Đảng bộ huyện Gia Bình (Bắc Ninh) lãnh đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Một góc huyện Gia Bình

Ủy ban kiểm tra các cấp trong đảng bộ huyện đã kiểm tra theo Điều 30, Điều lệ Đảng được 235 lượt tổ chức đảng và 428 lượt đảng viên; kiểm tra theo Điều 32 - Điều lệ Đảng đối với tổ chức đảng cấp dưới được 248 lượt; kiểm tra việc kỷ luật trong đảng được 197 lượt. Quá trình kiểm tra được thực hiện theo đúng quy định, Điều lệ của Đảng, phát hiện kịp thời tổ chức và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, kết luận đúng việc, đúng lỗi vi phạm. Theo đó, ủy ban kiểm tra các cấp đã quyết định xử lý kỷ luật 148 đảng viên.

Nhiệm vụ giám sát được tăng cường, cấp uỷ và ủy ban kiểm tra các cấp đều có nghị quyết phân công cấp uỷ viên thực hiện nhiệm vụ giám sát của Đảng, đồng thời thành lập 8 đoàn công tác giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện uỷ. Ủy ban kiểm tra hai cấp đã thực hiện giám sát thường xuyên đối với 234 tổ chức đảng và 456 lượt cấp uỷ viên.

Qua kiểm tra, giám sát, ủy ban kiểm tra hai cấp đã kịp thời phát hiện tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, kết luận kiểm tra, giám sát đúng người, đúng việc, đúng lỗi vi phạm; việc xử lý đảng viên vi phạm được các tổ chức xử lý nghiêm minh, kịp thời, đã có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa đảng viên vi phạm; phát huy được tính chiến đấu của từng cấp uỷ viên, đảng viên trên tinh thần xây dựng với ý thức tự phê bình và phê bình. Động viên tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời chỉ ra khuyết điểm, tồn tại cần khắc phục, qua đó đã nâng cao chất lượng, hiệu qủa công tác xây dựng đảng, chất lượng lãnh đạo chỉ đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát còn tồn tại, hạn chế là: Một số tổ chức cơ sở đảng và đảng viên nhận thức về vai trò, nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác kiểm tra chưa đúng mức, có nơi lựa chọn nội dung kiểm tra, giám sát còn chưa sát với thực tế, nên kết quả chưa toàn diện, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế. Một số ủy ban kiểm tra ở cơ sở chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc tham mưu giúp cấp uỷ, chưa thực sự chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định. Việc chủ động phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đạt kết quả chưa cao, có trường hợp vi phạm đã rõ thì mới tiến hành kiểm tra nên tác dụng giáo dục, ngăn ngừa vi phạm  còn hạn chế. Việc xem xét, xử lý hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý kỷ luật Đảng, có trường hợp chưa kịp thời, chưa đúng tính chất, tác hại và mức độ của sai phạm.

Tieps tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thời gian tới, cấp uỷ và ủy ban kiểm tra các cấp của Đảng bộ huyện Gia Bình xác định thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai Điều lệ Đảng, nghị quyết đại hội đảng các cấp, các quy định của Trung ương, của các cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát đến các tổ chức đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, quy chế, quy trình kiểm tra, giám sát của đảng bộ trong nhiệm kỳ; đồng thời phân công, tổ chức lực lượng thực hiện chương trình, kế hoạch bảo đảm hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành quy chế làm việc của cấp uỷ. Nhất là những biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ; suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, lãng phí; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.

Thứ ba, đổi mới hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp, đổi mới hoạt động công tác kiểm tra, giám sát; cần xác định rõ nội dung, đối tượng được kiểm tra, giám sát phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị; thực hiện tốt phương châm “giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”. Đồng thời nắm vững thẩm quyền, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên, sự đồng thuận của cơ quan chức năng, để làm cho công tác kiểm tra, giám sát thật sự  có vai trò thúc đẩy sự hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Thứ tư, ủy ban kiểm tra các cấp cần khắc phục tình trạng thụ động, chạy theo vụ việc; cần có sự linh hoạt trong nắm tình hình và chủ động đề xuất chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp uỷ theo từng thời gian, nội dung cụ thể cho phù hợp; tránh lối tư duy né tránh, ngại va chạm. Gắn quá trình kiểm tra, giám sát với thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thứ năm, đổi mới công tác tuyển chọn, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, bố trí, luân chuyển, sử dụng và khen thưởng cán bộ làm công tác kiểm tra, để làm cơ sở cho cán bộ phấn đấu, rèn luyện và xem xét, xử lý trách nhiệm khi có khuyết điểm, vi phạm. Có chính sách hợp lý để thu hút, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp công tác khoa học.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất