Lần đầu tiên Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ưu tiên dùng hàng Việt Nam là lời kêu gọi nhẹ nhàng nhưng tha thiết, không áp đặt nhưng lay động lòng người. Ưu tiên dùng hàng Việt Nam không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển sản xuất, phát huy nội lực mà còn thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, lòng yêu nước của mỗi người dân. Ưu tiên dùng hàng Việt Nam phải bắt đầu trong các chương trình mua sắm công phù hợp với quy định của WTO. Các cơ quan hải quan, môi trường, quản lý chất lượng phải thường xuyên kiểm tra bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải gương mẫu ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Cần khai thác kinh nghiệm từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, ấn Độ về sự gương mẫu của chính khách và công chức nhà nước trong sử dụng hàng nội địa.
Tuy nhiên, ưu tiên của người tiêu dùng phụ thuộc trước hết vào chất lượng hàng hóa, giá cả, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Để được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn thì trước hết sản phẩm, dịch vụ hàng Việt Nam ít nhất phải bằng hàng ngoại. Như vậy, đối tượng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam không chỉ nhắm vào trước tiên là người tiêu dùng mà nhằm trước tiên vào người sản xuất - các doanh nghiệp, không phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam trước nhất mà phải là ưu tiên sản xuất hàng Việt Nam chất lượng tốt trước tiên.
Trong suốt thời gian dài, không ít doanh nghiệp Việt Nam chỉ xem thị trường nội địa là nơi tiêu thụ hàng loại hai hoặc sản phẩm xuất khẩu bị lỗi, thải loại. Nhiều doanh nghiệp đã đánh mất lòng tin của người tiêu dùng vì chất lượng sản phẩm thấp giá lại cao, thiếu quan tâm chăm sóc khách hàng, dịch vụ hậu mãi kém (có kết quả khảo sát cho thấy, 94% khách hàng yêu cầu bảo hành thì chỉ có 8% doanh nghiệp đáp ứng, 36% không chịu trách nhiệm bảo hành). Không ít sản phẩm trước có chất lượng, thương hiệu nhưng sau do ham số lượng, coi nhẹ chất lượng mà mất khách dần. Bài học của người Nhật sản xuất hàng hóa tiêu dùng nội địa chất lượng luôn bằng hoặc cao hơn hàng hóa xuất khẩu đáng để người sản xuất - các doanh nghiệp Việt Nam suy ngẫm.
Ưu tiên sản xuất hàng Việt Nam không chỉ bắt đầu từ chiến lược, định hướng, giải pháp phát triển của Đảng và Nhà nước mà cần phải bắt đầu ngay từ mỗi tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, từ những tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đến mỗi doanh nghiệp nhỏ của tư nhân, để sản xuất hàng tiêu dùng nội địa tốt như hàng xuất khẩu. Đây chính là một hàng rào thuế quan vô hình, chống lại sự xâm nhập hàng ngoại một cách văn minh, bền vững. Phát huy vai trò hạt nhân chính trị, các tổ chức đảng không thụ động ngồi chờ lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc của người tiêu dùng tìm đến sản phẩm của mình, mà cần chủ động, sáng tạo lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại, thể hiện lòng tự tôn của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu mạnh không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới. Tư tưởng sản xuất hàng hóa nhanh, nhiều, tốt, rẻ của Bác năm xưa vẫn nóng bỏng tính thời sự hôm nay. Cần xây dựng mạng lưới phân phối khoa học, quảng bá sản phẩm trung thực, hình thành dịch vụ văn minh, lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ.
Khi nhà sản xuất trong nước ưu tiên làm ra sản phẩm chất lượng cao thì không lý gì người Việt Nam không ưu tiên dùng hàng hoá của đất nước mình. Hai ưu tiên cần được tiến hành song song, cần được coi là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp, trước hết từ trong mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trở thành nếp sống, nét đẹp trong văn hóa sản xuất, tiêu dùng.
Hà Thư