An sinh xã hội - sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua các biện pháp công nhằm khắc phục những khó khăn về kinh tế-xã hội.
Nếu không có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, sự chia sẻ và chung sức của nhân dân bằng những việc làm thiết thực thì khó có thể đem lại kết quả.
“Trong lúc càng khó khăn càng phải quan tâm tốt tới an sinh xã hội, đến đời sống nhân dân”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại buổi giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 và Nghị quyết 11-NQ/CP của Chính phủ ngày 24-2-2011 về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
An sinh xã hội - sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua các biện pháp công nhằm khắc phục những khó khăn về kinh tế-xã hội. Vấn đề ăn, ở, đi lại, chữa bệnh của người dân đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá tăng mạnh. Thông thường, khi nói đến an sinh xã hội, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, người ta thường nghĩ đến việc Nhà nước chi tiền hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Điều đó cần thiết nhưng quan trọng hơn là kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất, nâng chất lượng quản lý xã hội. Cách làm phải có trọng điểm, không tràn lan, gây lãng phí. Phân bổ nguồn vốn phát triển kinh tế một cách hiệu quả để tăng việc làm, cắt giảm những khoản đầu tư kém hiệu quả, chú trọng giải quyết vốn phát triển sản xuất khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp làng nghề. Các dịch vụ công phải sát dân, đáp ứng yêu cầu thiết yếu.
Lạm phát cao làm thu nhập thực tế và tích lũy của người dân, nhất là người nghèo vốn đã ít lại càng ít hơn. Cần có sự điều hành rõ ràng, minh bạch và sự cẩn trọng trong việc điều chỉnh giá những mặt hàng Nhà nước đang chi phối, phải cân nhắc và dựa trên cân đối lợi ích tổng thể, tính đến khả năng chịu đựng của đại bộ phận dân chúng, kèm với các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.
Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là chia sẻ thông tin nhanh và chính xác cho dân chúng, công khai mọi chính sách tiền tệ có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân. Người dân cũng phải vào cuộc, có ý thức tự giác, phanh phui mọi thủ đoạn té nước theo mưa để trục lợi...
Khó khăn lại càng lớn hơn khi tình hình quốc tế có nhiều biến động: bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, động đất, sóng thần ở Nhật Bản… Những vấn đề đó đã, đang ảnh hưởng trực tiếp, bất lợi đến nền kinh tế nước ta, gia tăng sức ép đối với trọng trách chèo lái nền kinh tế vượt qua “cơn bão” lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Việc triển khai chính sách an sinh xã hội, bên cạnh quá trình kiểm soát tốt, cần được làm với cái tâm trong sáng và trách nhiệm cao của từng cán bộ, đảng viên ở từng vị trí được Đảng và Nhà nước giao phó. Trước hết, phát huy vai trò các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đảng viên giữ trọng trách, là người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện 7 nhóm giải pháp.
Bài học lịch sử cho thấy, nếu không có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, sự chia sẻ và chung sức của nhân dân bằng những việc làm thiết thực thì khó có thể đem lại kết quả. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “khó vạn lần dân liệu cũng xong” tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong giải quyết thành công bất kỳ nhiệm vụ khó khăn nào cần được Đảng lãnh đạo thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
TÂN THỊNH