Bảo vệ nhà báo là bảo vệ quyền được thông tin

Vụ ba nhà báo bị hành hung một lần nữa nhắc nhở rằng báo chí là nghề nguy hiểm. Theo nhà báo Hữu Thọ (nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương), căn nguyên là nhà báo thường đi tìm sự thật mà không phải ai cũng muốn sự thật đó bị phơi bày trước công luận.

Nhà báo HỮU THỌ nói: Đến nay tôi đã ghé qua được khoảng vài chục nước trên thế giới. Tôi có cảm giác rằng ngoài những thông tin mật thì nhìn chung cơ quan công quyền và doanh nghiệp thường muốn báo chí thông tin một chiều theo hướng ủng hộ chính sách, quan điểm của họ. Đây là chuyện có thể hiểu được.

Nhưng đã là nhà báo thì bên cạnh những thông tin từ cơ quan công quyền rất quan trọng, cũng có trách nhiệm thu thập thông tin nhiều chiều, để từ đó xác định đâu là thông tin chính xác và đi đến công bố thông tin dựa trên đường lối biên tập của tờ báo trên cơ sở trách nhiệm công dân. Có thể qua đó các báo sẽ công bố thông tin không hoàn toàn giống nhau, nhưng chính nhờ vậy mà tạo nên sự đa dạng trong thông tin.

Vừa được yêu vừa bị ghét

* Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng cho rằng nếu chỉ sử dụng báo chí nói một chiều theo ý mình sẽ không phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ nhà báo, làm cho báo chí có thể trở thành những công cụ dễ dàng làm vừa lòng mình nhưng không thật sự giúp được gì cho mình?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo vĩ đại, Người nói rằng việc thu thập thông tin có bốn công đoạn: hỏi, nghe, thấy và đọc, nghĩa là cả từ nguồn gián tiếp và trực tiếp, trong đó nguồn trực tiếp rất quan trọng. Với bốn công đoạn này, trước một vấn đề nào đó thường thì báo chí phải tìm đến thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, và cơ quan này thường cung cấp một lượng thông tin phù hợp với chủ trương của họ, nhưng nếu báo chí chỉ nghe một chiều như vậy thì thực chất không còn có sự phản biện.

Đó là lý do nhà báo phải có quyền tiếp cận thông tin nhiều chiều. Vụ PMU18 để lại cho giới báo chí nước ta nhiều bài học, theo tôi, trong đó có một bài học quan trọng là người làm báo đừng bao giờ chỉ nghe một phía.

* Chính vì muốn “tai nghe, mắt thấy”, muốn có thông tin nhiều chiều nên không ít nhà báo chống tiêu cực đã phải chịu bầm dập?

- Khi anh tìm mọi cách (hợp pháp) để có thông tin, truy đến nguồn gốc của thông tin thì sẽ làm những người liên quan cảm thấy khó chịu, bực dọc. Chỉ riêng việc anh vặn vẹo người phát ngôn của một cơ quan nào đó để có thêm thông tin, để biết được “đằng sau” những thông tin được công bố cũng đã khiến người ta khó chịu, chưa nói đến những sự khai thác thông tin khác có thể ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín của người ta.

Đây là lý do khiến nghề báo trở nên nguy hiểm, nhà báo vừa được yêu vừa bị ghét. Để che giấu thông tin bất lợi, kẻ phạm pháp, côn đồ có thể sử dụng vũ lực, người khác có thể dùng những cách tinh vi hơn, nên ở đây có một vấn đề rất lớn là phải giúp đỡ và bảo vệ nhà báo trong quá trình họ tìm hiểu thông tin.

Phải minh bạch thông tin

* Làm sao để bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp?

Thứ nhất, nếu dự thảo luật tiếp cận thông tin được thông qua sẽ là một sự đảm bảo về mặt luật pháp để các nhà báo có “thông tin chính xác và đầy đủ”, “minh bạch và kịp thời” như chính những từ ngữ được quy định trong dự luật này.

Thứ hai, xã hội phải tôn trọng quyền hành nghề chính đáng của nhà báo, ai vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong thông điệp đầu năm, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh “phải công khai và minh bạch thông tin, làm rõ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước”. Đây chính là tín hiệu để các nhà báo tự tin thực hiện sứ mệnh của mình.

* Có một thực tế là việc nhà báo bị hành hung dường như đã không còn là cá biệt, vì cách đây chưa lâu cũng đã có nhiều nhà báo lâm nạn trong khi đang tác nghiệp?

Bảo vệ nhà báo trong quá trình thu thập thông tin chính là một phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền được thông tin của nhân dân đã ghi trong hiến pháp. Đúng là không phải đến bây giờ mới có nhà báo bị đánh, cũng không phải chỉ có bọn buôn lậu mới đánh nhà báo, tôi nhớ người nhà một đại gia cũng đã tát vào mặt nhà báo ngay tại một cuộc thi hoa hậu... Khi nào còn những sự thật bị che giấu, khi nào nhà báo còn đi tìm sự thật thì có thể còn có những nhà báo phải chịu bầm dập.

Ở nước nào cũng như vậy. Vấn đề là luật pháp, bạn đọc sẽ đứng về những người làm báo chân chính. Tất nhiên, nói đi phải có nói lại. Nghề báo cũng là một nghề bình thường như các ngành nghề khác trong xã hội, đừng ai đó vì nghĩ rằng mình là nhà báo mà có sự lạm quyền, lộng quyền, có sự không đúng mức trong tác nghiệp vì như vậy sẽ có phản ứng. Bản thân những người làm báo phải xây dựng văn hóa nghề nghiệp để xã hội tôn trọng.

Hành nghề nghiêm túc

* Theo ông, vấn đề quan trọng đặt ra đối với những người làm báo hiện nay là gì?

Tôi mới đọc thông tin trên mạng về một cuộc điều tra dư luận xã hội đối với báo chí Mỹ, qua đó cho thấy độ tin cậy của công chúng dành cho các tờ báo lớn ở nước này đang giảm sút. Thế giới như vậy thì chúng ta phải xem thế nào? Tôi có cảm giác là độ tin cậy của bạn đọc với báo chí Việt Nam cũng đang giảm sút.

Có hai lý do, có thể vì dân trí nâng lên, cho nên trước một vấn đề báo chí đưa ra bạn đọc sẽ lật đi lật lại thông tin. Cũng có thể là hoạt động nghiệp vụ của không ít tờ báo có sai sót làm ảnh hưởng uy tín của làng báo, làm giảm sự tin cậy của công chúng đối với báo chí. Đây là vấn đề rất lớn đặt ra cho những người làm báo chúng ta. Chúng ta có thể nói đến việc xây dựng tập đoàn báo chí, đến việc đổi mới cơ chế quản lý báo chí... nhưng việc quan trọng nhất, theo tôi, là hành nghề nghiêm túc, đúng luật để xây dựng lòng tin đối với công chúng, xây dựng uy tín của mỗi tờ báo.

(Nguồn Báo Tuổi Trẻ)

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất