Trên cơ sở Hướng dẫn số 57-HD/BTCTW (2005) của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, ngày 15-5-2006, Ban Thường vụ Huyện uỷ Bảo Thắng đã ban hành Hướng dẫn số 07-HD/HU về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW (3-2007) của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) và Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW (5-2007) của Ban Tổ chức Trung ương về “nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng” và của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai, trong 4 năm, Huyện ủy Bảo Thắng ban hành 7 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW.
Bảo Thắng là huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai có 262 thôn, tổ dân phố thuộc 15 xã, thị trấn. Đảng bộ có 3.448 đảng viên sinh hoạt tại 63 TCCSĐ, trong đó 20 đảng bộ với 328 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Đặc điểm nổi bật của Bảo Thắng là nhiều chi bộ sinh hoạt ghép, lãnh đạo nhiều thôn hoặc nhiều cơ quan, đơn vị; nhiều chi bộ trên 30 đảng viên nhưng cũng nhiều chi bộ chỉ có 3 đến 5 đảng viên.
Nhận thức rõ nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, ngay từ nhiệm kỳ 2000-2005, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Thắng đã chỉ đạo các TCCSĐ thường xuyên quan tâm đến việc duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ. Đến cuối năm 2005 đa số cấp ủy cơ sở đã xây dựng quy chế làm việc, phân công cấp ủy viên phụ trách đơn vị, địa bàn, trực tiếp dự sinh hoạt với chi bộ. Nhìn chung các chi bộ đã chấp hành tốt quy định của Điều lệ Đảng, tổ chức sinh hoạt đúng định kỳ. Nội dung sinh hoạt có đổi mới... Song tình hình sinh hoạt chi bộ còn nhiều bất cập, như chưa định được ngày sinh hoạt cố định, có chi bộ chưa thực hiện đúng Điều lệ Đảng và quy chế làm việc, thậm chí có chi bộ 2-3 tháng mới sinh hoạt một lần. Nội dung sinh hoạt sơ sài, tính lãnh đạo, giáo dục, phê bình và tự phê bình chưa rõ nét; hình thức sổ ghi biên bản, nghị quyết chưa thống nhất. Công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên của một số đảng bộ còn lỏng lẻo; việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa rõ ràng. Việc liên hệ với cấp uỷ nơi đảng viên cư trú để nắm tình hình, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú của một số cấp uỷ cơ quan chưa chủ động, chưa đúng với quy định…
Trên cơ sở Hướng dẫn số 57-HD/BTCTW (2005) của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, căn cứ điều kiện thực tế của đảng bộ huyện, ngày 15-5-2006, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Hướng dẫn số 07-HD/HU về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ban Tổ chức Huyện ủy chủ trì, phối hợp với các ban xây dựng đảng của Huyện uỷ theo dõi, kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện và ban hành mẫu sổ ghi chép thống nhất. Phân công huyện ủy viên phụ trách cơ sở thường xuyên kiểm tra, uốn nắn kịp thời. Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp dự sinh hoạt với 49 chi bộ để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo. Đồng thời, năm 2006 đã tổ chức tập huấn cho 262 bí thư chi bộ về nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW (3-2007) của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) và Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW (5-2007) của Ban Tổ chức Trung ương về “nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng” và của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai, trong 4 năm, Huyện ủy Bảo Thắng ban hành 7 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW. Từ năm 2007 đến 2010, Huyện ủy đã lập các đoàn công tác trực tiếp dự và chỉ đạo sinh hoạt với 215 chi bộ và kịp thời rút kinh nghiệm điểm mạnh, điểm yếu. Huyện uỷ đã tổ chức các buổi làm việc với ban chấp hành các đảng bộ và chi bộ trực thuộc đảng uỷ, qua đó rút kinh nghiệm về tổ chức sinh hoạt chi bộ. Các TCCSĐ xây dựng lịch sinh hoạt chi bộ hằng tháng để đảng viên chủ động thời gian và cấp trên đến dự. Đến nay chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Bảo Thắng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ:
Thực hiện đúng qui trình trong sinh hoạt chi bộ: Các chi bộ đã bám sát hướng dẫn của cấp trên, nắm được các bước của quy trình sinh hoạt từ khâu cấp ủy chuẩn bị nội dung đến việc triệu tập đảng viên. Trong sinh hoạt thống nhất nội dung, thông tin thời sự những vấn đề mới, phổ biến văn bản của cấp trên; đánh giá tình hình tháng trước, triển khai nhiệm vụ trong tháng… Cấp ủy chủ trì thảo luận, gợi ý những nội dung đảng viên cần tập trung tham gia ý kiến và ra nghị quyết của chi bộ, giao nhiệm vụ cho đảng viên và các tổ chức triển khai thực hiện, cuối cùng thông qua biên bản cuộc họp. Thời gian họp của các chi bộ theo hướng dẫn của Huyện ủy là từ 90 đến 150 phút. Các chi bộ đã quy định lịch sinh hoạt vào một ngày thống nhất, chi bộ cơ quan thì tùy theo công việc bố trí thời gian sinh hoạt phù hợp. Chương trình kỳ sinh hoạt bám sát vào hướng dẫn và nội dung căn cứ vào nhiệm vụ chính trị mà chi bộ phải thực hiện. Một số nơi đã vận dụng sinh hoạt chuyên đề về những lĩnh vực trọng tâm như phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, giải phóng mặt bằng…
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên và kiểm tra việc thực hiện đã được cấp ủy dự kiến ngay từ đầu năm theo năng lực của từng đồng chí. Sau đó chi bộ đưa ra thảo luận, thống nhất dân chủ và biểu quyết thành nghị quyết. Cấp ủy bám sát, theo dõi, kiểm tra, giám sát và động viên, biểu dương kịp thời đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời có sự uốn nắn điều chỉnh đúng nội dung, nhiệm vụ được giao. Có sự phối kết hợp giữa các đảng viên để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thực hiện Quy định 76 của Bộ chính trị về việc đảng viên đang công tác ở cơ quan thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú: Cấp uỷ cơ quan nơi đảng viên đang công tác đã giới thiệu 100% đảng viên trong đảng bộ huyện trong diện về 140 chi bộ ở 15 đảng bộ xã, thị trấn để thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp uỷ cơ sở và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú theo quy định. Hằng năm, cấp uỷ nơi đảng viên công tác trao đổi với cấp uỷ nơi cư trú để phối hợp quản lý, theo dõi trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ dảng viên và nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên cư trú đã chủ động tiếp nhận, nắm chắc và quản lý tốt số lượng đảng viên đang công tác ở cơ quan, đơn vị. Những nơi đông đảng viên được chia làm nhiều tổ đảng (tổ chức theo cụm dân cư), mỗi tổ giao cho một đồng chí phụ trách. Định kỳ một năm 2 lần cấp ủy nơi cư trú tổ chức sinh hoạt với đảng viên cơ quan (nơi đông đảng viên thì tổ chức sinh hoạt riêng, nơi ít đảng viên thì sinh hoạt ghép với đảng viên ở khu dân cư).
Chất lượng hoạt động của các loại hình chi bộ cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được nâng lên. Các cấp ủy, chi bộ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã lãnh đạo đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể nhân dân đề cao tinh thần trách nhiệm, tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Trong sinh hoạt, cấp ủy đã bám sát hướng dẫn để duy trì, điều hành có chất lượng, ra nghị quyết sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ. Đã phân định rõ nhiệm vụ bí thư chi bộ và thủ trưởng cơ quan nên trong lãnh đạo tránh được chồng chéo. Từ đó đã tạo ra được sự thống nhất trong lãnh đạo của chi bộ và hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp.
Tích cực nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nên chất lượng tổ chức đảng đã nâng lên. Đến cuối năm 2010 có 63/63 tổ chức cơ sở đảng được phân loại, đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh là 57 chiếm 90,05%, tăng 4,6%, không có tổ chức cơ sở đảng không hoàn thành nhiệm vụ. Tổng số chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có 322/325 chi bộ được phân loại (3 chi bộ chưa phân loại), trong đó trong sạch, vững mạnh có 271 chi bộ chiếm tỷ lệ 84,16% tăng 6,29%, không còn chi bộ yếu kém.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục và có biện pháp trong thời gian tới. Đó là: đảng viên tham gia sinh hoạt chưa đầy đủ, phát triển đảng viên chưa đảm bảo kế hoạch và chưa đồng đều giữa các vùng nông thôn, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn...
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Bảo Thắng đã tạo nên một sắc thái mới trong đời sống chính trị, góp phần làm cho Bảo Thắng phát triển vững mạnh hơn.
Ngô Hữu Quý
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai