Tình hình
Ngày 20-3-2014, tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Công ty tư nhân Quang Thuận (được UBND tỉnh cấp phép hoạt động) triển khai lực lượng, công cụ khai thác cát đen (titan) thì có hàng trăm người dân (đa số là phụ nữ và trẻ em) ở 2 thôn của xã này kéo đến công trường ngăn chặn, phản đối không cho khai thác; mặc dù có lực lượng bảo vệ đứng ra vận động, thuyết phục, nhưng dân không ra về, một số người còn tỏ thái độ hung hăng, lăng mạ cán bộ chính quyền, xô xát với cán bộ, chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ.
Buổi chiều cùng ngày, họ kéo đến trụ sở UBND xã tiếp tục gây rối, chửi bới, tung hô khẩu hiệu “đả đảo cát đen”; sau đó lại tiếp tục kéo đến công ty gây rối doanh nghiệp. Liên tiếp trong các ngày sau đó, dân tụ tập kéo về trụ sở UBND xã và công ty họ dùng loa cầm tay hò hét, chửi bới, tháo dỡ vật dụng, tài sản của công ty; một số đối tượng quá kích bị ta bắt giữ...
Trong 3 ngày 26, 27 và 28-3-2014, họ kéo lên trụ sở UBND tỉnh để gây áp lực, đòi dừng việc khai thác titan, thả người vừa mới bị bắt; dùng gạch, đá, chai nước tấn công lực lượng chức năng đang thực thi nhiệm vụ, gây cản trở giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội của địa phương.
Sau khi xảy ra sự việc, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các lực lượng trong hệ thống chính trị của tỉnh, huyện xuống phối hợp giải quyết ráo riết, đến đầu tháng 4-2014 tình hình ổn định trở lại.
Nguyên nhân
Những vấn đề bức xúc của dân không được giải quyết dứt điểm, bị dồn nén quá lâu và khi có cơ hội bùng lên thành “điểm nóng”. Được biết, đây không phải là lần đầu dân phản đối, cản trở không cho khai thác cát đen (lần đầu vào khoảng tháng 11-2012; lần 2 vào khoảng tháng 5-2013), một số hộ dân đã kéo đến công ty cản trở, không cho khai thác, vì: nơi khai thác gây sạt lở khu vực dân đang sinh sống; giếng nước sinh hoạt của dân bị hụt nước và nhiễm mặn do công ty khai thác nước ngầm để phục vụ tuyển quặng; không khôi phục kịp thời môi trường dẫn đến cát bay vùi lấp mồ mả của dân (đến thời diểm xảy ra điểm nóng có 82 ngôi mộ bị vùi lắp dưới cát). Tỉnh ra quyết định tạm dừng khai thác để công ty khắc phục sự cố nhưng việc khắc phục vẫn chưa có hiệu quả.
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa tốt, để có đất làm nhà máy điện hạt nhân và đường ven biển, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Quang Thuận khai thác thu hồi quặng titan nằm trong dự án nói trên; đây là một chủ trương đúng, nhưng công tác tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục nhân dân trước khi thực hiện chủ trương khai thác thu hồi titan làm chưa tốt; Trung ương, tỉnh, huyện biết, còn cấp ủy, chính quyền và dân ở xã Phước Dinh - những người bị thu hồi đất không được biết và do đó cũng không được bàn bạc gì khi thực hiện dự án này; thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp, dân hỏi dân có lợi gì, không ai trả lời; sự thật đang diễn ra là dân bị mất đất, còn việc làm của công ty thì ảnh hưởng đến cuộc sống dân.
Một số vấn đề về an sinh xã hội ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức: Phước Dinh là xã ven biển nằm về hướng Đông Nam của huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Phước Dinh do có địa hình đồi núi hiểm trở nên nơi đây đã trở thành căn cứ địa vững chãi, bàn đạp quan trọng giúp lực lượng ta tấn công địch, phát triển phong trào cách mạng của tỉnh Ninh Thuận. Năm 1994, xã Phước Dinh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang. Nhưng hiện đường về xã vẫn còn khó khăn; nhà truyền thống, trạm y tế xuống cấp; những hạn chế trên đã bị kẻ xấu kích động, gây mất đoàn kết trong dân.
Hệ thống chính trị ở cơ sở chưa đủ mạnh: Đảng bộ xã có 77 đảng viên, vai trò nòng cốt, gương mẫu của đảng viên mờ nhạt; đảng viên, cán bộ xã không dám đối thoại trực tiếp với dân; người đứng ra bảo vệ, đấu tranh chống tiêu cực, bị kẻ xấu “nhắn tin” đe dọa; một số phần tử dùng tiền để mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo dân đi khiếu kiện nhưng chính quyền địa phương bất lực, chưa phát hiện được ai đứng sau giật dây (dân nói: có người lo tiền mua gạo, lo tiền xe để đi khiếu kiện).
Cách thức xử lý
Trước hết, Tỉnh ủy và các cấp ủy địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ổn định tình hình, không để xảy ra “điểm nóng”, không để lây lan sang địa bàn khác; chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh giải quyết thấu đáo những vấn đề bức xúc của dân có liên quan đến an sinh xã hội một cách đồng bộ, không để tạo cớ, không để kẽ hở cho phần tử xấu lợi dụng kích động.
Cả hệ thống chính trị tập trung giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở, không để dân tụ tập đông người kéo về huyện, về tỉnh; UBND tỉnh, các ban đảng, đoàn thể tỉnh, cơ quan quân sự, công an, biên phòng tỉnh tăng cường chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời đề xuất hướng xử lý cho Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy, hỗ trợ huyện lập lại trật tự trên địa bàn; xử lý vụ việc đúng quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho dân hiểu rõ; vận động nhân dân chấp hành pháp luật của Nhà nước và kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật; lập tổ công tác của tỉnh, huyện xuống địa bàn tham gia công tác vận động quần chúng; tổ chức đối thoại trực tiếp với dân; đặc biệt nắm chắc đối tượng để có biện pháp tuyên truyền, cảm hóa, phân hóa, ngăn chặn sự kích động, lôi kéo làm phức tạp thêm tình hình.
Kiện toàn, củng cố kịp thời hệ thống chính trị xã Phước Dinh và huyện, nhất là tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã (rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, nhân sự chủ chốt và các chế độ chính sách…).
Kinh nghiệm
Vấn đề đặt ra là, vì sao dân ta lại tụ tập khiếu kiện đông người như vậy? Dưới góc độ người làm công tác tổ chức xây dựng đảng, từ sự việc trên, xin mạnh dạn nêu một số bài học kinh nghiệm sau:
Cấp ủy đảng phải lắng nghe, sâu sát cuộc sống của dân, không coi đó là việc của chính quyền, đoàn thể; những yêu cầu chính đáng cũng như những vấn đề bức xúc của dân, cấp ủy đảng phải chỉ đạo xem xét giải quyết ngay một cách thấu đáo, không để nhiều vụ việc bị dồn nén trong dân, nếu những bức xúc của dân bị dồn nén, khi có cơ hội dễ bùng lên thành “điểm nóng”. Trách nhiệm để xảy ra “điểm nóng” trước hết là người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền ở địa phương, cơ sở.
Luôn coi trọng củng cố lòng tin của dân với Đảng, vì nếu dân không có “niềm tin” với Đảng, với chính quyền thì dân sẽ “tin” và nghe theo những người xấu dụ dỗ, lôi kéo, kích động chống Đảng, chống chính quyền. Cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở nói đi đôi với làm để dân tin, dân ủng hộ. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc gì liên quan đến đời sống, quyền lợi chính đáng của dân phải tuyên truyền, giải thích cho dân biết, đưa ra dân bàn thảo và lắng nghe ý kiến của dân…đó là cách tốt nhất để lấy lại niềm tin của dân đối với Đảng.
Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, bảo đảm lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời có đủ năng lực, bản lĩnh và kỹ năng giải quyết các vấn đề nổi cộm, phức tạp nảy sinh. Trên thực tế đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu, chưa đủ sức để giải quyết những vấn đề nổi cộm ở địa phương, một số cán bộ còn nhũng nhiễu, hạch sách dân, đây là một nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện. Dó đó, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cở sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đang là nhiệm vụ cấp thiết của các cấp ủy.
Giải quyết những vấn đề bức xúc của dân, không để dân tụ tập, khiếu kiện đông người, không để xảy ra “điểm nóng” đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay ở nhiều tỉnh, thành phố; cùng với tập trung phát triển khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, khu đô thị… phải hết sức chú hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng kinh tế phát triển với vùng kém phát triển, chú ý hài hòa lợi ích của dân, của nhà nước và doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng kháng chiến, những yêu cầu trên phụ thuộc rất nhiều vào năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Nguyễn Việt Hùng
Hàm Vụ trưởng Vụ Địa phương III, BTCTƯ