Từ ngày 8-3-2015, trên mạng xã hội lan truyền video clip một vụ bạo lực học đường. Nạn nhân là một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Trà Vinh bị các bạn cùng lớp, trong đó có lớp trưởng dùng ghế ném, đập tới tấp vào đầu. Rất đông học sinh đứng xem nhưng không có bạn nào can ngăn. Đây không phải là vụ bạo lực học đường đầu tiên được dư luận quan tâm, lên án. Nhưng sau mỗi vụ bạo hành, dư luận bức xúc, ồn ào, các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, xử lý rồi đâu lại vào đấy, bạo lực không có chiều hướng giảm. Vụ việc dã man lần này xảy ra ngay tại lớp học - nơi được coi là an toàn trong sự quản lý của giáo viên, ban giám hiệu, bảo vệ và tổ chức đoàn, đội, lớp học dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức đảng.
Người ta đã phân tích rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên: do nhiều gia đình có hoàn cảnh éo le, cha mẹ, người thân mải làm ăn, mưu sinh, không chú ý đến con cái, do xã hội có nhiều tiêu cực ảnh hưởng đến học sinh, do nhà trường nặng dạy chữ, chưa coi trọng dạy người… Nếu xét đến vai trò lãnh đạo, tổ chức đảng liệu có vô can và có phải là một nguyên nhân?
Theo quy định của BCH Trung ương, chi, đảng bộ trong nhà trường là hạt nhân chính trị lãnh đạo việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ công tác của đơn vị. Nhiệm vụ của bất kỳ trường học nào chẳng phải là dạy tốt, học tốt, giáo dục, đào tạo nên những con người vừa hồng, vừa chuyên? Bạo lực có thuộc phạm vi đạo đức, nhân cách mà trong nhà trường không được phép xảy ra? Ngăn ngừa các hành vi bạo lực có được nhắc tới trong giáo dục đạo đức cho học sinh, trong chương trình, kế hoạch hoạt động của chi bộ? Trong quá trình học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh của chi bộ có chuyên đề nào về “bồi dưỡng thế hệ cách mạnh cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết?”. Các em học sinh hôm nay sẽ là những người kế tục sự nghiệp của Đảng trong tương lai ra sao khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã đánh bạn một cách tàn nhẫn? Khi chứng kiến cảnh đau lòng mà vô cảm không can ngăn?
Tổ chức đảng nhà trường phải chịu trách nhiệm trong việc xảy ra bạo lực học đường. Không phải đến khi bạo lực xảy ra mới xác định trách nhiệm của học sinh, giáo viên, ban giám hiệu, tổ chức đảng mà cần xác định trách nhiệm ngăn ngừa ngay khi xác định nhiệm vụ, chỉ tiêu từ đầu năm học, phải là một tiêu chí trong phân tích chất lượng, xếp loại tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh cuối năm. Vấn đề bạo lực học đường cần trở thành một nội dung, chỉ tiêu trong phương hướng, nhiệm vụ của chi, đảng bộ khi tiến hành đại hội cấp cơ sở tiến tới Đại hội XII của Đảng. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ đảng viên trong cả nhiệm kỳ và từng năm học.
Nguyễn Thuý Hoàn