Đảng bộ huyện Trần Đề lãnh đạo xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trần Đề là huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng, nằm ở cuối hạ lưu sông Hậu, được thành lập tháng 4 năm 2010 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Mỹ Xuyên và huyện Long Phú. Huyện có 11 đơn vị hành chính gồm 9 xã, 2 thị trấn (Trần Đề và Lịch Hội Thượng) với diện tích tự nhiên là 37.785ha, dân số trên 133.600 nhân khẩu (31478 hộ); trong đó, dân tộc Khmer chiếm 48.70%, số còn lại là các dân tộc khác.

Quán triệt chủ trương của Đảng về việc “Phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc”(1), trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và các cấp ủy cơ sở, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở huyện Trần Đề đã đạt được những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt, an ninh-quốc phòng được đảm bảo. Sự khởi sắc trong việc giảm nghèo tại huyện Trần Đề là do sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của huyện luôn quan tâm đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dân tộc thiểu số, với quan điểm “Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo… ưu tiên đầu tư các dự án có hiệu quả trong vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc Khmer”(2) và được thể hiện ở những vấn đề sau:

1. Phát huy điều kiện tự nhiên thuận lợi trong phát triển kinh tế

Nằm ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, nên huyện Trần Đề có lợi thế về phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản và chăn nuôi đại gia súc. Để phát huy tốt những lợi thế đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ I của huyện đã chỉ rõ: “Trong những năm tới, kinh tế chủ lực của Trần Đề vẫn là nông nghiệp…, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nhất là kinh tế biển, xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, thủy hải sản là mũi nhọn, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp và thương mại dịch vụ… Khai thác có hiệu quả, tiềm năng lợi thế của địa phương”(3). Với việc xác định và phát huy đúng tiềm năng, lợi thế của huyện nên những năm qua sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Diện tích trồng lúa năm của 2013 của huyện là 47.691ha, đạt 105,51% kế hoạch, đặc biệt đã đưa hơn 85% các giống lúa mới vào gieo trồng, nên tổng sản lượng thu hoạch được 283.361 tấn, đạt 104,48% kế hoạch. Việc đưa các giống lúa mới vào trong sản xuất không chỉ giúp phòng tránh được các loại dịch bệnh mà năng suất cũng được tăng lên, giúp cho nhiều hộ đồng bào có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc đưa các loại giống mới vào trong gieo trồng thì việc cơ giới hóa vào sản xuất cũng được huyện chú trọng. Công tác tưới tiêu bằng cơ giới hóa của toàn huyện đạt 100%, việc phòng trừ dịch bệnh bằng máy, máy gặt đập liên hợp chiếm trên 90%. Việc làm này không chỉ giúp giảm chi phí trong sản xuất mà còn giải quyết được bài toán thiếu lao động của địa phương, nhất là trong việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn.

 Đảng bộ cũng chú trọng chỉ đạo việc nuôi trồng thủy sản, năm 2013, huyện có 2.950 ha nuôi trồng thủy hải sản, trong đó thâm canh 1.221 ha, quảng canh 835 ha, tôm thẻ 894 ha. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 39.691 tấn (tăng 136 tấn so với năm trước). Tuy nhiên, hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi, do dịch bệnh, giá con giống, thức ăn, điện, xăng, dầu vật tư luôn ở mức cao, giá tôm nuôi thành phẩm và các loại hải sản khai thác giảm mạnh đã gây ảnh hưởng  không nhỏ đến đời sống của người dân. Trước những khó khăn trên, để hỗ trợ cho đồng bào trong nuôi trồng, Đảng bộ đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát lập danh sách hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tái sản xuất để đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ và đã có 641 hộ được xem xét, cùng với diện tích 1.160,85 ha, tương ứng số tiền 5 tỷ 191 triệu đồng.

Thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc, việc nuôi bò sữa được đồng bào đầu tư hiện có khoảng gần 4.200 con, tận dụng tối đa quỹ đất bạc màu, đất nhiễm mặn, nhiễm phèn và các bờ kênh, rạch để trồng cỏ, thực sự giúp cho đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững. Bởi tính theo giá sữa hiện tại của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long là 12.500đ/lít và mỗi con bò có thể cho từ 15 đến 20 lít/ngày.

Nhờ có chủ trương đúng đắn trong việc phát huy lợi thế của địa phương trong việc tăng năng suất của cây lúa nước, mở rộng nuôi trồng thủy sản và phát triển chăn nuôi gia súc, nên đồng bào các dân tộc thiểu số huyện có cuộc sống ổn định hơn, tỷ lệ các hộ gia đình khá giả tăng; có gia đình thu nhập hàng năm lên tới trên 400 triệu đồng nhờ trồng trồng lúa nước, trên 200 triệu nhờ nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi bò sữa.

2. Tranh thủ các nguồn lực


Đảng bộ huyện Trần Đề quán triệt chủ trương “Tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… Huy động vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm như giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, sản xuất nông nghiệp, nông thôn mới…”(4). Chủ trương này đã giúp các hộ nghèo có nhiều cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ các chương trình như Chương trình 135; Chương trình 30a nhằm cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình xóa đói và giảm nghèo; Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình bảo hiểm y tế cho người nghèo... Những chương trình và chính sách này đã làm gia tăng các cơ hội cho các hộ nghèo hưởng lợi từ thành tựu phát triển kinh tế và giúp họ cải thiện điều kiện sống cũng như tăng cơ hội để thoát nghèo.

Để triển khai công tác xóa đói giảm nghèo có hiệu quả, Đảng bộ đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo các cấp. Theo đó, tiến hành củng cố và kiện toàn bộ máy, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, hàng năm Ban chỉ đạo các cấp đều có xây dựng kế hoạch công tác và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án. Đặc biệt, các dự án vay vốn phục vụ chương trình giảm nghèo, như dự án vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, vay vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer đặc biệt khó khăn và các nguồn vốn tài trợ khác… Theo đó, các chương trình, dự án đã góp phần tạo được nguồn vốn không nhỏ cho đồng bào, như hỗ trợ trực tiếp (Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ) cho 73.222 nhân khẩu với số tiền 6 tỷ 692 triệu đồng; vốn cho đất sản xuất và chuyển đổi ngành nghề (Quyết định 74/2008) với số tiền trên 19 tỷ 570 triệu đồng; về xây dựng mới và xóa bỏ nhà tạm (Quyết định 167), với số tiền gần 17 tỷ đồng cho 1.997 căn nhà tạm… Ngoài ra, mặt trận và các tổ chức thành viên còn vận động, quyên góp từ các nguồn lực trong và ngoài huyện để xây dựng được 239 ngôi nhà cho các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 2.999 tỷ đồng… Nhờ tranh thủ tốt các nguồn lực của Trung ương và địa phương nên đã tạo thế và lực cho huyện Trần Đề làm tốt và có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc.

3. Tích cực khơi dậy tính cần cù, chịu khó của đồng bào để vượt khó, vươn lên thoát nghèo


Với chủ trương “Tích cực vận động nhân dân, tạo mọi điiều kiện để khuyến khích phát triển kinh tế”(5). Đây là yếu tố được xem là chủ đạo cho công cuộc thoát nghèo bền vững, bởi nếu không có sự vận động đồng bào chịu khó làm ăn, biết tính toán thì dù tài nguyên thiên nhiên có ưu đãi cũng như sự hỗ trợ về mọi mặt của Nhà nước hay cộng đồng thì cũng rất khó để thoát nghèo. Trên thực tế đã có rất nhiều gia đình của đồng bào khi được thụ hưởng hỗ trợ bằng vật chất của Đảng, Nhà nước đã thoát nghèo, nhưng sau đó lại tái nghèo trở lại. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động đồng bào cần cù chịu khó trong lao động, biết tính toán làm ăn, ý thức tự lực, tự cường, không chịu bó tay trước hoàn cảnh khó khăn, quyết chí vươn lên là nhân tố hết sức quan trọng để vươn thoát khỏi cảnh đói nghèo bền vững của đồng bào các dân tộc ở Trần Đề.

Có thể thấy, qua 3 năm, số hộ nghèo trong huyện đã giảm đi rõ rệt, từ 4.195 hộ năm 2011 (trong đó dân tộc Khmer có 2.499 hộ) đến năm 2013 đã giảm xuống còn 1.547 hộ (dân tộc Khmer còn 815 hộ)”(6). Đồng thời, tỷ lệ các gia đình khá giả và giàu có ngày một tăng. Vì vậy, đồng bào yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quyết chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

 

TS. Hoàng Hữu Bình – Lê Thanh Bình

Trường Cán bộ dân tộc - Ủy ban Dân tộc



------------

Tài liệu tham khảo:

(1). Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 79.

(2), (3), (4), (5). Đảng bộ huyện Trần Đề: Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ I, nhiệm kỳ 2010 – 2015, (Lưu hành nội bộ), năm 2010, tr. 35, 24, 29, 26.  

 (6). Phòng Lao động Thương binh, Xã hội huyện Trần Đề: Báo cáo hội thảo khoa học “Nghiên cứu xu thế biến đổi, đề xuất các giải pháp cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế”, tháng 4, năm 2014. tr. 2.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất