Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Thừa Thiên Huế
Đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với Huyện ủy Phong Điền về công tác xây dựng đảng.

Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định: Cán bộ và công tác cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của chế độ và của đất nước trong mọi thời kỳ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Muốn có “cán bộ tốt” thì phải xây dựng được nguồn cán bộ, sau đó sẽ đào tạo, bồi dưỡng họ. Bước vào thời kỳ mới, Hội nghị Trung ương III (Khoá VIII) đã ra Nghị quyết về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”.

Quán triệt quan điểm, đường lối về công tác cán bộ của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV đã xác định: “Đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ CNH, HĐH. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ cho các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý đô thị, đáp ứng nhu cầu khi tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương... Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp; đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đổi mới, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp nhất là cấp xã, phường, thị trấn, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển...".

Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 17 đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ, trong đó có 9 đảng bộ huyện, thị, thành phố, 6 đảng bộ cấp trên cơ sở và 2 đảng bộ cơ sở trực thuộc với 707 tổ chức cơ sở đảng và hơn 39.000 đảng viên.

Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh đã được tiến hành đồng bộ ở các cấp, mỗi chức danh cán bộ đều được quy hoạch từ 2-3 người và một người quy hoạch từ 2-3 chức danh, số lượng quy hoạch ban chấp hành các cấp đều đạt hệ số theo quy định của Trung ương từ 1,5 lần trở lên (cấp tỉnh 2,24 lần, cấp huyện 2,03, cấp xã 1,9). Trình độ của cán bộ trong quy hoạch được nâng lên, số có trình độ đại học trở lên ở cấp huyện và tỉnh đạt 97,9%, trong đó sau đại học ở cấp tỉnh là 25,5%. Công tác quy hoạch cán bộ đã đổi mới cách làm theo hướng mở rộng dân chủ, khắc phục tình trạng quy hoạch cán bộ khép kín trong từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Trong xem xét, đánh giá, giới thiệu bổ sung và quyết định quy hoạch cán bộ đã thực hiện công khai, bảo đảm công bằng đi đôi với phát huy đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, các thành viên ban thường vụ cấp ủy và cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ. Chú trọng quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp trên, đồng thời, quy hoạch cấp trên đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho quy hoạch cấp dưới. Cách làm này đã phát huy được dân chủ trong Đảng, phát huy đầy đủ trách nhiệm và giữ vững quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, chủ động nguồn cán bộ, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Trong quy hoạch đã định kỳ bổ sung, điều chỉnh phù hợp với sự biến động; chú trọng phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ khoa học - kỹ thuật đủ phẩm chất chính trị, đạo đức; bảo đảm được yêu cầu về cơ cấu, số lượng, chất lượng, sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ. Xây dựng nguồn quy hoạch cán bộ cấp ủy và các chức danh chủ chốt theo đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Quy hoạch cán bộ được  thực hiện gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác nhận quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015 cho 17 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Trong đó, nhân sự ban chấp hành 714 đồng chí, ban thường vụ 193 đồng chí và các chức danh chủ chốt 320 đồng chí; xác nhận quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cho 46 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm. Đó là: Một số cấp ủy quy hoạch chưa có tầm nhìn xa, chưa đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi. Quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch có nơi chưa căn cứ vào kết qủa đánh giá cán bộ, chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ, chưa thật sự đầu tư, quan tâm đúng mức trong tìm tòi, phát hiện nhân tố mới để bổ sung nguồn quy hoạch,  chưa gắn kết chặt chẽ với các khâu đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm có nơi thiếu kịp thời, còn lúng túng về cách làm và nguồn cán bộ để đưa vào quy hoạch. Chất lượng quy hoạch cán bộ ở một số nơi không đồng đều. Trình độ và cơ cấu ngành nghề của cán bộ trong quy hoạch ở một số địa phương, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật đưa vào quy hoạch còn thấp.

Từ thực tiễn, rút ra một số kinh nghiệm

Một là: Quán triệt sâu sắc chủ trương nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về công tác quy hoạch cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Việc quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng. Thường xuyên tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên để nâng cao lập trường tư tưởng, phát huy tinh thần tự học tập, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mở rộng dân chủ, công khai trong công tác quy hoạch cán bộ.

Hai là: Thực hiện tốt và thường xuyên công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm trước khi đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo đúng quy trình, thực sự khách quan, trung thực để phát hiện nhân tố tích cực. Thực hiện chính sách thu hút nhân tài và bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc, gắn với việc luân chuyển cán bộ trong quy hoạch, tạo điều kiện để cán bộ phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm công tác.

Ba là: Công tác quy hoạch phải thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, đảm bảo khách quan, dân chủ, xây dựng quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở xây dựng quy hoạch cán bộ cấp trên. Tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận lịch sử chính trị đối với cán bộ có liên quan đến lịch sử chính trị trước khi đưa vào danh sách quy hoạch cán bộ.

Bốn là: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ đồng bộ ở các cấp; kết hợp xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý với quy hoạch cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh, cán bộ làm công tác khoa học, cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Năm là: Gắn chặt các khâu cơ bản trong công tác cán bộ: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, thực hiện chính sách bảo đảm vật chất, động viên tinh thần. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và xác nhận quy hoạch cán bộ, các cấp ủy tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ phù hợp với chức danh đã được quy hoạch.

Để thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch cán bộ trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp ủy đảng tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, thực hiện đúng quan điểm, nguyên tắc, phương châm, nội dung và phương pháp của công tác quy hoạch cán bộ trong các cấp ủy đảng. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đặc biệt là quán triệt, thực hiện có hiệu quả và đồng bộ nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; trong đó, đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có tầm nhìn chiến lược cho cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện và cơ sở đủ phẩm chất, năng lực, đảm bảo 3 độ tuổi, có tính kế thừa, phát triển, đáp ứng nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Song song với công tác quy hoạch cán bộ, đẩy mạnh công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ, đồng thời thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương.

Kịp thời kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ các cấp, các ngành đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Phát triển nguồn nhân lực toàn diện cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, phân bổ nhân lực hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Công tác quy hoạch cán bộ phải đi trước một bước, thực sự có tầm nhìn xa và bảo đảm tính kế thừa, trong đó cần triển khai tích cực việc chuẩn bị bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng cao hơn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới - giai đoạn chuyển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, bảo đảm quy hoạch ở tầm nhìn rộng, không bó hẹp trong từng ngành, từng địa phương; một người quy hoạch 2-3 chức danh và một chức danh quy hoạch 2-3 người; tập trung đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, chiều hướng và khả năng phát triển của cán bộ để làm căn cứ cho việc quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bố trí.

Phải đặc biệt quan tâm quy hoạch cán bộ nữ, phấn đấu cán bộ nữ, trẻ tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2015-2020 đạt tỷ lệ theo quy định của Trung ương, không dưới 20%.

3. Đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ đồng thời đổi mới đồng bộ các khâu khác trong công tác cán bộ, trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Căn cứ vào trình độ, năng lực, sở trường để quy hoạch cán bộ. Tiếp tục xây dựng, cụ thể hóa các tiêu chuẩn cho từng loại chức danh để làm cơ sở đánh giá, lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch, đồng thời là căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới.

4. Chú trọng phát hiện, tạo nguồn cán bộ, nhất là quan tâm đến những sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi đưa về cơ sở để đào tạo từ đó chọn nguồn quy hoạch cán bộ lâu dài cho tỉnh. Đồng thời, tuyển chọn tài năng trong các phong trào đoàn nhằm đa dạng nguồn quy hoạch đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

5. Cấp ủy các cấp chỉ đạo bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ tiến hành rà soát, thẩm tra, xác minh, kết luận theo phân cấp quản lý cán bộ. Không đưa vào quy hoạch đối với những trường hợp có vấn đề cần xem xét về chính trị chưa được cấp có thẩm quyền kết luận.

Đề nghị Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết một số vấn đề sau:

1. Trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay có quy định không quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ. Đây là một vấn đề khó, còn lúng túng cho cấp xã trong công tác quy hoạch cán bộ. Hiện nay có tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ song vẫn đảm bảo độ tuổi quy hoạch, nhưng tại đơn vị thì không thể quy hoạch tiếp tục được do vướng quy định của Trung ương cho nên giải quyết chính sách cho cán bộ là rất khó khăn.

Việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 theo Hướng dẫn số 22 của Ban Tổ chức Trung ương không nói đến độ tuổi đối với những đồng chí cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ cấp ủy tái cử để đưa vào quy hoạch cho nên cơ sở cũng gặp khó khăn.

2. Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm quyết định giao chỉ tiêu biên chế, đồng thời tăng thêm biên chế cho tỉnh để chủ động sắp xếp đội ngũ cán bộ theo Quy định 222-QĐ/TW ngày 8-5-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đồng thời, sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Quy định 222-QĐ/TW ngày 8-5-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để thống nhất về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy trong toàn quốc.

3. Trung ương sớm ban hành chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong phạm vi toàn quốc, tạo được động lực động viên, khuyến khích cán bộ được luân chuyển. Ngoài việc giữ nguyên lương, quan tâm thoả đáng việc nâng lương định kỳ và nâng lương trước thời hạn. Nếu cán bộ được luân chuyển đang công tác trong các cơ quan có phụ cấp nghề nghiệp như công tác đảng, kiểm tra đảng, thanh tra nhà nước thì thời gian luân chuyển vẫn được hưởng khoản phụ cấp như ở cơ quan cũ.

Ngoài chính sách chung, tuỳ theo đặc điểm của từng vùng, địa phương và từng ngành, Trung ương nên cho một cơ chế linh hoạt để các địa phương được vận dụng thêm chế độ, chính sách hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển nhằm động viên, khuyến khích cán bộ luân chuyển yên tâm công tác.

4. Quan tâm hơn đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng gắn với chức danh cán bộ, chú trọng nhiều về kỹ năng. Hằng năm, mở các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở trong nước, được cử đi học ở nước ngoài.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất