Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 4-8-2009 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 34-HD/BTCTW ngày 8-10-2009 hướng dẫn một số điểm về thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, phù hợp với tiến trình dân chủ hóa trong Đảng và xã hội. Có thể coi đây là một khâu đột phá trong cơ chế bầu cử trong Đảng, thực hiện quyền dân chủ trực tiếp lựa chọn cán bộ của mỗi đảng viên. Đây cũng là kết quả của một quá trình thực hành các chủ trương, hình thức, phương pháp dân chủ của Đảng trong điều kiện một Đảng Cộng sản cầm quyền ở nước ta hiện nay. Dân chủ trong Đảng là tiền đề để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó rất quan trọng là dân chủ về chính trị. Đảng ta luôn khẳng định ngoài mục đích phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, Đảng không có lợi ích nào khác. Dân chủ là một thuộc tính bản chất của chế độ ta, của Đảng ta. Sự lãnh đạo của Đảng nhằm đảm bảo các quyền làm chủ thuộc về nhân dân, phát huy vai trò của các cơ quan được nhân dân uỷ quyền, đảm bảo sự giám sát đầy đủ và có hiệu quả của nhân dân đối với các cơ quan đó. Quyền dân chủ đó cần được thể chế hoá, cụ thể hóa trong lĩnh vực tổ chức và cán bộ.
Lần này, thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (và tương đương), cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ nhằm mục đích tiếp tục mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên và đại biểu đại hội đảng bộ các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu cấp uỷ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Một vấn đề rất quan trọng trong đại hội là bầu cử. Bầu cử trong Đảng không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên, từ việc bầu ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cho đến việc lựa chọn bầu ra những đại biểu đi dự đại hội cấp trên. Sẽ có nhiều vấn đề mới đặt ra về dân chủ đề cử và ứng cử; về chất vấn ứng cử viên và các tiêu chuẩn, cơ cấu cụ thể; giải quyết các đơn thư tố cáo, làm rõ những thông tin cá nhân… Trong Hướng dẫn này, quy trình đề cử và bỏ phiếu có nhiều điểm mới. Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương có kế hoạch tổ chức thực hiện, chọn 15%-20% số đảng bộ cấp huyện trực thuộc đảng bộ mình để thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ. Đảng bộ quận, huyện nào thể hiện là một tập thể dân chủ, đoàn kết thống nhất, sự vững mạnh của đơn vị mới có thể đăng ký tham gia làm thí điểm. Đây là một chủ trương mới thể hiện sự đổi mới về nhận thức và cách làm, đảm bảo quyền chủ động quyết định của đại hội, của cấp ủy trong việc bầu những người tham gia cấp uỷ.
Các cấp ủy đảng cần lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, quán triệt sâu sắc tinh thần của cấp trên, của Trung ương, tạo sự thống nhất trong nhận thức của cán bộ, đảng viên; quá trình tổ chức đại hội cần phải được chuẩn bị chu đáo, phát huy được trí tuệ tập thể, đề cao ý thức trách nhiệm của toàn đảng bộ. Các đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp cần nhận rõ vinh dự, sự tín nhiệm, sự gửi gắm của đảng bộ và nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đại hội, trong đó có vấn đề lựa chọn bầu ra những người xứng đáng với trọng trách mà Đảng ta và nhân dân giao phó. Đây cũng là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, nâng cao trách nhiệm của đảng viên, của nhân dân; đấu tranh có hiệu quả chống lại những biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, cục bộ, bè phái, cá nhân chủ nghĩa.