Học viện Hậu cần: Xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo
Học viện Hậu cần (HVHC) là một thành viên trong hệ thống các nhà trường của Quân đội, thực hiện chức năng đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học hậu cần quân sự đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong những năm gần đây, song song với công tác đào tạo nguồn cán bộ hậu cần cho Quân đội, đào tạo cán bộ hậu cần cho nước bạn Lào và Căm-pu-chia, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ hậu cần hằng năm theo nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, HVHC còn phối hợp với các đơn vị, nhà trường ngoài quân đội tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những kết quả trong công tác giáo dục - đào tạo của Học viện đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục - Đào tạo ghi nhận, khẳng định truyền thống dạy tốt, học tốt cũng như những nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện trên tất cả các mặt.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao, trong những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo và chỉ đạo, đồng thời xác định xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và phương pháp, tác phong công tác là một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng quyết định kết quả và chất lượng công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện.


Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, hằng năm, Học viện đã tổ chức cho giảng viên tham dự các khóa đào tạo tại các trường trong và ngoài quân đội; đi học ở nước ngoài; đi thực tế chức trách tại các đơn vị. Cho đến thời điểm hiện tại, 100% giảng viên của Học viện (được đào tạo chính quy trong và ngoài quân đội) có trình độ đại học trở lên. Học viện hiện có: 1 Nhà giáo ưu tú, 40 PGS, tiến sĩ (10,15%), 166 thạc sĩ (42,13%). Phần lớn giảng viên có thâm niên giảng dạy từ 5 năm trở lên, số giảng viên đã qua thực tế tại các đơn vị chiếm 61,8%, trong đó trên 40% từ cấp trung đoàn trở lên, trong tổng số giảng viên có 36,27% đã qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Qua đánh giá, bình xét hằng năm, Học viện có 33,61% giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp Học viện và cấp bộ, trên 50% giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp khoa. Học viện thực hiện có nền nếp và hiệu quả công tác luân chuyển gắn với đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và đội ngũ giảng viên, các đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ chủ nhiệm bộ môn, chủ nhiệm khoa đều là những giảng viên có thành tích công tác cao, có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ, chú ý đến cán bộ, giảng viên trẻ, giảng viên có học hàm, học vị, có thực tiễn chiến đấu và kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thực hiện gối nguồn cán bộ theo 3 độ tuổi.           

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục xây dựng Học viện chính quy, mẫu mực, vững mạnh toàn diện, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định: cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, quyết tâm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên về số lượng, chất lượng, cơ cấu và tổ chức. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 70% giảng viên đạt trình độ sau đại học, 30% qua thực tế đơn vị phù hợp với chức trách trong quy hoạch; giảng viên trình độ thạc sỹ, tiến sỹ phải có chứng chỉ Anh ngữ TOEFL hoặc IELTS theo quy định và sử dụng tốt trong chuyên môn; phấn đấu 100% cán bộ khoa, chủ nhiệm bộ môn có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, tạo các điều kiện thuận lợi để các giảng viên phấn đấu đạt học hàm giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định một hệ thống các giải pháp khoa học và đồng bộ. Cụ thể là:

Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Học viện đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ giảng viên. Các cấp ủy đảng, chỉ huy các cơ quan đơn vị trong toàn Học viện cần quán triệt và nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ giáo dục - đào tạo. Nhận thức rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Học viện trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội, tham gia xây dựng phát triển nguồn lực chất lượng cao và đội ngũ cán bộ khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để từ đó thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, xây dựng đội ngũ giảng viên nói riêng.

Trên cơ sở các chỉ thị, hướng dẫn và kế hoạch xây dựng chiến lược giáo dục - đào tạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Học viện đã ra Nghị quyết xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong những năm tiếp theo. Nội dung nghị quyết và các các biện pháp, hình thức triển khai thực hiện cần phải được quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp ủy, chỉ huy đơn vị và các cán bộ, giảng viên, làm cho mọi tổ chức, cá nhân nhận thức đúng về nhiệm vụ xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu giáo dục - đào tạo của Học viện trong giai đoạn tới.

Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị và các cơ quan chức năng tập trung làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc xây dựng chương trình, nội dung đào tạo trong chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo sát với mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Học viện. Trong đó, tập trung cho dự báo tình hình, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, các giải pháp kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên - lực lượng nòng cốt quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo của Học viện. Cơ quan cán bộ cùng với cấp ủy các khoa giáo viên phối hợp thực hiện tốt công tác chính sách cán bộ, động viên cán bộ, giảng viên nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng học tập để nâng cao chất lượng công tác, gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Học viện.

Làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ giảng viên, đây là một nội dung trọng yếu trong công tác cán bộ của Học viện, công tác quy hoạch phải được tiến hành một cách chủ động và từ xa, làm cơ sở cho đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn theo kế hoạch trước mắt và lâu dài. Theo đó, công tác tuyển chọn đội ngũ giảng viên phải mang tính mở, một mặt phải trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, căn cứ vào tổ chức biên chế và theo đúng các tiêu chí tuyển chọn, mặt khác, phải mở rộng nguồn tuyển chọn trên cơ sở nguồn tại chỗ, nguồn từ các đơn vị trong quân đội và nguồn từ bên ngoài (ưu tiên giảng viên các chuyên ngành mà Quân đội chưa đào tạo được). Trong khi phải thường xuyên kiện toàn đội ngũ nhà giáo với số lượng, cơ cấu hợp lý, coi trọng số nhà giáo qua chiến đấu, có học hàm, học vị; nên mạnh dạn đưa giảng viên trẻ có phẩm chất, năng lực, trình độ và khả năng phát triển vào quy hoạch gắn quy hoạch với đào tạo bồi dưỡng để chủ động tạo nguồn trong quy hoạch đạt chất lượng, khoa học, hiệu quả.
Kết hợp đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức với động viên đội ngũ giảng viên tích cực học tập, tu dưỡng rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực nghề nghiệp. Sự hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực của người giảng viên là một quá trình lâu dài, bền bỉ không phải một sớm, một chiều mà có được. Do đó, về phía tổ chức, phải khéo kết hợp chặt chẽ nhiều hình thức, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ giảng viên, đồng thời phải có chính sách thu hút, động viên cán bộ giảng viên tham gia các khóa, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng phải đan xen giữa dài hạn với ngắn hạn, đồng thời chú trọng tới việc điều động giảng viên đi thực tế nắm tình hình thực tiễn ở đơn vị. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải được chú trọng về nội dung, sát với nhiệm vụ của giảng viên, đối với các giảng viên mới cần phải được bổ sung kinh nghiệm và kiến thức thông qua các hoạt động trợ giảng.

Bên cạnh đó, mỗi giảng viên cũng phải phát huy tính tích cực, tự giác trong học tập và rèn luyện để không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Phải xây dựng cho mình động cơ học tập, chí tiến thủ, lòng quyết tâm, sự nỗ lực cố gắng vươn lên để tự hoàn thiện và khẳng định vị trí của người thầy trước đông đảo học viên và trước tập thể các đồng nghiệp. Tăng cường công tác quản lý về mọi mặt đối với đội ngũ giảng viên; bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn Học viện cần phải tăng cường hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong giáo dục, quản lý đối với đội ngũ giảng viên thông qua chức trách, nhiệm vụ và công việc cụ thể. Kết hợp chặt chẽ các hình thức quản lý về đảng và chính quyền, trong đơn vị và tại nơi cư trú, quản lý toàn diện về phẩm chất, năng lực, sức khỏe, các mối quan hệ... của đội ngũ giảng viên. Hằng quý, hằng năm phải phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại quy hoạch. Phải tính toán thời gian lao động sư phạm hợp lý để giảng viên có điều kiện nghiên cứu khoa học, tự học tập, nâng cao trình độ.

Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với  đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi để giảng viên phát huy tài năng, trí tuệ, yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Việc thực hiện chế độ tạo chính sách cán bộ và chính sách hậu phương quân đội và các chế độ cụ thể của Học viện phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, đúng đối tượng, đúng chủ trương, đường lối quan điểm, chế độ, quy định.

Đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng và quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện. Để có được đội ngũ giảng viên vững mạnh về năng lực chuyên môn và uy tín sư phạm cao cần phải phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị trong toàn Học viện.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất