Ngày 20-5-2011 tàu BD-0394 hai tầng thuộc Công ty Du lịch Xanh Dìn Ký đã bị đắm trên sông Sài Gòn, đoạn qua Bình Dương. Trên tàu khi đó đang có tiệc mừng sinh nhật bé Quách Hồng Đạt 3 tuổi. Tai nạn bất ngờ, phút chốc đã biến ngày sinh của bé thành ngày giỗ của 16 người, trong đó tất cả gia đình bé trừ mỗi mình ông Quách Lương Tài - cha bé sống sót. Đây là vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng xảy ra trên một tàu du lịch có số người chết nhiều nhất từ trước đến nay.
Tai nạn xảy ra đã gần 20 ngày nhưng chưa ai nhận trách nhiệm ngoài Giám đốc Công ty du lịch trong khi kết quả điều tra cho thấy: bến tàu hoạt động không phép, con tàu không được đưa đi kiểm định khi đã hết hạn, lái tàu không có bằng lái. Du khách đến bến không thể biết bến hoạt động có phép hay không, xuống tàu không thể kiểm tra chất lượng, độ an toàn của tàu và người lái tàu có bằng lái hay không. Đó là trách nhiệm của những người hưởng lương nhà nước thi hành công vụ ở những cơ quan chức năng. Mà những cơ quan này được tổ chức đủ cả hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Vậy tại sao không có ai nhận trách nhiệm hay buộc phải nhận trách nhiệm?
Hoạt động của các con tàu du lịch có quá nhiều nguy cơ xảy ra sự cố vì từ lâu đã không nằm trong bất cứ danh mục quản lý nào của cơ quan chức năng. Bởi với các quy định hiện hành, không thể biết đâu là tàu du lịch và đâu là tàu chở khách bình thường. Chủ các tàu du lịch đăng ký hoạt động tại sở giao thông vận tải được cấp phép hoạt động như các tàu chở khách. Trong khi tàu du lịch cần phải có đòi hỏi cao hơn. Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn tàu, thuyền du lịch. Trong khi những người phục vụ trên tàu du lịch cần phải được huấn luyện và phải có chứng chỉ về nghiệp vụ, cứu hộ chuyên nghiệp để biết cách ứng xử khi có sự cố xảy ra.
Những vấn đề cấp thiết, rõ ràng này các cơ quan quản lý biết từ lâu nhưng vì sao không xử lý được? Không lẽ tàu du lịch QN5198 thuộc Công ty TNHH Trường Hải (Quảng Ninh) chở du khách nghỉ qua đêm trên vịnh Hạ Long tối 17-2-2011đã bị chìm làm 12 người chết, trong đó có 10 người nước ngoài cũng không đủ cảnh tỉnh đối với các cơ quan chức năng để từ đó đến nay khi xảy ra tai nạn vẫn không ai chịu trách nhiệm vì lý do “sự chồng chéo trong quản lý” và “không đủ các quy định”? Ai loại bỏ sự chồng chéo và đưa ra các quy định nếu không phải chính họ? Ai dám chắc rằng nước ta với bờ biển dài, rất nhiều vịnh, đảo, bãi tắm đẹp, sông, hồ đang được đưa vào phục vụ du lịch với rất nhiều tàu thuyền, nhà hàng nổi sẽ không có tai nạn đau đớn tương tự xảy ra? Khi đó, quả bóng trách nhiệm sẽ vẫn được đá từ cơ quan này đến cơ quan khác và vẫn không có cá nhân, tổ chức nào là “đày tớ của dân” bị xử lý thích đáng vì vô trách nhiệm?
Những câu hỏi trên thực tế đều đã có trả lời. Vấn đề là trả lời bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Tất cả những câu hỏi và trả lời ấy đều liên quan đến tổ chức. Tổ chức bộ máy, tổ chức con người, tổ chức hoạt động hằng ngày của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân. Tai nạn chìm tàu Dìn Ký phải là một bài học thực tế khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy: Vì sao hình thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhằm khắc phục tình trạng bỏ trống hoặc trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ nhưng trên thực tế tình trạng này vẫn còn? Xây dựng các bộ để làm tốt chức năng chủ yếu là xây dựng thể chế, luật pháp, chính sách, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành…trên thực tế việc này vẫn chưa tốt? Cơ cấu bên trong các bộ phải rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, nâng cao trách nhiệm của từng bộ phận và đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công việc nhưng khi xảy ra sự cố vẫn không có ai chịu trách nhiệm cụ thể? V.v.
Khi mỗi đơn vị bất kỳ ở Trung ương hay cơ sở, có tổ chức bộ máy tinh gọn, được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên được bố trí đúng người, đúng việc, được xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm, được bảo đảm vật chất, động viên tinh thần xứng đáng, bị xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm thì khó có thể xảy ra những tai nạn thảm khốc tương tự.
Nguyễn Thuý Hoàn