởng, biếu,
cho, tặng các tổ chức, cá nhân sai quy định. Nhưng việc cấm ấy chưa phát huy
được tác dụng, tình trạng này vẫn chưa giảm làm lãng phí không ít công quỹ, ảnh
hưởng xấu tới đạo đức, phẩm chất cán bộ, công chức và gây bất bình, bức xúc
trong xã hội.
Tặng quà có xuất phát điểm từ lễ giáo trong dân gian, chính vì thế việc cấm
đoán quà Tết quả là không dễ. Đối tượng người đi biếu và người được nhận quà
chẳng ai giống ai, các suất quà biếu biến tướng bây giờ thường gói gọn trong
một cái phong bì, nhỏ và tiện cho "đương sự". Chuyện "tặng"
quà Tết muôn hình vạn trạng như thế thật khó để có thể xác định thế nào là quà
biếu, thế nào thì thành hối lộ... Các "lệnh cấm" hằng năm được đưa ra
cũng mới chỉ đề cập việc cấm hành vi tặng quà mà không nói đến cấm hành vi nhận
quà. Trong khi đáng ra phải làm ngược lại, cấm nhận chứ không phải cấm tặng. Ví
thử, không có người nhận, thì sao có người tặng quà.
Ở nước ngoài, dù là món quà sinh nhật, quà Noen năm mới, người nhận vẫn hay có
truyền thống mở tại chỗ, vừa đẹp lòng người tặng, vừa minh bạch trong ứng xử,
không phù hợp có thể từ chối ngay. Đây là điểm khác biệt với một số trường hợp
ở ta, có khi nhận quà rồi, im ỉm một thời gian, khi bị nhắc nhở mới mang nộp
lại cơ quan quản lý. Nói như vậy để thấy rằng công khai, minh bạch phải được
xem là vấn đề cốt lõi nhất, xương sống nhất trong chống "quà Tết", mà
thực chất là chống tham nhũng. Càng công khai, minh bạch, càng dễ kiểm soát
được tình hình.
Trong dịp ký biên bản ghi nhớ hợp tác về phòng, chống tham nhũng với Văn phòng
Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng Việt Nam hôm 3-2 vừa qua, ông Chủ
tịch Ủy ban Chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc chia sẻ năm bí quyết
của người Hàn Quốc là: "Muốn cho dòng nước trong thì đầu nguồn phải
chảy", tức là từ lãnh đạo cao nhất phải gương mẫu; mọi việc phải sáng tỏ,
tạo sự giám sát của quần chúng nhân dân, được gọi "Quy luật của ánh
sáng"; "cá phải ướp muối" thì mới không ươn, tức là luật pháp
nghiêm mới đủ lực chống tham nhũng; cuối cùng là quy luật về "sức mạnh
tổng hợp", muốn chống tham nhũng là phải có sức mạnh "của cả hệ thống
chính trị".
Còn trong Cổ học tinh hoa của Dương Yến Ngọc kể lại rằng, một người hối lộ quà
cho quan và nói: "Quan cứ nhận đi, chuyện này chỉ có quan và tôi biết
thôi". Quan trả lời: "Còn có trời, đất biết nữa", rồi không nhận
(Trời đất là lương tâm của anh đấy). Nghe con Thạch Sùng tắc lưỡi, quan nói
thêm: "Có con Thạch Sùng biết nữa".
Ngẫm cái bí quyết của người Hàn
hay câu nói của vị quan trên thấy đúng thật!
(Nguồn: Báo Hà Nội mới)