Thanh Hoá: Yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh càng phải cao
Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

1. Thực tiễn

Thanh Hoá là tỉnh có địa bàn rộng với 27 huyện, thị xã, thành phố, 638 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, Thanh Hoá là một trong những địa phương có số lượng cán bộ đông nhất cả nước, riêng cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn gần 60.000 người. Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, thực hiện 5 chương trình kinh tế trọng điểm, phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hoá trở thành một trong những tỉnh tiên tiến của cả nước. Để đạt được mục tiêu  này, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm nhiệm vụ.

Tỉnh uỷ Thanh Hoá xác định nhiệm vụ của công tác cán bộ từ 2012 đến năm 2020 là làm tốt các khâu nhằm đạt các chỉ tiêu cụ thể sau: Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh có chuẩn chuyên môn đại học, trong đó ít nhất 70% thạc sỹ, tiến sỹ; có trình độ lý luận chính trị - hành chính cao cấp; thông thạo ngoại ngữ; cán bộ nữ trên 15%; cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) trên 20%, người dân tộc thiểu số trong ban chấp hành Đảng bộ tỉnh 20%.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện phải đạt chuẩn đại học chuyên môn, trong đó  ít nhất  30% có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, có trình độ lý luận chính trị - hành chính cao cấp, trình độ ngoại ngữ C trở lên, tỷ lệ nữ trên 15%, cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) trên 20%.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, cơ bản có trình độ đại học về chuyên môn, có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, cán bộ nữ trên 15%, cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) ít nhất 30%.

2. Yêu cầu

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, yêu cầu nổi bật về phẩm chất đạo đức và năng lực của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở Thanh Hoá là:

Có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng

Người lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, trước hết cấp tỉnh là người  trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đề ra chủ trương, biện pháp, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch. Vì thế, họ phải có đạo đức cách mạng cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư và năng lực lãnh đạo, quản lý, nhất là năng lực trí tuệ. Người lãnh đạo, quản lý có đạo đức cách mạng, có năng lực, tầm nhìn xa, trông rộng sẽ biết kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời thấy được xu hướng phát triển của tỉnh để vượt qua quan điểm, nhận thức bảo thủ, lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn, đổi mới tư duy, thực hiện cho được những mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Có đạo đức cách mạng và năng lực lãnh đạo, quản lý họ sẽ đủ uy tín tập hợp được sức mạnh trí tuệ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, tạo nên sự đồng thuận, sức mạnh tổng hợp, động viên, khích lệ và biết khơi dậy những tiềm năng sáng tạo của nhân dân thực hiện đến năm 2020 xây dựng Thanh Hoá trở thành một trong những tỉnh tiên tiến của cả nước.

Sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, nhạy cảm về tổ chức, tinh tế và khéo léo trong ứng xử và nhạy bén với thực tiễn

Người lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh không phải là người chỉ biết phục tùng cấp trên một cách máy móc, thụ động mà họ phải biết sáng tạo, chủ động đề xuất những sáng kiến. Sáng tạo luôn là sản phẩm lao động cao của trí tuệ cá nhân. Hiện nay, trong hệ thống chính trị của tỉnh, người lãnh đạo, quản lý phải là người có năng lực đề xuất, phát hiện và sáng kiến giải quyết những vẫn đề nảy sinh trong thực tiễn của tỉnh. Mức độ sáng kiến, đề xuất ý kiến phụ thuộc trực tiếp vào năng lực trí tuệ của người lãnh đạo, quản lý, đòi hỏi họ phải nắm bắt được xu hướng vận động và phát triển của sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của đất nước ta… lý luận đi đôi với thực tiễn, học đi đôi với hành. Chính vì vậy, người lãnh đạo, quản lý phải có năng lực tư duy sáng tạo, vận dụng lý luận, quan điểm của Đảng vào giải quyết thực tiễn Thanh Hoá.

Gương mẫu, nghiêm khắc với bản thân và bao dung với cấp dưới

Người lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh của Thanh Hoá phải là người nêu gương cho cấp dưới để quy tụ, tập hợp được cán bộ và nhân dân nhằm phát huy sức mạnh của tập thể, xây dựng khối đoàn kết trong tỉnh. Họ phải là những tấm gương trong sạch, mẫu mực cho cán bộ cấp dưới học tập và noi theo. Trong điều kiện hiện nay, do chịu sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tâm lý ích kỷ trỗi dậy trong mỗi con người, trong đó có cán bộ. Nhưng người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải giữ được những phẩm chất, đạo đức, tránh được sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ ra: Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham những, lãng phí vẫn nghiêm trọng…. Hội nghị Trung ương 4, khóa XI xác định: Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là các bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Vì vậy, cùng với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải đặc biệt quan tâm đến rèn luyện phẩm chất, đạo đức.

Liên hệ mật thiết với nhân dân

Người lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh cũng phải gần gũi, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, tin tưởng nhân dân và được nhân dân tôn trọng. Vì thế, họ phải có phẩm chất, đạo đức trong sáng và năng lực thông qua lời nói, việc làm cụ thể, làm cho nhân dân, cấp dưới tin tưởng, từ đó nghe theo, làm theo. Đồng thời, người lãnh đạo phải biết dựa vào nhân dân, khiêm tốn học hỏi, lo trước, vui sau nhân dân như Bác Hồ đã dạy.

Giao tiếp là phương thức chủ yếu nhất tác động đến con người trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Cho nên, giao tiếp không chỉ là những thành tố của năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị mà còn là nghệ thuật để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý thực hiện nhiệm vụ chính trị. Người lãnh đạo, quản lý có năng lực giao tiếp, có kiến thức và phương pháp sẽ nắm được suy nghĩ, tâm trạng của nhân dân, từ đó khéo léo trong cách ứng xử, hướng nhận thức, hành vi thực hiện mục đích vì lợi ích nhân dân.

3. Con đường hình thành

Phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo, quản lý không có sẵn ngay khi mới sinh ra. Nó được hình thành, phát triển và hoàn thiện thông qua những yếu tố cơ bản sau:

Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng

Đây là yếu tố giữ vai trò chủ đạo trong việc hình thành, phát triển và hoàn thiện phẩm chất, đạo đức và năng lực. Trên cơ sở phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí tạo điều kiện xây dựng đội ngũ cán bộ một cách cơ bản, chính quy, có hệ thống. Giáo dục phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo, quản lý đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có hệ thống. Trong đó, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, ngoài những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cần chú trọng đến giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời, tăng cường bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Để nâng cao trình độ, năng lực, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải sắp xếp thời gian, có kế hoạch học tập, rèn luyện thường xuyên nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn.

Hoạt động thực tiễn

Yếu tố này có vai trò to lớn trong sự hình thành phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo, quản lý. Hoạt động thực tiễn thể hiện phẩm chất và năng lực của bản thân. Trong điều kiện đất nước đẩy mạnh CNH, HĐH đã tạo ra môi trường hoạt động thực tiễn nhằm rèn luyện, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất đạo đức, phát triển và hoàn thiện nhân cách cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân để giáo dục, rèn luyện, đào tạo, đánh giá sàng lọc, tuyển chọn cán bộ.

Trong hoạt động thực tiễn, mở rộng quan hệ giao tiếp có vai trò quan trọng. Phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo, quản lý thể hiện rõ bản chất xã hội, vì nó được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ giao lưu, giao tiếp với xã hội. Trong quan hệ giao lưu, giao tiếp diễn ra mối quan hệ giữa các chủ thể, tức là giữa những con người, những nhân cách với các phẩm chất, cũng như những đặc điểm tâm lý đa dạng, phong phú sẽ giúp hoàn thiện những phẩm chất, nhân cách tốt đẹp của người lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Tự học tập, rèn luyện, phấn đấu

Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý thường xuyên được giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động giao tiếp, nên chịu sự ảnh hưởng, tác động hai chiều tích cực và tiêu cực của người khác và môi trường xã hội. Nhờ đó, phẩm chất và năng lực được hình thành, phát triển tương đối ổn định, đạt tới một trình độ hoàn thiện, nên đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên rèn luyện, đấu tranh, nghiêm khắc với chính bản thân để chống sự suy thoái về phẩm chất và năng lực.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất