Vê người đứng đầu

Người đứng đầu của mỗi tổ chức, địa phương, đơn vị có vai trò rất quan trọng. Có một danh ngôn khá thú vị: “Tôi sợ 100 con cừu do con hổ dẫn đầu, không sợ 100 con hổ do con cừu dẫn đầu”.


Mỗi tổ chức, địa phương, đơn vị đều hoạt động theo luật pháp, điều lệ và những quy định chung. Ngoài ra có thể có những quy định cụ thể riêng, phù hợp với thực tiễn. Người đứng đầu chịu trách nhiệm cao nhất và có ảnh hưởng lớn nhất để thực thi những quy định ấy. Ở đâu, thời nào, tổ chức, địa phương, đơn vị nào người đứng đầu “có tâm, có tầm” thì ở đó, thời đó có niềm tin, kỷ cương, phát triển và ngược lại.


Thường thì ai cũng trưởng thành “từ binh nhì”, từ thấp lên cao, được “làm lính” rồi mới “làm quan”, có một quá trình học tập, trong đó có học tập những tấm gương đi trước, tích lũy, cải tiến, sáng tạo. Nhiều người đứng đầu đã dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh, tạo ra những bước đột phá ngoạn mục; dân rất biết ơn và tự hào. Nhưng cũng có những kẻ đứng đầu chỉ biết “giữ ghế”, khai thác, phòng ngự, thậm chí kéo lùi lịch sử; dân mất niềm tin, oán trách...


Người đứng đầu của ta được trang bị nhiều kiến thức, bằng cấp: lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ... Trong đó có những tấm bằng (chuyên tu, hàm thụ, nâng cao...) từ tiền của nhân dân mà có. Phần lớn người dân không mấy quan tâm đến lý luận về quản lý. Nhưng họ “bấm đốt ngón tay”, lần lại lịch sử: Quê ta, từ trước đến nay ông này thanh liêm, ông kia sâu mọt, ông này tận tụy, ông kia láo nháo... Đa phần người ta đều muốn quyền cao chức trọng, sang giàu và cũng muốn được mọi người nể trọng, quý mến. Giữa cái uy quyền, giàu sang với cái sống trong lòng dân không biết bên nào nặng hơn? Là cũng nói chung như vậy, không dám ám chỉ ai cả.


Nhưng có tật thì nên giật mình! Người xưa nêu ra 8 điều tự rèn của người quân tử: cách vật, trí tri, chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tôi không thông chữ nghĩa, chỉ tạm hiểu: Phải nắm được những kiến thức cơ bản, sự vận hành của các quy luật, chân thành, cầu thị, tu dưỡng bản thân mình thì mới lo được việc gia đình, việc nước...


Lâu nay, chúng ta thường tổ chức bỏ phiếu để thăm dò tín nhiệm, làm quy trình nhân sự, bầu cử... Đây là một cách nhằm phát huy dân chủ của tập thể, đánh giá về một tập thể hoặc cá nhân nào đó. Việc bỏ phiếu cũng ngày càng có những cải tiến cả nội dung và hình thức: Từ cách lấy tỷ lệ, từ ghi bằng tay đến đánh dấu, từ bỏ phiếu kiểu “bó đũa chọn cột cờ” đến bầu một người, từ bầu đủ đến bầu thiếu, có khi bỏ phiếu để bầu, có khi bỏ phiếu để làm một kênh thăm dò... Ta cũng đã “quen dần” tỷ lệ từ 95% đến 100%, quá bán. Lại có “lý luận” rằng: Làm gì có người mà ai cũng ưa cả, 75% là tuyệt vời...


Đáng nói là có nơi, có vị năng lực kém cỏi, ích kỷ, hẹp hòi, sự thành đạt nhờ mưu mẹo, “quan hệ” nhưng khi có chức vụ thì “mục hạ vô nhân”, không coi ai ra gì; sắp đến kỳ bầu cử thì lại ra vẻ ân cần, thân mật, cầu thị. Có vị, khi có số phiếu cao đã mở những cuộc “khai hội” dưới các hình thức khác nhau; trước thì để tranh thủ tình cảm, cảm ơn, hậu tạ, tung hô, sau thì để phô trương thanh thế, củng cố thế lực! Khi yên vị rồi thì đâu lại vào đấy với cái bản chất vốn có.


Thôn quê đã có chuyện tức cười: Sắp bầu cử, nhà sếp có con lợn say sắn, làm thịt chia cho mỗi nhà một ít, bán sợ mang tiếng! Khi mỗi người xách một xâu hỉ hả ra về, có ông bạn vàng của sếp nhắc nhỏ: “Nỏ phải say sắn mô, sếp khao đấy. Nay mai giúp nó lá phiếu nhé!”. “Siêu” hơn thì có những bè cánh, bộ phận “lốp bi” (vận động hành lang) rất tinh vi... Đáng buồn là có vị khi không được như ý lại biểu hiện ra mặt, truy tìm ai không tín nhiệm mình, mất ăn, mất ngủ, uống rượu, nói nát như điên như khùng, nói càn, nói bậy, bất mãn, thách đố... không nhớ mình là quân tử hay tiểu nhân, trí thức hay vô học, kẻ sĩ hay kẻ... gì! Gặp trường hợp ấy, thật đáng khen cho sự sáng suốt và đáng mừng cho những người bỏ phiếu vì đã loại bỏ được một người xấu.


Có người lại nghĩ: Chúng ta hy vọng ở sự sáng suốt của những đại biểu - người bỏ phiếu trong thời kỳ đổi mới và xu thế phát triển tất yếu của lịch sử hơn là chờ đợi “sự tự điều chỉnh” của những kẻ ma mãnh, cơ hội!.

Phản hồi (2)

Hoàng Minh Hải 30/05/2011

Bài viết đúng thực trạng. Nhưng hỏi làm sao để có người đứng đầu chuần thì không biết tìm đâu câu trả lời. Đâu phải lúc nào cũng bỏ phiếu?

Nguyễn Văn Tài 24/05/2011

Tôi đồng ý:"Chúng ta hy vọng ở sự sáng suốt của những đại biểu - người bỏ phiếu trong thời kỳ đổi mới và xu thế phát triển tất yếu của lịch sử hơn là chờ đợi “sự tự điều chỉnh” của những kẻ ma mãnh, cơ hội!" Nhưng xin biên tập lại: "Chúng ta hy vọng ở sự sáng suốt của những lá phiếu vô tư, khách quan trong thời kỳ đổi mới và xu thế phát triển tất yếu của lịch sử hơn là chờ đợi “sự tự điều chỉnh” của những kẻ ma mãnh, cơ hội!".

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất