Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở Hà Nam trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT

PV: Sau 20 năm đổi mới và phát triển, Hà Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, một thành tựu quan trọng là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn. Đồng chí đánh giá thế nào về những đóng góp của BHXH tỉnh Hà Nam vào những thành tựu chung này?

           Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam:

Sau 20 năm tái lập, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao liên tục trong nhiều năm, bình quân trên 12%/năm. Năm 2017, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 48,6 triệu đồng/người; thu ngân sách đạt 6.255 tỷ đồng, tăng gần 100 lần so với năm 1997. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ với tỷ trọng 89,4%. Thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả với 738 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 207 dự án FDI với vốn đăng ký trên 2,38 tỷ USD. Toàn tỉnh đã có 78/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện về đích nông thôn mới. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,28%...

Trong thành tựu chung này có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ BHXH tỉnh. Nếu như ở thời điểm tái lập, toàn tỉnh chỉ có 349 đơn vị với 19.698 NLĐ tham gia BHXH (chiếm 2,5% dân số), 81.084 người tham gia BHYT (10,3% dân số); thu BHXH, BHYT chỉ đạt 20,3 tỷ đồng... thì nay số đơn vị tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh đã tăng 6,8 lần, số NLĐ tham gia BHXH tăng 5,8 lần, số người tham gia BHYT tăng 8,4 lần (đạt 84,5% dân số); quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo và quỹ BHYT được bảo toàn và cân đối; việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng an toàn, nhanh gọn, đến tận tay trên 44.000 người hưởng với tổng số tiền đã chi trả gần 9.500 tỷ đồng; CCHC với trọng tâm là cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ có nhiều tiến bộ, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Thưa đồng chí, để việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt được hiệu quả cao, rất cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Điều đó đã được cụ thể hóa thế nào tại Hà Nam?

- Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 đã khẳng định: BHXH và BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội.

Tinh thần này đã được cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Nam tích cực vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Với sự tham mưu của BHXH tỉnh Hà Nam, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT có hiệu quả, phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 phê duyệt lộ trình thực hiện BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và 2020, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Chỉ thị, Kế hoạch để quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện. Chỉ đạo các Huyện ủy, Thành ủy, UBND huyện, thành phố ban hành Thông tri, xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể đến từng xã, phường, từng nhóm đối tượng, coi đây là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tiêu chí đánh giá thi đua của từng đơn vị.

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 về việc hỗ trợ kinh phí đóng BHYT giai đoạn 2017-2020. Theo đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 về hỗ trợ kinh phí đóng BHYT giai đoạn 2017-2020 cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, BHXH tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị 14-CT/TU ngày 22/4/2013 của Tỉnh ủy; định kỳ hằng tháng, hằng quý thông tin, kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong bản tin Thông báo nội bộ, phổ biến đến các chi bộ trong toàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan BHXH tổ chức triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT thiết thực, hiệu quả.

Công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT; chủ động xây dựng chương trình công tác, chỉ tiêu kế hoạch chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn quản lý. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện chặt chẽ.

Từ thực tế địa phương, theo đồng chí, tỉnh sẽ chú trọng điểm gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới?

- Trong những năm tới, để phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, ngành BHXH cần phải tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích người dân tham gia BHXH, BHYT; hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT từ nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn kinh phí kết dư Quỹ BHYT đối với các đối tượng theo quy định.

Tiếp tục tuyên truyền thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đặc biệt là nội dung Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, để nâng cao nghĩa vụ, trách nhiệm, tính cộng đồng, chia sẻ trong việc tham gia BHXH, BHYT của người dân. Đảm bảo đạt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 90% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016.

Đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các DN trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, quản lý chặt chẽ quỹ KCB BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đi KCB, hạn chế thấp nhất tình trạng bội chi quỹ.

Đẩy mạnh cải cách TTHC; từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý BHXH, BHYT; nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC, giảm phiền hà cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT…

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PV (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất