Quốc hội sáng 13-11-2009 đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2010, trong đó tăng chi cho giảm nghèo thêm 300 tỷ đồng. Sau gần một năm triển khai Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững cho 62 huyện nghèo, và tiếp đó là Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo giai đoạn 2009-2020. Đây là những quyết sách quan trọng, đúng đắn được xây dựng từ dưới lên nhằm huy động sức mạnh của Nhà nước, của các doanh nghiệp và nhân dân giúp cho 62 huyện nghèo nhất nước sớm thoát nghèo, từng bước vươn lên phát triển bền vững.
Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận của đồng bào cả nước, những thành tựu bước đầu thật đáng khích lệ: Đến ngày 23-10-2009, đã có 41 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhận hỗ trợ 62/62 huyện nghèo, trong đó đa phần đã thực hiện ngay những cam kết với tổng số tiền trên 1.600 tỉ đồng; các dự án xuất khẩu lao động (với 2.400 lao động tại 9 huyện nghèo đăng ký, trong đó 1.800 người trúng tuyển) đang được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức; việc hỗ trợ làm nhà ở đã thực hiện 67% và đang phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán-2010; trên 66.000ha rừng đã được giao khoán cho hộ nghèo… Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra, cũng còn nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập đang cần được tháo gỡ. Thời gian tới, vấn đề mấu chốt để các chính sách giảm nghèo, giảm nghèo nhanh đi vào cuộc sống là tăng cường quản lý chặt chẽ, xác định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, cách thức lồng ghép các chương trình đầu tư, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp với địa phương để phát huy hiệu quả các nguồn lực, cần có các hoạt động, chương trình cụ thể và sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, của mặt trận tổ quốc để đảm bảo thực hiện đúng và chất lượng. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để sử dụng có hiệu quả, thiết thực đồng vốn, công nghệ, biến các ngoại lực thành nội lực đảm bảo cho thoát nghèo một cách bền vững.
Ghi sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “…chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[1]. Muốn thực hiện được điều đó, mỗi cấp uỷ, người đứng đầu, mỗi cán bộ, đảng viên tại những huyện nghèo trước hết phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang của mình trong việc lãnh đạo đảng bộ, chi bộ và nhân dân quyết tâm thực hiện thoát nghèo. Mỗi đảng bộ, chi bộ cần có những nghị quyết chuyên đề, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tấm gương về làm kinh tế giỏi; cần bồi đắp cho mình ý chí tự lực, tự cường và một tư duy kinh tế mới; từng bước xây dựng lối sống cần kiệm, đi đầu trong việc tìm tòi, học hỏi, sử dụng những công nghệ mới, giống mới để chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển những ngành nghề mới; sử dụng có hiệu quả mỗi đồng vốn đầu tư. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nhân dân nâng cao nhận thức để thay đổi cách nghĩ, cách làm, sửa đổi những phong tục tập quán sản xuất lạc hậu và phân công giúp đỡ các hộ nghèo biết làm giàu.
Biết kết hợp chặt chẽ giữa ngoại lực và nội lực, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, mọi lực lượng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển. Bài học về phát huy nội lực “Đem sức ta mà giải phóng cho ta” trong cách mạng giải phóng dân tộc vẫn mang ý nghĩa to lớn trong cuộc đấu tranh chống lại nghèo nàn, lạc hậu hiện nay trên đất nước ta.
[1] Hồ Chí Minh, TT, Tập 7. Nxb CTQG, H 2002, tr 572
Hà Thư