Nhiều vấn đề về đổi mới công tác cán bộ được trao đổi, thảo luận
 
Đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu Kết luận Hội nghị

Theo chương trình, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo tại TP Hồ Chí Minh diễn ra trong 2 ngày 20, 21-8-2012. Buổi sáng 20-8, Hội nghị tập trung nghe phát biểu khai mạc của Đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí Trần Lưu Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương trình bày Báo cáo Đề dẫn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Sáng 21-8, đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tới dự Hội nghị. Trong 2 ngày làm việc, Hội nghị chia thành 7 tổ, thảo luận xung quanh 7 nội dung đã được nêu trong Báo cáo Đề dẫn. Đã có 10 ý kiến phát biểu tại Hội trường và 144 lượt ý kiến phát biểu tại tổ.

Về nội dung xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Đa số đại biểu đều cho rằng việc xây dựng Bộ tiêu chuẩn cụ thể đối với tất cả các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, theo đó có căn cứ đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ là việc làm cần thiết. Đây là công việc khó, khó nhất là xác định các tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, chiều hướng, triển vọng phát triển của cán bộ. Đại biểu Đào Tấn Lộc (tỉnh Phú Yên) cho rằng khi có tiêu chuẩn chức danh, cán bộ có điều kiện “soi mình” vào đó để rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Hơn nữa, chính sự lấy phiếu tín nhiệm là một cách “cảnh báo” đối với cán bộ, thức tỉnh ý thức không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác để đáp ứng những yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh đó.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đào Ngọc Dung (Khối cơ quan Trung ương) cán bộ của chúng ta ở nhiều khối, nhiều lĩnh vực khác nhau, nêu tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá của từng chức danh không giống nhau. Vì vậy, chỉ nên đưa ra tiêu chí khung, cơ bản, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Sau đó, từng khối, từng lĩnh vực, người đứng dầu lĩnh vực đó chỉ đạo việc xây dựng, thành lập các tiêu chí đánh giá riêng, phù hợp thì đánh giá cán bộ mới được sát, đúng.

 

Đại biểu dự Hội nghị

Về quy định góp ý, lấy ý phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể:

Đại biểu Bùi Thị Thanh (UB TWMTTQ VN) khẳng định, việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều đến công tác cán bộ của Đảng ta.

Các đại biểu đã dành thời gian cho ý kiến về nội dung, phương pháp góp ý và lấy phiếu tín nhiệm đối với tập thể và cá nhân nêu trong Dự thảo quy định. Đại diện của Bình Thuận cho rằng nên tiến hành lấy phiếu tính nhiệm thống nhất cùng 1 thời điểm và việc xử lý kết quả kiểm phiếu phải thực sự chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, bảo mật để tránh những tâm tư không đáng có của cán bộ.

 

Đồng chí Trần Lưu Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương điều hành thảo luận tại tổ 1

Về quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Đây là nội dung được nhiều đại biểu ở tổ và hội trường dành thời gian thảo luận nhiều nhất. Dự thảo quy định đề xuất các phương án quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và trong quy hoạch, luân chuyển cán bộ theo hướng:

Ngoài việc chịu trách nhiệm cá nhân theo quy định về chức trách nhiệm vụ được giao và trách nhiệm chung cùng tập thể đối với cả đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị, thì giao cho người đứng đầu có thẩm quyền, có trách nhiệm trực tiếp đối với cấp phó của mình và trưởng các cơ quan đơn vị trực thuộc (đánh giá về năng lực công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ; đề xuất việc quy hoạch, luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, kỷ luật đối với cán bộ) như sau:

Người đứng đầu cấp uỷ đề xuất hoặc thông qua cơ quan tham mưu đề xuất đối với nhân sự phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ và trưởng các ban, cơ quan đảng, để tập thể ban thường vụ cấp uỷ hoặc tập thể cấp uỷ (nơi không có ban thường vụ) thảo luận, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (sau khi tham khảo nhận xét của người đứng đầu trực tiếp của cấp uỷ nơi công tác, nơi cư trú và tín nhiệm của cán bộ chủ chốt… theo quy trình đánh giá cán bộ).

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị đề xuất hoặc thông qua cơ quan tham mưu đề xuất đối với nhân sự cấp phó và trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc, để tập thể ban cán sự đảng, đảng đoàn, hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan đơn vị (nơi không có ban cán sự, đảng đoàn) thảo luận, đánh giá và quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Việc xác định thẩm quyền của người đứng đầu với thẩm quyền của tập thể lãnh đạo trong bổ nhiệm hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử như sau:

Đối với nhân sự do cấp trên quyết định:

Trường hợp có từ 50% thành viên trở lên trong tập thể lãnh đạo nhất trí với đề xuất nhân sự của người đứng đầu, thì chọn nhân sự do người đứng đầu đề xuất để đề nghị cấp trên xem xét, bổ nhiệm.

Trường hợp dưới 50% thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý với đề xuất nhân sự của người đứng đầu: Người đứng đầu đề xuất nhân sự khác; trường hợp người đứng đầu đề xuất các nhân sự tiếp theo vẫn không đạt 50% phiếu giới thiệu của tập thể, thì báo cáo đầy đủ đề xuất của người đứng đầu và ý kiến của tập thể lãnh đạo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với nhân sự thuộc quyền bổ nhiệm của người đứng đầu:

Phương án 1: Nếu nhân sự có trong quy hoạch và đủ tiêu chuẩn, điều kiện (qua thẩm định của cơ quan tổ chức cán bộ) thì giao cho người đứng đầu quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình (người đứng đầu có thể tham khảo hoặc không tham khảo ý kiến của các thành viên lãnh đạo về nhân sự do mình quyết định).

Phương án 2: Người đứng đầu đề xuất ra tập thể xem xét, cho ý kiến; trường hợp nhân sự được dưới 50% phiếu tín nhiệm của tập thể, thì người đứng đầu đề xuất nhân sự khác để tập thể lãnh đạo cho ý kiến; trường hợp người đứng đầu đề xuất các nhân sự tiếp theo vẫn không đạt 50% phiếu tín nhiệm của tập thể, thì giao cho người đứng đầu quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, nếu nhân sự có trong quy hoạch và đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm.

Qua thảo luận, có nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất phương án 1, vì cho rằng trên thực tế, người đứng đầu các cấp đã thực hiện thẩm quyền nêu trên, nhất là đối với cấp trưởng các đơn vị trực thuộc, nhưng do chưa được quy định cụ thể nên chưa quy rõ được trách nhiệm cho người đứng đầu. Hơn nữa, tới đây sẽ thực hiện định kỳ hằng năm lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý, nếu người được bổ nhiệm có vấn đề (yếu kém về phẩm chất, năng lực, uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ…) 2 năm liền thì có thể cho thôi giữ chức, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác và khi đó sẽ có cơ sở để xử lý trách nhiệm đối với việc người đứng đầu về việc đề xuất hoặc quyết định đối với nhân sự đó.

Tuy nhiên, có một số ý kiến còn băn khoăn, vì cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Đa số ý kiến đều nhận thức rằng, nếu giao thẩm quyền tuyệt đối cho người đứng đầu thì dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, làm mất vai trò của cấp uỷ. Ngược lại, nếu vẫn duy trì như cách làm hiện nay thì người đứng đầu gặp nhiều khó khăn trong công tác khi được giao nhiệm vụ nhưng không được lựa chọn giúp việc, cấp phó của mình để hợp tác.

Đại biểu Bùi Văn Tiếng (Đà Nẵng) cho rằng, phải trên cơ sở vì việc xếp người. Nếu đảm bảo nguyên tắc này thì ai đề xuất, ai giới thiệu được người tài, phù hợp với vị trí công tác thì đều phát huy tác dụng. Và trên thực tế, nếu tiến cử được người tài thì người tiến cử cũng nên được biểu dương, khen thưởng.

 

 Đại biểu tỉnh Vĩnh Long phát biểu thảo luận tổ

 

Về nội dung bổ sung, sửa đổi quy định phân cấp quản lý cán bộ và quy chế bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.

Hội nghị thảo luận 2 nội dung về bổ sung, sửa đổi quy định phân cấp quản lý cán bộ và về bổ sung, sửa đổi quy chế (dự kiến đổi thành quy định) về việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển đối với cán bộ.

Tổng kết việc thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ (số 67-QĐ/TW năm 2008), hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng cho rằng, việc phân cấp quản lý cán bộ như đang thực hiện là rất phù hợp, không nên phân cấp thêm. Riêng đối với chức danh phó chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố và tổng giám đốc các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng của Nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị cần phải có ý kiến thẩm định của các ban đảng Trung ương, vì: phó chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, thành phố là chức danh quan trọng, có hệ số trách nhiệm bằng ủy viên ban thường vụ và một số đồng chí đồng thời là uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ tỉnh, thành phố và do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Thời gian qua, thực hiện phân cấp quản lý theo Quy định 67, chức danh phó chủ tịch HĐND, UBND do ban thường vụ tỉnh, thành phố xem xét, quyết định, dẫn đến việc nể nang, phân công quá nhiều ủy viên thường vụ cấp ủy làm phó chủ tịch UBND, dẫn đến mất cân đối cơ cấu lãnh đạo cấp ủy. Nhiều ý kiến đề nghị nên phân cấp chức danh này cho Ban Chấp hành quyết định và cần có ý kiến kiến thẩm định của các ban Trung ương Đảng, để Thủ tướng Chính phủ có cơ sở phê chuẩn kết quả bầu cử.

Đối với chức danh tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, vừa qua việc quản lý đối với cán bộ lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước còn lỏng lẻo, để xảy ra nhiều sai phạm; việc phân cấp chức danh tổng giám đốc cho Chủ tịch Hội đồng thành viên ký còn mang tính hình thức, vì trên thực tế cả hai chức danh này đều đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước; việc thuê giám đốc, tổng giám đốc điều hành các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng của nhà nước còn ít được thực hiện và nếu có thực hiện, cũng cần có sự thẩm định về chính trị. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị chức danh này cần có sự theo dõi, quản lý, thẩm định của các cơ quan chức năng trước khi bổ nhiệm.

Ban Tổ chức Trung ương đã tiếp thu, dự thảo quy định mới và dự kiến bổ sung, sửa đổi về việc phân cấp đối với hai chức danh: Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, thành phố và Tổng Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước đặc biệt quan trọng theo hai phương án sau:

1. Khi giới thiệu bầu cử hoặc bầu cử đối với hai chức danh này cần lấy ý kiến thẩm định của các ban Trung ương Đảng có liên quan, trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Vẫn giữ phân cấp quản lý như hiện nay, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, giám sát của các ban đảng Trung ương đối với việc giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm hai chức danh này (tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý thế nào là việc khó).

Về kết quả thực hiện công tác nhân sự theo Chỉ thị 37-CT/TW ngày 04/8/2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: Sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bên cạnh mặt tích cực về công tác chuẩn bị và bầu cử cấp ủy theo tinh thần Chỉ thị số 37- CT/TW của Bộ Chính trị, còn có một số ý kiến khác nhau về quy định độ tuổi tái cử ấp ủy và việc sắp xếp, thực hiện chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử cấp ủy khóa mới. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến để rút kinh nghiệm khi quy định về độ tuổi tham gia quy hoạch và tham gia cấp ủy khóa tới, sát với thực tế hơn.

 
Đại biểu thảo luận tại tổ

Về nội dung bổ sung, sửa đổi Hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý:

Từ kết quả tổng kết nghị quyết về quy hoạch cán bộ, Kết luận số 24 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém cơ bản của công tác quy hoạch thời gian qua. Theo đề xuất, kiến nghị của các cấp ủy, tổ chức đảng và để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém nêu trên, Ban Tổ chức Trung ương đã dự thảo hướng dẫn mới về công tác quy hoạch cán bộ, để thay thế Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW, ngày 21-10-2008 của Ban Tổ chức Trung ương. Các đại biểu đã thảo luận xung quanh 7 nội dung mới. Đó là: Yêu cầu phải làm tốt công tác đánh giá cán bộ; Thực hiện phương châm “mở và động”; Quy hoạch đối với cán bộ đương chức; Số lượng nguồn đưa vào quy hoạch; Yêu cầu về độ tuổi và cơ cấu cán bộ nữ trong quy hoạch; Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch của cấp trên đối với cấp dưới.

Đa số các đại biểu đều tán thành với Dự thảo của Ban Tổ chức Trung ương. Đại biểu Bùi Văn Tiếng, Đào Ngọc Dung cùng có ý kiến cho rằng quy hoạch cán bộ là cơ sở chủ yếu để đề bạt, bổ nhiệm. Tuy nhiên, quy hoạch không thể nhất thành, bất biến, việc rà soát quy hoạch cũng không thể tránh khỏi việc bỏ sót người tài. Nên việc này cũng cần “mềm hoá” thông qua 2 trường hợp: Thi tuyển chức danh. Các ứng viên có thể trong hoặc ngoài quy hoạch. Nếu là cán bộ trẻ, có triển vọng và sớm bộc lộ tố chất, phẩm chất của mình, dự kỳ thi nghiêm túc, công minh, vươn lên là người đứng đầu thì hoàn toàn có thể được bổ nhiệm. Trường hợp thứ hai là người đứng đầu đề xuất, được tập thể đồng ý. Tuy người được đề xuất không nằm trong quy hoạch, nhưng đó là một nhân tố mới, tiến cử được tập thể xem xét, quyết định có thể bổ nhiệm.

Về dự thảo quy định về điều động, luân chuyển cán bộ.

Dự thảo quy định về điều động, luân chuyển cán bộ nêu rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, quy trình điều động, luân chuyển cán bộ cho cả mục đích đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Các đại biểu cho ý kiến về dự thảo quy định và thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề như: Khái niệm cán bộ không phải là người địa phương; Khái niệm đảm nhiệm chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp; Về đối tượng bố trí cán bộ không là người địa phương và quy trình luân chuyển, thời gian luân chuyển, đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ luân chuyển…

Luân chuyển là để đào tạo cán bộ. Có đại biểu đã phân tích rõ, “bắt bệnh” cán bộ Trung ương thường được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn, có kiến thức nhưng thiếu thực tế. Cán bộ địa phương “có bệnh” thiếu tầm nhìn. Theo đại biểu đó, trong luân chuyển cán bộ, không chỉ luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương để có thực tiễn, ngược lại, cán bộ địa phương luân chuyển về Trung ương sẽ giúp nâng cao tầm nhìn vĩ mô, chiến lược. Đại biểu Dương Văn An (Trung ương Đoàn TNCS HCM) khẳng định: “Bản thân tôi sau một thời gian về Trung ương công tác, nếu quay trở lại địa phương chắc chắn sẽ hoàn thành công việc tốt hơn vì đã có thêm nhiều kiến thức tầm vĩ mô, có kinh nghiệm được tổng hợp từ nhiều địa phương”.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương kết luận Hội nghị. Đồng chí đánh giá cao, hoan nghênh tinh thần làm việc trách nhiệm, khẩn trương, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng của các đại biểu dự Hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh 4 nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngay sau Hội nghị. Đó là:

Đối với công tác đánh giá cán bộ, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần lãnh đạo xây dựng tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh cán bộ thuộc cấp mình quản lý; xây dựng tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá các chức danh thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý công tác tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Các cơ quan chức năng thuộc Ban Tổ chức Trung ương tập hợp ý kiến tiếp thu của Hội nghị để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo các quy chế, quy định, hướng dẫn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định về: Quy định về việc góp ý và lấy phiếu tín nhiệm hằng năm của ban chấp hành đối với ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp, của cán bộ chủ chốt đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; Bổ sung cơ chế để cán bộ dự kiến đề bạt, bổ nhiệm trình bày đề án, chương trình công tác, thể hiện năng lực, trình độ của mình vào quy chế hoặc quy định về bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; Phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án về thi, sát hạch hằng năm đối với một số chức danh cán bộ và xây dựng phương thức đánh giá cán bộ trong mối quan hệ biện chứng giữa kết quả thi, sát hạch với thành tích công tác và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá cán bộ và trong các khâu khác trong công tác cán bộ.

Đối với công tác quy hoạch cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu đầy đủ ý kiến của Hội nghị, bổ sung, sửa đổi Hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ, ban hành ngay để triển khai thực hiện. Ban Tổ chức Trung ương tập hợp, tiếp thu ý kiến của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội và các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban, bộ, ngành ở Trung ương và ý kiến các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoàn chỉnh đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

Đối với công tác luân chuyển cán bộ, đồng chí đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sớm ban hành chế độ nhà công vụ và chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển. Ban Tổ chức Trung ương khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo quy định về luân chuyển cán bộ, trong đó xác định cụ thể về điều kiện và đối tượng, quy trình luân chuyển bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, phối hợp xây dựng kế hoạch luân chuyển đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở bộ, ngành giữ chức bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố…

Đối với việc xây dựng đề án và tiếp tục thực hiện thí điểm các đề án và nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng đề án tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu, chuyên gia cấp chiến lược, tiếp tục thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, đại hội đảng bộ các cấp trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ có số dư, thi điểm giao quyền bí thư cấp uỷ lựa chọn, giới thiệu đề của bổ sung uỷ viên ban thường vụ, cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm cấp phó, thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý, rà soát và đề xuất bổ sung, xây dựng mới cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ để thực hiện giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 và thực hiện chế độ cải cách hành chính trong Đảng.  

Phản hồi (1)

Trần Việt Thao 23/08/2012

KÍnh gửi: BTC TW Đ & BBT Web XD Đ & TG bản tin trên ! Nhân đọc bản tin trên, tôi mạn phép có một số ý kiến đề xuất, kiến nghị, như sau: Để có cơ sở đổi mới công tác cán bộ, trước hết cần phải xác định đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong hệ thống chính trị của từng cấp; cụ thể hoá tiêu chuẩn cán bộ từng cơ quan đó; nắm vững chất lượng đội ngũ cán bộ thông qua dánh giá cán bộ sau một thời gian công tác để từ đó tiếp tục có quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng; bó trí,thuyên chuyển, luân chuyển phù hợp; có chế độ chính sách đảm bảo được cải thiện dần để cán bộ có đủ điều kiện an tâm công tác, hạn chế tham nhũng; quan tâm ưu tiên giải quyết đầu ra cho số cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí MInh ở các cấp đã nhiều tuổi; có sự luân chuyển phù hợp giữa đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện và cơ sở đáp ứng nhu cầu cơ sở và yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ; hạn chế việc sử dụng cán bộ chưa qua đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ ở vị trí đó;.... Kính mong quý ban quan tâm xem xét. Tôi chân thành cảm ơn ! ( Trần Việt Thao- VP. Tỉnh đoàn Thanh Hoá).

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất