Nghệ An hiện có gần 10.300 cán bộ, công chức (CB,CC) cấp xã. Nhìn chung, đội ngũ CB, CC trong hệ thống chính trị cơ sở của tỉnh Nghệ An tận tụy với công việc, gần gũi với nhân dân. Hằng năm, được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, số được đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng. Thông qua đào tạo bồi dưỡng đã góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ CB, CC, nhất là cán bộ chủ chốt.
Tuy nhiên, đội ngũ CB, CC cấp xã của Nghệ An còn nhiều hạn chế, nhất là trình độ chuyên môn. Hiện số CB, CC cấp xã chưa đạt chuẩn về chuyên môn theo quy định còn khá nhiều (cán bộ chuyên trách: 2003 người, chiếm 40,12%, công chức: 412 người, chiếm 7,77%). Chất lượng CB, CC còn thấp so với trình độ chuẩn theo Quyết định 04/QĐ-BNV ngày 16-1-2004 của Bộ Nội Vụ "về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn" cũng như thực tế yêu cầu quản lý đặt ra. Kiến thức quản lý hành chính nhà nước còn nhiều hạn chế, nhất là vùng miền núi, dân tộc. Hằng năm, CB, CC cấp xã chưa được bồi dưỡng bổ sung kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội, nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những hạn chế trên dẫn đến hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở xã còn nhiều bất cập; công tác quản lý của chính quyền ở nhiều nơi còn lỏng lẻo và sai phạm; hoạt động của cơ quan dân cử còn mang tính hình thức, sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đồng bộ; hoạt động của các tổ chức đoàn thể chưa có chiều sâu, chưa xây dựng được phong trào hành động sôi nổi và hiệu quả.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển không đều và thấp so với mặt bằng chung, đội ngũ CB, CC cấp xã nhất là ở vùng miền núi, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số chưa theo kịp sự phát triển chung của xã hội. Một số CB, CC trình độ văn hoá còn thấp, dẫn đến thời gian đào tạo về trình độ chuyên môn kéo dài. Nhận thức của một số cán bộ các cấp chưa đầy đủ nên trong chỉ đạo, điều hành thiếu đồng bộ, nhất quán. Ý thức tự học, tự đào tạo bồi dưỡng của CB, CC cơ sở chưa cao. Định mức kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở còn thấp. Quy mô, cơ sở vật chất Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố còn nhiều hạn chế. Chế độ, chính sách đãi ngộ về công tác đào tạo bồi dưỡng còn nhiều bất cập. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới, chưa phù hợp với các đối tượng.
Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An xác định mục tiêu trong những năm tới là đẩy mạnh công tác đào tao, bồi dưỡng CB, CC, tạo sự chuyển biến sâu sắc về mặt chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC cấp xã có đủ kiến thức, trình độ năng lực quản lý, điều hành, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ CB, CC cấp. Phấn đấu đến năm 2020, CB, CC cấp xã được đào tạo đạt 100% tiêu chuẩn về trình độ các mặt theo quy định. Trước mắt phấn đấu đến năm 2015, đối với cán bộ cấp xã: 90% cán bộ có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên, trong đó có 20-30% có trình độ đại học. 100% cán bộ cấp xã hàng năm được bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, bồi dưỡng bổ sung kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ. Đối với công chức cấp xã: 100% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó, có 30-40% có trình độ đại học. 100% công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức Quản lý nhà nước, bồi dưỡng bổ sung kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ
Để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An xác định một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đào tạo, bồi dưỡng CB, CC cấp xã. Tăng cường công tác tuyên truyền để CB, CC nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, cập nhật thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí đang đảm nhận, sớm chuẩn hoá các chức danh theo quy định.
Hai là, làm tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, bố trí sử dụng CB, CC. Tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ CB, CC cấp xã, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch bố trí sử dụng, đào tạo bồi dưỡng từng chức danh CB, CC ở từng xã, phường, thị trấn. Quan tâm các xã ở các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài. Hằng năm, tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cho các chức danh CB, CC, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng. Tổ chức tốt việc tuyển dụng, bổ nhiệm mới đối với CB, CC cấp xã đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn theo chức danh quy định.
Ba là, xác định chính xác nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, trên cơ sở đó xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CB,CC xã cho từng năm, từng giai đoạn. Hằng năm, tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng CB, CC xã trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Không cử người đi đào tạo, bồi dưỡng không trong diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bốn là, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn các trường, các trung tâm đào tạo đảm bảo về chất lượng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Thành lập Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng CB, CC tỉnh Nghệ An thuộc Sở Nội vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CB, CC theo quy định. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới nội dung, chương trình phù hợp với từng đối tượng CB, CC xã theo từng vùng miền. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng và việc bố trí sử dụng kinh phí đào tạo.
Năm là, ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC xã. Đảm bảo nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CB, CC cấp xã theo phân cấp, đồng thời tranh thủ các nguồn ngân sách của Trung ương, các chương trình, dự án ở trong và ngoài nước nhằm đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC cấp xã trong thời điểm hiện tại và những năm về sau.
Phạm Văn Phong
Trường Đại học Chính trị