Huyện đảo Cô Tô- 20 năm xây dựng và phát triển
Cô Tô đổi mới.
Là một huyện nghèo từ khi mới thành lập, Cô Tô phải đối mặt với bộn bề khó khăn từ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu, chậm phát triển, đời sống nhân dân kinh tế mới trên đảo không ổn định, trong đó, ba vấn đề khó khăn nhất của huyện là: giao thông, điện, nước sinh hoạt.

Thực hiện công cuộc đổi mới, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư hỗ trợ của Trung ương, tỉnh; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền các cấp; sự đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn vươn lên của nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn huyện; phát huy nội lực, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sau 20 năm thành lập Cô Tô đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội...

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá hàng năm ở mức 14%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 400USD (năm 2000) lên 900USD (năm 2010) và 1.200USD (năm 2013). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng trong đó lĩnh vực ngư nghiệp được xác định là mũi nhọn với tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt mức tăng trung bình hàng năm 184,3% so với kế hoạch được giao. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là điều kiện vô cùng thuận lợi để huyện đảo phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu nghề, trong đó nghề khai thác được cơ cấu lại theo hướng hợp lý.

Nông nghiệp đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật sản xuất ngày càng hoàn thiện, nhiều công trình thủy lợi đầu mối quan trọng được xây dựng đảm bảo ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Bước đầu hình thành cơ sở sản xuất, dịch vụ nông nghiệp như tổ hợp, hợp tác xã gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đưa giống cây trồng có năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương vào sản xuất, đã đưa năng suất lúa từ 15 tạ/ha (năm 2000) lên 39-50 tạ/ha trong những năm gần đây.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được xác định là một trong những chương trình trọng tâm. Khẩu hiệu “Quyết tâm xây dựng nông thôn mới” đã trở thành ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị của huyện, từ đó phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu sắc từ suy nghĩ đến hành động của người dân. Đến năm 2013 tại 2 xã xây dựng nông thôn mới đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, hoàn thành sớm 2 năm so với kế hoạch và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận.

Giao thông, điện, nước là những ước mơ lớn nhất của người dân huyện đảo từ bao đời nay và đang từng bước được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hiện thực hóa. Giao thông đi lại giữa đảo và đất liền ngày càng phát triển và thuận tiện. Với một tàu công tác kết hợp chở khách ra đảo năm 1994, đến nay đã có tám phương tiện vận tải khách, thời gian đi lại cũng được rút ngắn từ 3-4 giờ xuống còn 1-1,5 giờ, lưu lượng hành khách tăng từ 10.000-20.000 lượt người/năm lên 50.000-150.000 lượt người/năm. Nước sinh hoạt trước đây phải đối mặt với hạn hán, thiếu thốn, đến nay huyện đã có 3 trung tâm cấp nước sinh hoạt đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 95% hộ dân nông thôn và 100% hộ dân đô thị. Cô Tô được coi là nơi có giá thành điện đắt đỏ nhất cả nước do nguồn điện cung cấp từ trạm cấp điện đi-ê-zen và mỗi ngày chỉ hoạt động 4-5 giờ vào buổi tối. Tháng 10-2012, dự án đưa điện lưới ra đảo đã được khởi công và hoàn thành sau một năm, với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh.

Cùng với việc phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được quan tâm và chú trọng. Trước năm 2000, hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông thấp kém, chưa được phủ sóng điện thoại di động… Đến nay, hệ thống truyền thanh, truyền hình nâng cấp đảm bảo thời lượng truyền thanh 2 buổi/ngày, liên tục 6 ngày/tuần; truyền hình chuyển tiếp 2 kênh trong cùng thời gian, 100% các hộ dân có đầu thu truyền hình kỹ thuật số VTC; viễn thông không ngừng phát triển với 100% các xã và vùng biển đảo được phủ sóng điện thoại di động. Năm 2012, Cô Tô là địa phương đầu tiên trong cả nước phủ sóng wifi phục vụ cán bộ, nhân dân và khách du lịch truy cập in-tơ-nét miễn phí. Tính đến năm 2013, toàn huyện có 8/12 khu dân cư tiên tiến, số hộ gia đình văn hóa đạt 73,2%, 100% thôn khu có nhà văn hóa đạt chuẩn. Năm 2010, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Cô Tô danh hiệu “Đơn vị điển hình về văn hóa giai đoạn 2003-2010”.

Giáo dục và đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định. Chương trình Kiên cố hóa trường học, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã hoàn thành, 100% trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện chương trình Tin học hóa trường học, đầu tư trang thiết bị trường học, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên yên tâm đứng lớp. Số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng (năm 2000 có 4 em; năm 2012 có 35 em; năm 2013 có 47 em).

Quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, những năm qua công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền được quan tâm. Đến nay toàn huyện có 22 TCCSĐ với 5 đảng bộ cơ sở và 17 chi bộ trực thuộc, 474 đảng viên. Hiện nay, số cơ sở đảng trực thuộc tăng 6 lần, đội ngũ đảng viên tăng 7,5 lần so với năm 1994. Chất lượng đảng viên và cơ sở đảng được nâng cao, tỷ lệ cơ sở đảng trong sạch vững mạnh hằng năm đạt từ 80-85%, không có cơ sở đảng yếu kém. Đảng bộ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị góp phần tạo chuyển biến thực sự về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và phẩm chất, chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên.

Nhìn lại bức tranh sau 20 năm thành lập và phát triển, Cô Tô tự hào trước những thành tựu to lớn cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Một Cô Tô khang trang, một huyện biển đảo đang hiện diện đã khẳng định tầm nhìn, vai trò to lớn của Đảng bộ cùng những nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân nơi đây. Chặng đường phía trước đang mở ra cho Cô Tô nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cô Tô tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; không ngừng đổi mới, quyết tâm xây dựng quê hương Cô Tô, vững bước hòa nhịp cùng tỉnh Quảng Ninh và cả nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất