Thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh.
Đến nay, cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở cấp tỉnh có 149 người, trong đó: nữ 18 người (12,1%), dân tộc thiểu số 4 người (2,7%).
Trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ có bước chuyển tích cực. Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ 4 người (2,7%); Thạc sỹ 14 người (9%); Đại học có 126 người (84,6%). Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 126 người ( 84,6%); cử nhân 20 người (13,4%). Đây là điều kiện, là cơ sở để từ đó đội ngũ cán bộ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Trên mỗi cương vị công tác, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ cấp tỉnh phát huy tinh thần chủ động, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, khả năng chuyên môn và dự báo tình hình, đề ra nhiệm vụ với mục tiêu thích hợp và có những quyết sách đúng đắn trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định đưa tỉnh nhà phát triển.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của tiến trình đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, nhìn chung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn những mặt hạn chế. Đó là, tình trạng không đồng đều về trình độ chuyên môn đào tạo, năng lực thực tiễn; số cán bộ chiến lược, chuyên sâu sau đại học ở từng lĩnh vực, chuyên gia giỏi đầu ngành còn quá ít. Còn có tình trạng hẫng hụt về tính kế thừa và chuyển tiếp giữa các thế hệ; tuổi đời bình quân cao (trên 50 tuổi chiếm tới 57,1%), số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ ít (dưới 40 tuổi chỉ có 6%). Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý còn có biểu hiện chủ quan, tự mãn; một số tuy có tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà nhưng chưa thực sự yên tâm gắn bó với cương vị công tác.
Một số kinh nghiệm
Có được những kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà xuất phát điểm là chủ trương đột phá nguồn nhân lực của Tỉnh ủy xuyên suốt trong mấy nhiệm kỳ qua. Có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách. Việc xây dựng, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đột phá nguồn nhân lực được xem là bước đi đầu tiên, thể hiện ý chí và quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi. Gần 10 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực (Nghị quyết Chuyên đề 06 (khoá XVII) và Nghị quyết Chuyên đề 05 (khóa XVIII). Đây là chủ trương đột phá để thực hiện đồng bộ các khâu, các bước nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ngoài ra còn có nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định, đề án, chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý, thống nhất ý chí và hành động để từ đó chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách phù hợp.
Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Trên cơ sở dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, trong đó có nguồn cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, Tỉnh uỷ đã ban hành đề án đào tạo, bồi dưỡng, thu hút cán bộ có năng lực đến tỉnh công tác. Đến nay, Quảng Ngãi đã thu hút được 2 tiến sỹ, 7 thạc sỹ và 6 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi là người của các tỉnh khác về công tác tại các cơ quan, ban ngành của tỉnh. Mặt khác, Tỉnh đã chú trọng đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo sau đại học trong và ngoài nước, cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên môn, nghiệp vụ cấp tỉnh cũng như những cán bộ trong diện được quy hoạch. Những năm qua Quảng Ngãi luôn đảm bảo dành 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ. Đánh giá về công tác này giai đoạn 2006-2010, tỉnh Quảng Ngãi đã được Trung ương nhận xét là có bước nhảy vọt cả về "lượng" và "chất" so với giai đoạn trước.
Chủ động xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ. Thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 31-1-2005, Kế hoạch số 10- KH/TU ngày 20-10-2006 và Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 19-3-2012 về thực hiện công tác quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài, làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm nhận các chức danh trong cấp ủy và các chức danh lãnh đạo các cấp trong hệ thống chính trị có phẩm chất, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua đó tạo sự chủ động, khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ, đảm bảo tính kế thừa, phát triển, chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.
Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 07-KH/TU, Chỉ thị số 13-CT/TU và Kế hoạch số 42-KH/TU để thực hiện đồng bộ công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Từ năm 2006 đến nay, 11 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã luân chuyển từ tỉnh về công tác ở các huyện, thành phố. Cán bộ được luân chuyển từ cấp huyện lên tỉnh 6 đồng chí. Cán bộ cấp tỉnh luân chuyển ngang 3 đồng chí. Hầu hết cán bộ luân chuyển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, năng lực lãnh đạo, quản lý của từng đồng chí nâng lên và được bố trí vào các chức danh quy hoạch. Thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ đã góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương, khép kín trong công tác cán bộ. Đồng thời giúp cho tỉnh chủ động trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh dạo, quản lý kế cận cấp tỉnh cả trước mắt và lâu dài.
Tuyển chọn cán bộ có trình độ đại học tự nguyện về công tác ở xã, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa là cách để Quảng Ngãi tạo nguồn cán bộ cho huyện và tỉnh trong tương lai. Bước đầu đã có 117 sinh viên tự nguyện về xã, phường, thị trấn công tác; 52 sinh viên khác được bố trí chức danh phó chủ tịch UBND các xã thuộc huyện nghèo của tỉnh.
Biện pháp tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh
Một là, nâng cao nhận thức về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh.
Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và nắm vững các quan điểm cơ bản của Đảng về công tác cán bộ, đặt biệt là Kết luận 37-KL/TW ngày 2-2-2009 của Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm tuyên truyền sâu rộng và phát huy vai trò tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn thể cán bộ, đảng viên trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh gắn với xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, củng cố và hoàn thiện các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Hai là, đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ nhằm đảm bảo nguồn cán bộ kế cận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh.
Tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Định kỳ có rà soát đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đồng thời bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới có triển vọng phát triển. Cán bộ trong diện qui hoạch phải là những người đáp ứng cơ bản tiêu chuẩn chức danh cán bộ, nhưng cần được tiếp tục hoàn thiện thông qua đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và thử thách trong thực tiễn; chú trọng lựa chọn nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật. Qua đó tạo sự chủ động, khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ, đảm bảo tính kế thừa, phát triển, chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong giai đoạn hiện nay.
Ba là, mạnh dạn bố trí lại cán bộ một cách hợp lý, chú trọng bổ sung tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ cấp tỉnh.
Tiếp tục triển khai Đề án tuyển chọn, bổ sung, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ cấp tỉnh, cấp huyện của Tỉnh ủy. Theo đó, về nguyên tắc chung việc bổ nhiệm cán bộ giữ các chức vụ lãnh đạo phải theo đúng các tiêu chuẩn quy định, phải theo nguyên tắc “vì việc đặt người”. Đề bạt những cán bộ đã được đào tạo, đã qua thử thách, đủ tiêu chuẩn vào các cương vị thích hợp; tránh tình trạng để cán bộ kiêm nhiệm quá nhiều, bố trí cán bộ vào những việc mà bản thân cán bộ đó chưa được học, chưa từng làm, hoặc chưa am hiểu. Cần tin ở cán bộ trẻ. Tuổi trẻ tuy có những nhược điểm nhất định, nhưng có trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật, được đào tạo cơ bản, có sức bật, nhạy bén, xông xáo, mạnh dạn tiếp thu cái mới, nếu được bồi dưỡng, kèm cặp tốt, chắc chắn họ sẽ làm được việc. Mạnh dạn đề bạt vượt cấp những cán bộ trẻ, có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã trải qua hoạt động thực tiễn có hiệu quả. Kiên quyết thay thế và không bổ nhiệm lại những cán bộ hạn chế về năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Không đưa những người bị kỷ luật, không đảm đương được nhiệm vụ ở nơi này sang nhận nhiệm vụ tương đương hoặc cao hơn ở nơi khác.
Bốn là, đổi mới quan niệm đào tạo đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu của Tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Việc đào tạo và đào tạo lại đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh cần được thay đổi một cách căn bản cả về nội dung chương trình và phương thức đào tạo; cần chú ý theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn, yêu cầu của từng chức danh cụ thể, gắn với công việc, với yêu cầu sử dụng. Chấm dứt tình trạng bồi dưỡng chung chung, cử cán bộ đi học một cách tràn lan, đi học để “chuẩn hóa bằng cấp”, để giải quyết chính sách... Khắc phục việc đào tạo cán bộ chỉ nặng về bồi dưỡng những kiến thức chính trị cơ bản, không đi sâu theo chuyên ngành, không chú ý đầy đủ vấn đề nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước. Quan tâm đào tạo sau đại học cho cán bộ cả trong và ngoài nước theo các đề án của tỉnh. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng thừa những cán bộ chỉ đạo “chung chung”, thiếu cán bộ có năng lực điều hành cụ thể.
Năm là, tăng cường công tác tự phê bình và phê bình, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ.
Tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên và là một yêu cầu để rèn luyện người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Căn cứ vào Hướng dẫn kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, mỗi cán bộ cần tự giác, trung thực, đánh giá mình và đánh giá người cho thật khách quan. Tuyệt đối tránh làm lướt, làm qua loa. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên ấy phải gương mẫu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Mọi nơi, mọi lúc, nhất là trước những cám dỗ vật chất phải tự đấu tranh với chính mình, thực hiện đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính”, không sa ngã, tích cực đấu tranh chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Mỗi cán bộ là một tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần xử lý kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Đây là cách tốt nhất để rèn luyện giáo dục đảng viên, ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, nhằm phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng bộ tỉnh.
Sáu là, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ.
Đây là một đòi hỏi cấp thiết, khách quan trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Trước tiên cần tiếp tục tổ chức sắp xếp lại bộ máy Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo Đề án số 04- ĐA/BTCTU của Ban Tổ chức về sắp xếp tổ chức, bộ máy cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi theo hướng tinh, gọn, chuyên sâu và thực sự khoa học. Mặt khác, trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ phải đặc biệt chú trọng xây dựng người đứng đầu, tức là các trưởng, phó ban tổ chức. Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, đặc biệt là các kiến thức chuyên ngành phục vụ cho công tác tổ chức cán bộ như kiến thức về khoa học tổ chức, về tâm lý học, xã hội học, xây dựng Đảng…
Bảy là, chính sách, chế độ là một trong những động lực, kích thích vật chất và tinh thần đối với cán bộ. Do đó, Tỉnh cần nghiên cứu có những chính sách đãi ngộ vật chất và động viên tinh thần những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi. Có như vậy mới khuyến khích người có tài năng phát triển, người trung bình phải phấn đấu vươn lên, không nên để người có tài và người bất tài hưởng thụ đãi ngộ ngang nhau... Có chính sách thu hút nhân tài từ các nơi về hoặc người quê Quảng Ngãi hiện đang công tác, sinh sống ở các nơi khác về công tác và mạnh dạn bổ nhiệm vào những chức danh lãnh đạo, quản lý thích hợp ...
ThS. Trương Thị Mỹ Trang
Trường Chính trị Quảng Ngãi