Là một xã anh hùng qua hai cuộc kháng chiến, bị chiến tranh tàn phá dữ dội, nên dù lúc này xe của đoàn công tác được lăn bánh trên những con đường mới đầu tư mở rộng, nhựa và bê tông hóa về đến tận thôn, ngõ hẻm, chúng tôi vẫn cảm nhận được nhiều điều mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thạnh đã và đang cố vượt mình để xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện nông thôn mới. Trao đổi với chúng tôi về hướng đột phá trong phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, đồng chí Huỳnh Thanh Tùng, Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã tâm đắc: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công tác cán bộ là khâu đột phá. Nếu cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bố trí hợp lý thì công việc sẽ đạt hiệu quả cao”.
Quả vậy, ít có một xã ven biển nào mà chỉ trong một thời gian ngắn, từ tổ chức đảng được đánh giá là yếu kém (năm 2007) đã vươn lên hoàn thành nhiệm vụ (2008, 2009) và bứt phá thành trong sạch, vững mạnh liên tục 2 năm liền (2010, 2011). Sự chuyển biến đó có phần được quyết định bởi khâu đào tạo, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực chuyên môn và trình độ lý luận chính trị.
Chúng tôi được cho biết, trong vài năm trở lại đây, đội ngũ cán bộ xã được tập trung đào tạo chuẩn hóa trình độ. Đến nay, tỷ lệ cán bộ chuyên trách đã đạt chuẩn trình độ lý luận chính trị là 100%, chuẩn chuyên môn là 90% (trong đó 20% vượt chuẩn), 100% đã qua lớp quản lý nhà nước cơ sở. Công chức xã cũng đã đạt 100% chuẩn chuyên môn (trong đó có 14,3% vượt chuẩn và 43% đang đào tạo vượt chuẩn), 75% có trình độ lý luận chính trị sơ cấp và trung cấp, 50% đã qua lớp quản lý nhà nước cơ sở. Đặc biệt, trong số 9 đồng chí cấp ủy xã, có 100% đạt chuẩn lý luận chính trị, 44,4% vượt chuẩn chuyên môn (trong đó có 2 đồng chí chủ chốt: Bí thư - Chủ tịch UBND và Phó Bí thư - Phó Chủ tịch UBND xã), 33% cũng đang đào tạo nâng chuẩn. Hầu hết cán bộ, công chức chuyên trách và không chuyên trách hiện đang hoặc đã có kế hoạch đào tạo đạt chuẩn và vượt chuẩn.
Từ kết quả của quy hoạch và đào tạo gắn với bố trí cán bộ của Bình Thạnh, bước đầu khắc phục được một phần tình trạng hẫng hụt cán bộ. Tuy chưa đủ về số lượng cán bộ, công chức chuyên trách và không chuyên trách (mới chỉ có 41 người/47 chức danh), nhưng 46/47 chức danh đã được bố trí. Bí thư - chủ tịch UBND được nhất thể hóa. Công chức hoạt động đúng với chuyên môn được đào tạo. Các chức danh ở 3 thôn bố trí đúng theo quy định, với 13 người/13 chức danh.
Trong khi bố trí đủ cán bộ đảm bảo trình độ các mặt vào các chức danh, hằng năm Đảng ủy xã quán triệt tinh thần khách quan, nghiêm túc trong đánh giá cán bộ, chú ý hiệu quả công việc và uy tín của từng cá nhân, nên kích thích được ý thức tự đào tạo và phấn đấu rèn luyện vươn lên của mỗi người, tạo bước tiến rõ rệt về chất trong cán bộ. Nếu như các năm từ 2002 đến 2006 không có cán bộ, công chức nào được đánh giá là xuất sắc, thì 2001 có 1 xuất sắc, 44 khá; năm 2008 có 2 xuất sắc, 40 khá; năm 2009 có 4 xuất sắc, 3 khá; năm 2010 có 12 xuất sắc, 31 khá và đến 2011 có 22 xuất sắc, 34 khá, không có trung bình. Theo các đồng chí trong Đảng ủy xã, những cán bộ, công chức được đánh giá là xuất sắc đa phần đều đã được đào tạo chuẩn về chuyên môn, đặc biệt là nắm vững kiến thức lý luận chính trị và quản lý nhà nước, nên có khả năng xử lý tốt công việc; linh hoạt, sáng tạo và mềm dẻo trong ứng xử, tạo được uy tín đối với quần chúng nhân dân.
Phấn khởi, tự hào về những gì mà Đảng bộ đã làm được, nhưng chúng tôi vẫn hiểu còn nhiều băn khoăn, trăn trở hiện lên trên gương mặt của Bí thư - Chủ tịch UBND xã Huỳnh Thanh Tùng. Đồng chí cho biết tuy Đảng bộ đã 2 năm liền trong sạch, vững mạnh, nhưng để duy trì được danh hiệu ấy thì còn phải khắc phục nhiều nhược điểm, hạn chế: quy hoạch cán bộ còn khép kín, đào tạo cán bộ không kịp để chuẩn hóa toàn bộ, cơ chế thu hút nhân tài ngoài địa phương về công tác trong hệ thống chính trị (HTCT) xã chưa rõ. Trong khi đó một số chức danh chưa bố trí được bởi do nguồn khó đạt chuẩn, chế độ chính sách, phương tiện làm việc lại không đáp ứng đủ nhu cầu khiến nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản không mặn mà với việc đầu quân làm cán bộ xã. Nhưng ngược lại, để thu hút, để nâng chuẩn cán bộ, vấn đề quan hệ giữa chỉ tiêu biên chế, chỉ tiêu đào tạo và chất lượng đội ngũ lại cũng đang mâu thuẫn. Không thể cứ “kiên quyết” là có thể đưa một công chức chất lượng “bình bình” ra khỏi chức danh và bố trí vào đó một cán bộ khác dù khá hơn. Không thể cứ động viên, khuyến khích mãi, khi một cán bộ không chuyên trách với phụ cấp 1,0 (thu nhập chưa tới 1 triệu đồng/tháng sau khi trích nộp xong các khoản theo quy định) vừa làm việc, vừa tự trang trải cho đào tạo nâng cao trình độ. Không thể đưa những cán bộ có kinh nghiệm, có uy tín, công tác lâu năm ra khỏi biên chế tuy đồng chí ấy không đủ điều kiên, khả năng để đào tạo đạt chuẩn…
Vì vậy, các đồng chí ở Bình Thạnh mong muốn với những xã ven biển, cần tăng thêm biên chế công chức để theo dõi, tham mưu cho UBND xã phát triển kinh tế biển, kết hợp xây dựng phong trào giữ gìn an ninh, trật tự trên biển. Ở cấp xã, công tác dân vận thực sự đóng vai trò quan trọng, nên cần tăng thêm chức danh cán bộ phụ trách công tác dân vận của đảng ủy. Với những cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn, cần tăng tiền lương, chế độ phụ cấp, thực hiện bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để họ yên tâm công tác, có hướng phấn đấu tốt, là lực lượng chủ yếu cho đảng ủy tạo nguồn cán bộ, công chức ở những nhiệm kỳ tiếp theo. Một số chức danh không chuyên trách (nhưng thực tế lại rất quan trọng, thường xuyên phải thường trực để giải quyết công việc ở xã) cần chuyển sang biên chế cán bộ hoặc công chức để đảm bảo quyền lợi gắn với trách nhiệm và đóng góp của họ, như: trưởng ban tổ chức, ban tuyên giáo, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và văn phòng đảng ủy xã; các phó trưởng công an, quân sự, phó các tổ chức chính trị - xã hội và một số chức danh khác thuộc sự quản lý của UBND xã. Ngoài ra, để phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn xóm, nên có chế độ phụ cấp đối với bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng các đoàn thể…
Chia tay, động viên nhau cùng cố gắng, dẫu biết rằng không phải mọi mong muốn dù xuất phát từ thực tiễn của các đồng chí ở Bình Thạnh có thể được giải quyết, lại càng không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng chúng tôi vẫn đinh ninh: Những trở trăn, những mong muốn của các đồng chí sẽ tiếp tục được nghiên cứu để cùng với nhiều nghiên cứu khác, ở phạm vi rộng hơn, làm sáng tỏ những nguyên nhân, những yếu tố khách quan, góp phần lý giải những điều đã và đang diễn ra, hướng tới những giải pháp toàn diện và đồng bộ nhất. Chúng tôi cùng chung suy nghĩ: Để tạo nguồn cán bộ đạt chuẩn, tiến tới nâng chuẩn theo kịp xu hướng phát triển của xã hội, Đảng ủy, chính quyền xã không thể xa rời khâu công tác tư tưởng, động viên ý thức tự đào tạo vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên, nhưng cũng rất cần sự quan tâm hỗ trợ về chủ trương, chính sách và chỉ tiêu đào tạo của cấp ủy cấp trên cũng như các đơn vị có liên quan. Để bố trí cán bộ đủ và đúng, công tác cán bộ phải mở rộng công khai, đảm bảo đúng quy trình, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, phải tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, trên cơ sở đó quy hoạch dài hơi, đào tạo có lộ trình, sát với năng lực, sở trường của cán bộ và gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi “cái gốc của mọi công việc” đạt chuẩn, mọi vấn đề của địa phương, từ phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân sẽ dễ dàng được giải quyết, tiềm năng đất đai, biển cả và con người được phát huy triệt để, bộ mặt nông thôn mới sẽ nhanh chóng hiện rõ nơi Bình Thạnh đầy nắng, gió, cát và tình người.
ThS. Trương Thị Bạch Yến
Học viện CT-HC khu vực III
Ảnh: Trần Thủy