Kết quả bước đầu thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ở Hoài Nhơn (Bình Định)
Cảng Quy Nhơn-Bình Định

Giữa năm 2009 và đầu năm 2010, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Nhơn (Bình Định) quyết định chọn hai xã Hoài Thanh Tây và Tam Quan Bắc thực hiện thí điểm mô hình này. Sau thời gian triển khai thực hiện, có thể nói, Hoài Thanh Tây và Tam Quan Bắc đã thành công bước đầu trong việc áp dụng mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch.

Hai địa phương này có thuận lợi là các đồng chí được lựa chọn để trao trọng trách đều có năng lực lãnh đạo, quản lý, công tác nhiều năm, am hiểu địa bàn, tình hình, nhân dân địa phương. Tuy nhiên cũng có thể nhận thấy, kể từ ngày tiếp nhận hai “vai”, công việc của các đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch tăng lên rất nhiều. Thay vì có điều kiện để chuyên sâu trên một lĩnh vực (hoặc công tác xây dựng đảng hoặc công tác quản lý nhà nước) và có thời gian giúp đỡ gia đình, đến và rời trụ sở đúng giờ quy định như trước đây, nay kiêm nhiệm nên đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch xã phải thay đổi lịch làm việc và thói quen sinh hoạt của mình. Hằng ngày, vào đầu giờ làm việc buổi sáng, bí thư-chủ tịch thường giải quyết công việc thuộc lĩnh vực khối ủy ban, cuối giờ lại hội ý lãnh đạo bên Đảng ủy. Ở kỳ giao ban cuối tháng, buổi sáng chủ trì giao ban khối nhà nước, buổi chiều chủ trì giao ban khối đảng-dân vận…

Trao đổi về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Đào Duy Hội - Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc cho biết: Vấn đề khó nhất là khi nào phải vào “vai” với tư cách là bí thư đảng ủy, khi nào nhập cuộc với vai trò là chủ tịch UBND xã; cuộc họp nào phân cấp cho đồng chí Phó bí thư trực đảng hoặc Phó chủ tịch Ủy ban chủ trì, hội nghị nào bản thân phải trực tiếp dự và kết luận… Chính điều này đã làm cho tôi hay bị lúng túng, nhất là đối với những ngày đầu đảm nhận hai “vai”.

Cái được lớn nhất sau khi nhất thể hóa là người bí thư-chủ tịch được chủ động hơn trong các quyết định dựa trên cơ sở sự đồng thuận của tập thể. Nếu trước kia với cương vị là chủ tịch UBND xã, người cán bộ chỉ có trách nhiệm cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy, thì nay vừa tranh thủ ý kiến của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy để đưa ra các phương hướng, nhiệm vụ chung vừa trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện. Như vậy, việc ban hành và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng ủy thuận lợi hơn. “Quyền năng lớn nhưng trách nhiệm cũng nhiều. Áp lực công việc rất lớn, nhưng được sự tin tưởng, giao phó của Đảng, của nhân dân, sự ủng hộ, giúp đỡ của cán bộ địa phương cùng với nỗ lực của bản thân, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”, đồng chí Đào Duy Hội chia sẻ.

Có thể thấy, mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch đã thể hiện những ưu điểm như: việc tổ chức triển khai nghị quyết của cấp uỷ nhanh hơn, hiệu quả hơn; đã khắc phục được tình trạng thiếu thống nhất trong quan điểm chỉ đạo và điều hành giữa bí thư và chủ tịch, tạo sự đồng thuận giữa sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền; tạo sự tập trung, thống nhất cao trong nhận xét, đánh giá và đề bạt cán bộ...

Theo đánh giá của Huyện ủy Hoài Nhơn, hai xã Hoài Thanh Tây và Tam Quan Bắc vẫn giữ vững phong trào. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt, an ninh-quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị được tiếp tục củng cố và kiện toàn. Năm 2010 cả hai xã được Ban Thường vụ Huyện ủy công nhận đạt trong sạch, vững mạnh. Kết quả đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cuối năm, các bí thư đồng thời là chủ tịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều đáng chú ý là qua công tác quản lý, điều hành, các mối quan hệ giữa khối đảng và chính quyền được xác lập tương đối hài hòa, chưa thấy có biểu hiện buông lỏng sự lãnh đạo hoặc xảy ra tình trạng chuyên quyền, độc đoán.

Từ kết quả bước đầu, đồng chí Phạm Thanh Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho rằng: Mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch xã sẽ mang lại hiệu quả cao nếu chọn được cán bộ đủ năng lực, trình độ, sức khoẻ và uy tín; tin tưởng, mạnh dạn phân cấp cho cán bộ dưới quyền; đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy và các đồng chí phó chủ tịch ủy ban nhân dân là người nhanh nhẹn, sắc sảo trong quản lý, điều hành thì sẽ khắc phục được tình trạng “quá tải” của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch. Bên cạnh đó, bộ máy của hệ thống chính trị xã cũng phải được xây dựng đủ mạnh, có quy chế hoạt động rõ ràng, khoa học; công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của hệ thống chính trị và cá nhân cán bộ giữ vị trí kiêm nhiệm phải được tăng cường, đảm bảo giữ được hiệu quả hoạt động, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở.

Quá trình thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND nói chung, ở huyện Hoài Nhơn nói riêng đang đặt ra đòi hỏi phải có lời giải nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất, khó khăn đầu tiên vẫn là vấn đề cán bộ bởi trên thực tế, những cán bộ vừa có năng lực về công tác đảng vừa có năng lực quản lý, điều hành về mặt nhà nước không phải là nhiều.

Thứ hai, việc nhất thể hoá hai chức danh còn vướng phải rào cản tâm lý, sự hạn chế trong quan niệm và tâm lý lo ngại, băn khoăn khi tập trung quyền lực của hai chức danh vào một người sẽ dẫn đến tình trạng dễ lạm quyền, độc đoán, gia trưởng và việc bố trí, sắp xếp cán bộ chuyên trách…

Vấn đề cốt lõi là xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc cũng như các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; duy trì thường xuyên chế độ hội ý trong thường trực đảng ủy, ủy ban là điều kiện tốt nhất để giữ vững đoàn kết nội bộ… từ đó tạo ra sự nhất trí, đồng thuận và triển khai công việc sẽ trở nên trôi chảy, nhẹ nhàng.

Để nhân rộng một cách hiệu quả mô hình này, Hoài Nhơn cần có những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ; đẩy mạnh việc luân chuyển các cán bộ có năng lực từ các phòng, ban của huyện về đảm nhiệm các vị trí chủ chốt ở các xã để tạo nguồn cán bộ.

Phản hồi (1)

Phạm Tấn Thành 15/05/2011

Lên Đắk Lắk đi làm là đã xác định mất gốc Bình Định, nhưng lâu lâu lên mạng đọc tin thấy quê hương nơi tôi sinh ra có những chuyển biến về nhiều mặt quả thật làm tôi rất bất ngờ và vui mừng cho quê hương.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất