Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Khánh Hòa
Khánh Hòa là tỉnh duyên hải miền Trung, có 15 đảng bộ trực thuộc với tổng số 704 tổ chức cơ sở đảng và 28.567 đảng viên, trong đó có 9.661 đảng viên nữ, 1003 đảng viên là người dân tộc thiểu số, 4.791 đảng viên còn sinh hoạt đoàn thanh niên, 597 đảng viên là người có đạo, 4.787 đảng viên là quân nhân xuất ngũ, 843 đảng viên được miễn sinh hoạt đảng.              

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức khối đảng, mặt trận, đoàn thể, khối cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp toàn tỉnh có 27.937 người. Trong đó: khối đảng, mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh và huyện có 977 người; khối cơ quan hành chính nhà nước có 2.162 người; khối sự nghiệp y tế có 4.943 người, khối văn hóa thể thao có 469 người, khối sự nghiệp giáo dục có 18.200 người, khối sự nghiệp khác có 1.186 người.             

Chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã góp phần làm cho bộ máy của đảng, nhà nước, mặt trận, đoàn thể hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.           

Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 06-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 21-KH/TU triển khai thực hiện đúng tinh thần của Trung ương.             

Để gắn công tác luân chuyển với các khâu khác trong công tác cán bộ, Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành một số văn bản về tạo nguồn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một số  chính sách đối với cán bộ được luân chuyển như chế độ nhà công vụ, chế độ ưu đãi về lương và các chính sách hỗ trợ khác đối với cán bộ khi được luân chuyển về các huyện, thị xã đặc biệt đối với các huyện miền núi.

Gần 10 năm thực hiện luân chuyển cán bộ, Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả sau:


Cấp tỉnh: Luân chuyển được 6 đợt cán bộ, gồm 23 đồng chí diện tỉnh quản lý từ tỉnh về công tác tại các huyện, thị xã, thành phố và ngược lại. Trong số 23 đồng chí cán bộ cấp tỉnh được luân chuyển (có 19 cấp trưởng, 4 cấp phó) được luân chuyển đến giữ các chức vụ mới là cấp trưởng có 21 đồng chí (trong đó có 5 đồng chí quyền chủ tịch UBND huyện, thành phố), là cấp phó 2 đồng chí. Các đồng chí cán bộ khi được luân chuyển đã tích cực, chủ động, phát huy tốt năng lực; khi được điều động về lại đã phát huy tốt những kinh nghiệm, kiến thức của mình; trở thành lực lượng cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đến nay, trong tổng số 23 đồng chí cán bộ diện luân chuyển của tỉnh, có 15 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ, trọng trách cao hơn; 4 đồng chí hiện giữ các chức vụ chủ chốt của các cơ quan; 4 đồng chí còn đang trong thời gian thực hiện luân chuyển.              

Cấp huyện: Xây dựng kế hoạch và luân chuyển được 104 đồng chí. Trong đó, có 83 đồng chí cấp huyện về công tác tại các xã, phường, thị trấn và 21 đồng chí từ xã phường, thị trấn về công tác tại các phòng ban cấp huyện.              

Việc bổ sung thêm chức danh phó bí thư phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng yêu cầu củng cố và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Ở các địa phương được bổ sung chức danh phó bí thư, công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với cơ sở được tăng cường hơn vì có cán bộ chuyên theo dõi lĩnh vực xây dựng cơ sở đảng, tạo điều kiện để thường trực cấp ủy nắm sát cơ sở, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề phát sinh, khắc phục những yếu kém trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.                         

Chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương và việc không bố trí bí thư cấp ủy đã giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị thời gian qua đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sâu sát và được các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tích cực triển khai, thực hiện nghiêm túc trong kỳ đại hội đảng các cấp vừa qua. Số bí thư cấp ủy xã đã giữ chức vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp được phân công, bố trí công tác khác hoặc được giới thiệu ứng cử chức vụ đã đảm nhiệm ở địa phương, đơn vị khác góp phần đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh.                     

Ngoài ra, các cơ quan quân sự, công an, biên phòng và các ngành trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cũng tích cực thực hiện luân chuyển cán bộ theo yêu cầu quy hoạch cán bộ và nhiệm vụ chính trị của ngành mình. Gắn với luân chuyển, từng cấp, từng ngành rà soát, đánh giá hiệu quả công tác, trình độ năng lực cán bộ; xúc tiến quy hoạch cán bộ, kịp thời điều chỉnh, bổ sung theo chức danh cán bộ dự nguồn, từ đó tạo nguồn nhân sự phong phú để tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 và cho nhiệm kỳ tiếp theo.                   

Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được 2 yêu cầu: Rèn luyện cán bộ một cách toàn diện và phải ổn định bộ máy ít xáo trộn, thực hiện từng bước vững chắc. Cán bộ khi được luân chuyển đến vị trí công tác mới đều an tâm công tác, tư tưởng ổn định, phát huy được khả năng, năng lực của mình, hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị công tác mới. Thực hiện công tác luân chuyển cán bộ đã tạo bước đột phá trong công tác cán bộ.

Trong quá trình luân chuyển cán bộ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập:               

Việc tổ chức quán triệt Nghị quyết 11-NQ/TW ở một số địa phương, đơn vị tuy đã được triển khai song chất lượng và hiệu quả chưa cao. Còn một số cấp ủy chưa thật sự chú trọng công tác này, còn ngại va chạm, xáo trộn cán bộ. Công tác tham mưu của một số ban tổ chức cấp ủy các cấp về thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý còn bị động, lúng túng; mới chỉ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt.                   

Ở một vài địa phương, đơn vị do công tác quy hoạch, rà soát, đánh giá  bổ sung quy hoạch làm chậm, không thường xuyên, chất lượng cán bộ quy hoạch không cao đã  ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác luân chuyển. Chưa mạnh dạn luân chuyển cán bộ trẻ, cán bộ nữ xuống cơ sở; chưa thường xuyên theo dõi, đánh giá cán bộ luân chuyển nhằm phát huy mặt tốt, kịp thời uốn nắn, hạn chế sai sót; chưa xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ sau luân chuyển. Trong quá trình bố trí cán bộ, chưa phân định rõ giữa cán bộ luân chuyển với cán bộ điều động để có chế độ, chính sách phù hợp.             

Luân chuyển cán bộ từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã và luân chuyển ngang từ huyện này sang huyện khác, từ xã này sang xã khác chưa nhiều. Chưa mạnh dạn thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan khối đảng, chính quyền, đoàn thể có chuyên môn gần nhau. Thời gian luân chuyển cán bộ một vài trường hợp còn ngắn, có địa phương trong một nhiệm kỳ luân chuyển cán bộ nhiều lần nên chưa phát huy hết được khả năng, tác dụng, ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công tác. Một số trường hợp được luân chuyển để đáp ứng yêu cầu trước mắt do thiếu cán bộ, chưa thật sự gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo nguồn nhân sự cho các nhiệm kỳ tiếp theo.                  

Trình độ cán bộ giữa các ngành, các địa phương không đồng đều, đặc biệt trình độ đội ngũ cán bộ cấp xã còn thấp cũng là một khó khăn lớn khi thực hiện luân chuyển cán bộ. Cán bộ ở xã điều động lên huyện sẽ khó đảm đương được yêu cầu công việc và khó có khả năng phát huy. Luân chuyển cán bộ ở các huyện vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Cán bộ cấp huyện luân chuyển xuống xã, phường, thị trấn khó khăn về biên chế (cán bộ luân chuyển xuống xã nhưng biên chế vẫn ở đơn vị cũ). Ngược lại, muốn điều động cán bộ của xã lên huyện thì vướng vào quy chế tuyển dụng, biên chế… Vì vậy, luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã và ngược lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.                   

Vẫn còn trường hợp cán bộ, đảng viên chưa thật sự nhận thức đúng về công tác luân chuyển. Có người còn cho rằng việc luân chuyển về cơ sở chỉ là hợp thức hoá điều kiện cần và đủ để đề bạt lên vị trí cao hơn nên nảy sinh tính tự mãn, hoặc ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, đổi mới phong cách và lề lối làm việc; chưa thật sự gắn bó với địa phương, đơn vị mới và chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác.                     

Một số cấp ủy và cán bộ nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu, ý nghĩa công tác luân chuyển cán bộ nên thiếu kế hoạch cụ thể, còn bị động, thiếu kiên quyết trong thực hiện. Số ít cán bộ  ngại nhận nhiệm vụ mới, nhất là ở những nơi xa gia đình.                 

Một số địa phương thực hiện công tác luân chuyển chưa gắn với đánh giá, quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Số lượng cán bộ luân chuyển còn ít và còn những trường hợp mang tính điều động chắp vá trước mắt nên không có tác dụng, kém hiệu quả.                

Thực hiện luân chuyển cán bộ chưa thành nề nếp, nhất là giữa ngành này, ngành khác và giữa các huyện, thị, thành. Một số trường hợp còn vướng về tiêu chuẩn, biên chế; vẫn còn tình trạng luân chuyển do khó khăn trong bố trí nhân sự. Cán bộ được luân chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác chưa được tập huấn, hướng dẫn công việc cần thiết, cần tập trung, nên khi nhận nhiệm vụ mới có phần lúng túng hoặc thiếu mạnh dạn trong lãnh đạo, quản lý điều hành.

Nguyên nhân hạn chế               


Các hướng dẫn, quy định để cụ thể hoá chủ trương luân chuyển cán bộ chưa được ban hành đồng bộ; chậm ban hành các chính sách cụ thể đối với cán bộ luân chuyển, nhất là cán bộ luân chuyển đến vùng sâu, vùng xa.                    

Nhận thức của một số cấp ủy và lãnh đạo chủ chốt của đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ chưa sâu; chưa xác định rõ đây là khâu đột phá, mang tính khoa học cao của công tác cán bộ, cho nên có vài trường hợp luân chuyển mang tính bị động, cảm tính, luân chuyển được cán bộ coi như xong, mà thiếu quan tâm các bước tiếp theo.               

Một số địa phương, cơ quan, đơn vị luân chuyển cán bộ chưa căn cứ vào chuyên môn, sở trường, năng lực của cán bộ, nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình để xây dựng kế hoạch bố trí cán bộ sau luân chuyển; còn có tư tưởng cho rằng cán bộ đã qua luân chuyển nhất định phải được bố trí ở vị trí công tác cao hơn.                 

Tư tưởng cục bộ, khép kín về công tác cán bộ ở một số đơn vị cơ sở và cấp huyện còn nặng nề, không muốn bố trí người ngoài địa phương giữ chức vụ lãnh đạo; sự phối hợp từ tỉnh xuống cơ sở, giữa các cấp, các ngành, giữa cơ quan khối đảng, đoàn thể với các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ đã gây khó khăn cho công tác luân chuyển cán bộ. Chế độ chính sách, điều kiện, phương tiện đi lại, ăn ở, làm việc cho cán bộ được luân chuyển còn hạn chế, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển an tâm công tác.              

Từ thực tế luân chuyển cán bộ, Khánh Hoà rút ra một số kinh nghiệm:                         

Tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; phải đổi mới tư duy trong công tác bố trí cán bộ, chứ không phải cho rằng đã là cấp ủy viên thì công việc nào cũng đảm nhận được; phải coi trọng năng lực công tác, trình độ chuyên môn của cán bộ, đây cũng chính là vấn đề quan trọng trong công tác luân chuyển cán bộ hiện nay. Ban hành chỉ thị hoặc quy định về việc xử lý các trường hợp không chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức để đảm bảo tính nghiệm minh, thống nhất trong công tác luân chuyển.                  

Công tác luân chuyển là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này phải làm tốt công tác chuẩn bị; phải có phương pháp, cách làm, bước đi phù hợp mới đạt được hiệu quả thiết thực. Luân chuyển cán bộ là nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, trong quy hoạch được rèn luyện, thử thách và trưởng thành trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý lâu dài và chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận của Đảng; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực, các địa bàn cần thiết, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng ngành và địa phương.                 

Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là một việc khó, nhạy cảm đòi hỏi phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai; cần được nghiên cứu, cân nhắc thận trọng vì luân chuyển cán bộ không chỉ là việc điều động cán bộ từ chức danh này sang chức danh khác hay địa bàn này sang địa bàn khác, mà đây phải là một bước quan trọng trong "quy trình" công tác cán bộ từ khâu quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, đánh giá, điều động, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, sử dụng và thực hiện các chính sách cán bộ.                      

Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ thì mới có đủ nguồn cán bộ kế cận sau này. Luân chuyển cán bộ phải dựa trên quy hoạch cán bộ mới đảm bảo tính kế thừa và phát triển.                   

Đổi mới công tác chỉ đạo của cấp ủy, mà trước hết là của ban thường vụ cấp ủy đối với công tác luân chuyển; nắm bắt và triển khai các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy, vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất