Quảng Trị thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và nơi không tổ chức HĐND
Hội nghị lấy ý kiến về thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp diến ra vào ngày 29-4-2011 tại Quảng Trị
Cách triển khai, tổ chức thực hiện
Nhận thức rõ việc thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND là vấn đề quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã có sự chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, thận trọng. Ngày 6-5-2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 768-TB/TU về một số chủ trương thực hiện thí điểm đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp, quy định cụ thể trong thực hiện chủ trương này. Đối với cấp huyện, Tỉnh ủy chỉ đạo chọn 2 huyện Cam Lộ và Triệu Phong thí điểm (trước đó, huyện đảo Cồn Cỏ đã thực hiện mô hình này). Đối với cấp xã, yêu cầu mỗi huyện, thị chọn 1 xã (phường, thị trấn), riêng TP.Đông Hà chọn từ 2 đến 3 phường.

Để thực hiện tốt chủ trương này, ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy đã chú ý công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng và nhiệt tình ủng hộ.

Những thuận lợi và khó khăn ban đầu

Cấp ủy các cấp đã khẩn trương và nghiêm túc chấp hành ý kiến chỉ đạo của Trung ương và cấp ủy cấp trên về việc thực hiện thí điểm chủ trương này. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị và các huyện, thị, thành uỷ theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên các đơn vị thực hiện thí điểm. Mặt khác, tỉnh đã có 2 đơn vị là phường 2 (thị xã Quảng Trị) và thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) thực hiện mô hình này trước khi có chủ trương của Trung ương, nên đã có một số kinh nghiệm trong việc triển khai, tổ chức thực hiện cho những đơn vị làm điểm. Chủ trương này của Trung ương và của tỉnh được đa số cán bộ, đảng viên đồng tình, tích cực tham gia.

Đến nay, cấp huyện có 2/10 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 20%) thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND (huyện Cam Lộ và huyện đảo Cồn Cỏ). Trong đó, huyện Cam Lộ đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện; huyện đảo Cồn Cỏ còn HĐND huyện.

Đối với cấp xã, năm 2009 có 10/141 xã, phường, thị trấn (chiếm 7,1%), trong đó có 3 phường, 1 thị trấn và 6 xã. Hiện có tất cả 11 xã, phường, thị trấn đang thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, trong đó, có 2 xã miền núi (xã Hướng Việt - huyện Hướng Hóa và xã Cam Nghĩa - huyện Cam Lộ); 1 xã ở miền biển (xã Triệu An - huyện Triệu Phong); 4 ở thành phố và thị xã (phường 2, Đông Lễ và Đông Lương - TP.Đông Hà; phường 1 - thị xã Quảng Trị); 4 xã ở đồng bằng (xã Vĩnh Kim - huyện Vĩnh Linh; Gio Quang ở Gio Linh; Triệu Thuận ở Triệu Phong, Hải Phú ở Hải Lăng).

Các đơn vị thực hiện thí điểm chủ động lựa chọn cán bộ bố trí vào chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ; phân công lại nhiệm vụ đối với các đồng chí trong thường trực cấp ủy và UBND. Nhiều đơn vị thực hiện thí điểm đã bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của thường trực và ban thường vụ cấp ủy, quy chế làm việc của thường trực ủy ban và UBND.

Đối với cấp huyện đồng chí phó bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Cam Lộ được Huyện ủy bầu giữ chức vụ bí thư huyện ủy nhiệm kỳ 2005-2010; được chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm chức vụ chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2004-2011 (khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện) và được BCH Đảng bộ huyện, khóa XIV bầu lại chức vụ bí thư huyện ủy nhiệm kỳ 2010-2015 với số phiếu bầu cao.

Đối với cấp xã, trong số 11 đồng chí đang giữ chức vụ bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND thì có 4 đồng chí được luân chuyển từ trên về, 2 đồng chí trước đó giữ chức vụ bí thư đảng ủy, 5 đồng chí trước đó giữ chức vụ chủ tịch UBND. Qua đại hội  cơ sở, cả 11 đồng chí đều được bầu lại chức vụ bí thư đảng ủy với số phiếu cao. Trong số các đồng chí được luân chuyển về làm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có 1 đồng chí ở phường 1 (thị xã Quảng Trị) đã được bầu giữ chức vụ phó bí thư thị ủy Quảng Trị, thị xã đã có kế hoạch bố trí đồng chí khác thay thế; 1 đồng chí ở phường Đông Lễ (TP.Đông Hà) đã được bầu vào ban thường vụ thành uỷ; 1 đồng chí ở thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) đã được bổ nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND huyện, huyện luân chuyển 1 đồng chí huyện ủy viên, bí thư ở xã khác về thay, sau đó điều động giữ chức vụ chủ tịch Hội Nông dân huyện (hiện nay thị trấn Krông Klang không tiếp tục thực hiện thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND).

Thực tế là, khi bắt đầu thực hiện có nhiều khó khăn đặt ra: Đây là một vấn đề mới, chưa được quy định trong Điều lệ Đảng, Luật Tổ chức HĐND và UBND; chưa có các quy định, hướng dẫn và quy chế làm việc của thường trực cấp uỷ, UBND, về trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND. Một số cán bộ, đảng viên băn khoăn về năng lực, phẩm chất cán bộ cũng như cơ chế giám sát cán bộ để đảm bảo, phát huy năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng như đề phòng và khắc phục nếu xảy ra những biểu hiện độc đoán, gia trưởng, bè phái, tham nhũng khi quyền lực tập trung vào một cá nhân.

Đội ngũ cán bộ ở một số nơi còn có những hạn chế về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý, nên có khó khăn trong việc lựa chọn, bố trí cán bộ có các tiêu chuẩn đảm đương chức danh này. Biên chế cán bộ chuyên trách công tác đảng ở xã, phường, thị trấn ít; áp lực công việc đối đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND lớn.

Việc bố trí công việc và giải quyết chế độ, chính sách với những đồng chí thôi giữ chức vụ bí thư hoặc chủ tịch UBND do thực hiện chủ trương nhất thể hóa còn lúng túng. Việc bố trí, phân công nhiệm vụ các đồng chí phó bí thư ở những đơn vị vừa thí điểm không tổ chức HĐND, vừa thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND còn lúng túng (đối với cấp xã bố trí 1 đồng chí phó bí thư phụ trách cơ sở là chưa phù hợp; cấp huyện bố trí 1 đồng chí phó bí thư phụ trách cơ sở hay kiêm phó chủ tịch UBND vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau).

Kết quả tích cực
Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tạo nên sự thống nhất trong lãnh đạo với chỉ đạo và điều hành, nhất là việc chuẩn bị, ban hành chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chỉ đạo, thực hiện của chính quyền; việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân ở tại địa phương được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi; giảm bớt khâu trung gian, thời gian hội họp, bộ máy tinh gọn.

Thực hiện chủ trương này có tác dụng tích cực đến đội ngũ cán bộ, như đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; khắc phục được tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất giữa chủ trương và tổ chức thực hiện, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chỉ đạo không thống nhất giữa bí thư với chủ tịch UBND, giữa thường trực cấp ủy với thường trực UBND ở những nơi đoàn kết nội bộ không tốt.

Đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND có thực quyền hơn, bao quát, linh hoạt hơn. Có tác dụng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND,  thường trực cấp ủy, UBND và các cơ quan tham mưu, giúp việc. Khắc phục được tình trạng mất đoàn kết giữa người đứng đầu cấp ủy với người đứng đầu chính quyền.

Huyện Cam Lộ và các xã, phường, thị trấn được chọn thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đã sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ, thường trực cấp ủy và UBND cùng cấp. Quy chế làm việc xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực cấp uỷ, UBND; của đồng chí bí thư - chủ tịch UBND và được thông báo rộng rãi.
Quy chế quy định rõ đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND chủ trì nội dung, kết luận các cuộc họp, chỉ đạo các hoạt động của BCH, BTV, UBND; chỉ đạo thực hiện các vấn đề quan trọng về xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, công tác tổ chức cán bộ; cho ý kiến trực tiếp khi cần thiết đối với những lĩnh vực khác.

Kiến nghị, đề xuất

Đây là một chủ trương mới rất quan trọng trong tiến trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoạt động quản lý của chính quyền, liên quan trực tiếp đến thực hiện quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, quyền dân chủ của nhân dân... Vì vậy muốn thực hiện rộng rãi cần được xem xét, giải quyết một cách đồng bộ với các yếu tố khác trong đổi mới hệ thống chính trị, nhất là phải gắn với việc đánh giá về kết quả thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường hiện nay. Việc tổ chức các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ và chính quyền phù hợp hơn (như sáp nhập các cơ quan văn phòng cấp uỷ với văn phòng UBND, ban tổ chức cấp uỷ với tổ chức chính quyền...) cần có thời gian, bước đi phù hợp với thực tiễn, có tổng kết rút kinh nghiệm trước khi triển khai nhân rộng.

Để tiếp tục thực hiện thí điểm hoặc đại trà (nếu có), đề nghị Trung ương cần sớm ban hành các quy chế mẫu như: Quy chế làm việc của bí thư đồng thời là chủ tịch UBND; quy chế làm việc của thường trực cấp ủy; quy chế làm việc của UBND để áp dụng thống nhất trong cả nước đối với những địa phương đang thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND và không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Trong đó, cần xác định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của từng chức danh; đồng thời phân cấp mạnh mẽ một số quyền của bí thư cấp uỷ và chủ tịch UBND cho đồng chí phó bí thư và phó chủ tịch UBND thường trực để bí thư đồng thời là chủ tịch UBND có điều kiện tập trung thực hiện tốt hơn những việc lớn và quan trọng của cấp uỷ và UBND.

Cần xây dựng tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND; quy trình bầu cử và bổ nhiệm chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND; chương trình và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh này ở các cấp. Có chế độ, chính sách phù hợp với bí thư đồng thời là chủ tịch UBND. Những đơn vị thực hiện bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cần bố trí 2 phó chủ tịch UBND xã và phải có 1 cán bộ chuyên trách văn phòng đảng uỷ.

Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, đủ mạnh đối với hoạt động của UBND, các thành viên UBND nhất là đối với bí thư đồng thời chủ tịch UBND để phòng ngừa các sai phạm khi không còn tổ chức HĐND.

Phản hồi (1)

Trương Thị Bạch Yến 15/05/2011

Bài viết rất hay! Tác giả có lẽ là người trực tiếp tham mưu và góp phần vào triển khai chủ trương này nên hiểu và đánh giá sâu sắc thực tế đang diễn ra. Nghiên cứu mô hình này ở nhiều nơi, chúng tôi được biết: Vì là "thí điểm", nên cấp ủy các cấp rất tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và lựa chọn cán bộ khá kỹ để có thể đảm trách hai vai bí thư và chủ tịch; bản thân các đồng chí được giữ chức danh "nhất thể hóa" này nỗ lực hết mình trong quy tụ sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao... Vì vậy mô hình "nhất thể hóa" bước đầu khá thuận lợi, mặt được thì đã rõ. Tuy nhiên, để nhân lên diện rộng mô hình này trong thời gian tới còn rất khó, bởi phải tập trung quyết liệt việc chuẩn hóa nguồn cán bộ đứng đầu đủ tầm; xây dựng các đảng bộ thật sự đoàn kết thống nhất; xây dựng đội ngũ tham mưu giúp việc năng động, sáng tạo, giỏi chuyên môn, hết lòng cùng thủ trưởng của mình vì công việc... Cả 2 bài báo về mô hình "nhất thể hóa" bí thư - chủ tịch (ở Bình Định và Quảng Trị) đều rất cụ thể, thiết thực. Cám ơn các tác giả và Tòa soạn. Mong có nhiều hơn những bài như thế!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất