Hiện nay, hiện tượng vỡ nợ liên quan đến thị trường bất động sản và đầu tư chứng khoán đã trở nên khá phổ biến, làm mất ổn định ở không ít địa phương, cơ sở dẫn đến sự tan nát của không ít gia đình ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Các vụ vỡ nợ điển hình như: vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên gần 400 tỷ đồng; vụ vỡ nợ ở Đan Phượng gần 300 tỷ đồng; vụ vỡ nợ ở Hà Đông gần 150 tỷ đồng; vụ vỡ nợ ở TP. Bắc Ninh là 130 tỷ đồng; vụ vỡ nợ trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) là trên 100 tỷ đồng... Theo các cơ quan công an, đến thời điểm này, chưa có vụ vỡ nợ nào lên tới 1.000 tỷ, nhưng những vụ vỡ nợ với số tiền vài chục cho đến hàng trăm tỷ rất nhiều.
Nguyên nhân chính của các vụ vỡ nợ là suy thoái kinh tế kéo theo thị trường bất động sản và chứng khoán rơi vào tình trạng đóng băng, ế ẩm, mất giá một cách nghiêm trọng. Khi không bán được hàng, không còn khả năng thanh khoản, nhiều đối tượng dùng các thủ đoạn như: gom vốn của dân trả lãi suất cao; dùng giấy tờ giả để thế chấp như sổ đỏ giả để vay thế chấp ngân hàng hàng trăm tỷ đồng. Nhiều đối tượng còn lừa người dân dưới hình thức chạy dự án phát triển đô thị (có vụ lên tới 50-60 tỷ đồng) nhưng khả năng thu hồi thấp, có vụ hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được 300-500 triệu đồng. Thông qua các vệ tinh để dụ dỗ những người có vốn, câu nhử bằng nhận vay với lãi suất cao, đánh vào tâm lý hám lợi, thậm chí bản thân những “vệ tinh” cũng tin vào chủ, đi tuyên truyền cho chủ, sẵn sàng chi rất nhiều tiền nếu thu gom được nhiều tiền. Bên cạnh đó, nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước cũng rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, nợ xấu ngày càng tăng, cán bộ, công nhân, lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút... cũng ảnh hưởng xấu tới các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và nền kinh tế đất nước.
Xét một cách độc lập tương đối thì dường như việc vỡ nợ trên lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp có vẻ chẳng mấy liên quan gì đến cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, những người thuộc diện làm công ăn lương trong các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang ở nước ta. Nhưng thực chất và trên thực tế, hiện tượng vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp, nhất là trên lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán, đã và đang tác động trực tiếp đến không ít cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, thái độ làm việc của những người này cũng như sự yên ổn, hạnh phúc của nhiều gia đình có liên quan. Một hiện tượng phổ biến là bấy lâu nay, không ít cán bộ, công chức, viên chức và gia đình họ tham gia buôn bán bất động sản, mua đi bán lại, đầu tư cổ phiếu, bản thân có một ít vốn, sau đó vay nợ ngân hàng, người thân, họ hàng để đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hoặc hùn vốn cho vay lãi suất cao. Những năm trước đây, khi thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán còn sôi động, “một vốn bốn lời” nhiều cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ “phất” lên từ đây, thấy vậy nhiều người tiếp tục vay vốn, thế chấp nhà cửa để đầu tư. Đến khi thị trường này đóng băng, giá nhà, đất bị kéo xuống, ngân hàng khép trần lãi suất, hạn chế cho vay đầu tư bất động sản, chủ nợ mất khả năng trả nợ... thì những người này cũng không có khả năng trả nợ. Trong khi đó hằng ngày vẫn phải trả số tiền lãi suất rất cao. Từ việc trả vòng quanh, con nợ dùng thủ đoạn đưa ra mức trần lãi suất cao để huy động vốn trong dân, dẫn tới “lãi mẹ đẻ lãi con”, mức lãi suất thường từ 7 đến 10.000 đồng/triệu/ngày. Từ đây dẫn đến không có khả năng trả nợ rơi vào mâu thuẫn, đòi nợ thuê, bỏ trốn khỏi cơ quan, nơi cư trú.
Có thể nói, nếu như sự suy thoái của nền kinh tế nói chung và của thị trường bất động sản, chứng khoán nói riêng là phần nổi của “tảng băng” thì tác động của nó đến cán bộ, công chức, viên chức cũng như gia đình của họ là phần chìm của “tảng băng” đó. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên tục có những tin, bài phản ánh về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang bị khởi tổ, khai trừ đảng hoặc mất việc, bỏ trốn: Phó chủ tịch HĐND một huyện ở Tây Ninh vỡ nợ bị mất chức, khai trừ đảng; phó chánh văn phòng sở giao thông - vận tải một tỉnh bị khai trừ khỏi Đảng do nợ hàng chục tỷ đồng không có khả năng thanh toán; một đại úy thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh nọ bị tước quân tịch, khai trừ khỏi Đảng vì vỡ nợ, lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng; một cán bộ công an ở một thành phố cũng bị đuổi khỏi lực lượng vì vay tiền, hùn vốn, lừa đảo không có khả năng hoàn trả;... Gần dây nhất là vụ một giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh tại huyện Tuy Phước, Bình Định bị ra “trước vành móng ngựa” vì vô trách nhiệm trong quản lý để cán bộ cấp dưới tham ô gần 20 tỷ đồng... Có thể nói, một trong những lĩnh vực để “mất” cán bộ, công chức, viên chức nhiều nhất là lĩnh vực ngân hàng. Rất nhiều cán bộ công tác trong lĩnh vực ngân hàng bị kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng và bị buộc thôi việc vì những hành động tham ô, lừa đảo, rút tiền của người dân để đầu tư, buôn bán bất động sản, thậm chí đánh bạc, không có khả năng hoàn trả.
Hiện không ai có thể biết được trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị ở nước ta từ Trung ương đến cơ sở, trong lực lượng vũ trang có bao nhiêu cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ và gia đình họ đang bị lao đao, ăn không ngon, ngủ không yên trước những món nợ khổng lồ do vay nợ, hùn vốn đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, làm ăn, rồi “đâm lao phải theo lao”, thậm chí dính lô đề, cờ bạc dẫn đến mâu thuẫn, tan nát gia đình... Như vậy làm sao toàn tâm, toàn ý cho công việc chuyên môn tại cơ quan, đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao! Và chắc chắn, quản lý cán bộ, đảng viên như hiện nay thì có thể nói nhiều lãnh đạo các cơ quan, đơn vị không nắm được cấp dưới của mình đầu tư, làm ăn, kiếm thu nhập thêm bằng cách nào, chân chính hay bất chính, được phép hay không được phép. Chỉ đến khi vụ việc bị đổ bể, gia đình tan nát, thậm chí án mạng xảy ra, hoặc có người ngoài đến cơ quan thông báo, đòi nợ thì mới biết và đã muộn. Với muôn vàn cách kiếm sống, thu nhập thêm khác nhau, kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong” của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang hiện nay phần nào trả lời câu hỏi bấy lâu nay đặt ra: tại sao lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vẫn được cho là chỉ đủ trang trải ở mức tối thiểu cho cuộc sống hằng ngày, ấy vậy mà không ít người vẫn sống đàng hoàng, thậm chí giàu có, sung túc. Trong khi đó việc kê khai thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị chỉ là hình thức, không thể kiểm soát được.
Trước những khó khăn, thách thức và cả những cám dỗ trong cuộc sống hiện nay, không để “mất” cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cần có nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là các hoạt động kinh tế, kiếm thêm thu nhập của họ. Ở đây, chi bộ đảng đóng vai trò nòng cốt. Trước mắt, trong đợt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, trên cơ sở tự phê bình và phê bình, chi bộ, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tư tưởng, vận động, phát động cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ tự giác báo cáo, kê khai xem ai rơi vào tình trạng đầu tư, nợ nần khó có khả năng trả nợ. Phát động đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị, chi bộ phát hiện, báo cáo những trường hợp có biểu hiện nợ nần, phá sản để tìm cách giải quyết.
Thứ hai, phối hợp tốt hơn nữa trong quản lý cán bộ, đảng viên ở nơi công tác cũng như nơi cư trú. Cùng với lấy nhận xét của chi ủy, nơi đảng viên cư trú theo quy định của Đảng, chi bộ, cơ quan, đơn vị cần sâu sát liên hệ với tổ dân phố, chi ủy nơi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ cư trú để nắm tình hình, giám sát bản thân, gia đình công chức, viên chức, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ xem có mâu thuẫn, biểu hiện bất thường liên quan đến vay nợ, kinh doanh bất động sản, đầu tư sản xuất, kinh doanh trái quy định hay không.
Thứ ba, chi bộ đảng nơi công tác, chi ủy nơi đảng viên cư trú cần kiểm tra tra một cách sát sao, cụ thể quy định “những điều đảng viên không được làm”, nhất là những hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thành lập công ty thực chất là của cán bộ, công chức, viên chức nhưng lại đứng tên người khác. Hằng năm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải kê khai một cách trung thực các khoản thu nhập thêm, trên cơ sở đó, chi bộ, cơ quan, đơn vị cần kiểm tra, giám sát, công khai cụ thể, tránh hình thức kê khai rồi để đó không ai kiểm tra, giám sát.
Thứ tư, khi cơ quan, đơn vị, chi bộ phát hiện có cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện vỡ nợ, khó có khả năng thanh toán, gia đình mâu thuẫn, tan vỡ thì cần tạo điều kiện, quan tâm, giúp đỡ trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng nghiệp “trị bệnh cứu người”.
Vũ Ngọc Lân