Đánh giá, xếp loại đảng bộ cấp trên cơ sở được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức triển khai từ năm 1990 (lúc đó là tỉnh Nghệ Tĩnh). Quyết định số 17-QĐ/TW, ngày 15-9-1987 của Trung ương về việc công nhận đảng bộ các huyện, quận, thị vững mạnh đã nêu rõ: “Xây dựng đảng bộ huyện, quận, thị và cơ sở vững mạnh là trách nhiệm thường xuyên của các cấp ủy. Các tỉnh, thành ủy chịu trách nhiệm trước Trung ương về tình hình các đảng bộ huyện, quận, thị và đơn vị trực thuộc. Huyện, quận, thị ủy chịu trách nhiệm trước tỉnh, thành ủy về các đảng bộ cơ sở trực thuộc”. Theo tinh thần đó Trung ương giao cho BCH đảng bộ các tỉnh, thành ủy trực tiếp xem xét và quyết định biểu dương các đảng bộ cấp huyện đạt yêu cầu vững mạnh.
Qua gần 25 năm thực hiện chúng tôi nhận thấy: Đánh giá, xếp loại đảng bộ cấp trên cơ sở là một nhiệm vụ cần thiết và là một khâu quan trọng trong công tác xây dựng đảng ở cấp huyện, quận và đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy. Qua đánh giá, xếp loại hàng năm của tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị tự đánh giá, xem xét việc thực hiện những nghị quyết, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà đảng bộ mình đề ra từ đầu năm, thấy được ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế, từ đó tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong năm tới. Mặt khác, kết quả xếp loại đảng bộ cấp trên cơ sở là căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhất là gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đây cũng là thành tố quyết định các danh hiệu thi đua, khen thưởng hàng năm, nhiệm kỳ đối với các tập thể, cá nhân, từ đó động viên, khuyến khích tạo phong trào thi đua giữa các đảng bộ.
Từ việc tham mưu quyết định biểu dương đảng bộ huyện vững mạnh theo nhiệm kỳ 2 năm (1987-1988, 1989-1990..), từ năm 2002, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hệ thống các quy định, bảng điểm đánh giá, xếp loại đảng bộ cấp trên cơ sở, bao gồm: Quy định nội dung, phương pháp đánh giá, xếp loại đảng bộ huyện, thành, thị; đảng bộ Quân Sự, Công An cấp trên cơ sở; đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Khối các Doanh Nghiệp tỉnh; đảng bộ tổng công ty… Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương, nhiệm vụ chính trị hàng năm hoặc nhiệm kỳ của địa phương, đơn vị để có sự bổ sung, điều chỉnh hoặc thay thế các quy định nêu trên theo từng thời điểm phù hợp. (hiện nay, Tỉnh ủy Nghệ An đang thực hiện các quy định ban hành năm 2011, có bổ sung một số nội dung về thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đẩy tiến độ đánh giá, xếp loại đảng bộ cấp trên cơ sở hoàn thành trước 15-12, tỉnh tổng kết công tác xây dựng đảng trước 31-12 hằng năm).
Về nội dung đánh giá và tiêu chí xếp loại đảng bộ cấp trên cơ sở, chúng tôi đề ra các quy định như sau:
Thứ nhất, nội dung đánh giá tập trung vào 5 nhiệm vụ: lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng; lãnh đạo xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng đảng; lãnh đạo thực hiện việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. (đây là nội dung được chỉ đạo, đánh giá thường xuyên của các cấp ủy).
Thứ hai, căn cứ vào các nội dung đánh giá để cụ thể hóa thành các tiêu chí xếp loại chất lượng, với tổng số điểm tối đa là 100: Lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, quốc phòng - an ninh: 30 điểm; lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng: 15 điểm; lãnh đạo xây dựng chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: 15 điểm; lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng đảng: 25 điểm; lãnh đạo thực hiện việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”: 15 điểm.
Từ đó xếp loại chất lượng đảng bộ cấp trên cơ sở thành 4 mức, cụ thể đối với các huyện, thành, thị ủy như sau:
Đảng bộ vững mạnh:
Là đảng bộ thực hiện xuất sắc 5 nội dung đánh giá nêu trên và có bản đăng ký phấn đấu hoặc giữ vững đơn vị vững mạnh từ đầu năm, có tổng số điểm đạt từ 90 điểm trở lên (riêng 5 huyện núi cao đạt từ 85 điểm trở lên).
Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị đã đề ra, nhất là những nhiệm vụ trọng yếu; nội bộ ban chấp hành, ban thường vụ cấp uỷ đoàn kết, thống nhất cao.
Chính quyền xếp loại xuất sắc; có từ 80% các tổ chức chính trị - xã hội được cấp trên xếp loại xuất sắc, số còn lại xếp loại tốt.
Có từ 80% trở lên các phòng, ban, ngành cấp huyện được cấp trên xếp loại xuất sắc, số còn lại xếp loại tốt (riêng đối với 5 huyện núi cao có trên 70% các phòng, ban, ngành được xếp loại xuất sắc, số còn lại xếp loại tốt).
Có từ 75% số TCCSĐ đạt TSVM (riêng đối với 5 huyện núi cao có trên 65% TCCSĐ đạt TSVM), không có TCCSĐ yếu kém.
Không có cấp uỷ viên, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND, MTTQ và trưởng, phó các đoàn thể cùng cấp bị xử lý kỷ luật trong năm từ khiển trách trở lên (trừ trường hợp bị kỷ luật do huyện, thành, thị uỷ chủ động phát hiện và xử lý).
Có ít nhất 2/3 uỷ viên BCH đảng bộ huyện, thành, thị và 2/3 cán bộ chủ chốt được lấy ý kiến đề nghị xếp loại vững mạnh.
Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ: Là đảng bộ hoàn thành tốt 5 nội dung đánh giá nêu trên, có tổng số điểm đạt từ 70 đến dưới 90 điểm.
Đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ: Cơ bản thực hiện được 5 nội dung đánh giá nêu trên, có tổng số điểm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm.
Đảng bộ yếu kém: Là những đảng bộ có tổng số điểm dưới 50 hoặc đạt từ 50 điểm trở lên nhưng có một trong những khuyết điểm sau: Chính quyền xếp loại yếu kém; nội bộ mất đoàn kết hoặc có các vụ việc tiêu cực để tồn đọng kéo dài, không xử lý kiên quyết, dứt điểm; để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc để xảy ra những vụ, việc gây thiệt hại về người và tài sản đến mức có cán bộ chủ chốt phải xử lý kỷ luật (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, UBND); có trên 1/3 các phòng, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể xếp loại yếu kém hoặc có trên 1/3 số TCCSĐ xếp loại yếu kém; trên địa bàn để xảy ra nhiều tệ nạn xã hội, nhất là ma tuý, mại dâm; an ninh trật tự xã hội yếu kém.
Thứ 3, các bước tiến hành như sau:
Ban thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở căn cứ vào 5 nội dung đánh giá và bảng điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quy định để tự đánh giá, chấm điểm và nhận loại.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, tiến hành đánh giá, xếp loại kết quả hoạt động của các huyện, thành, thị theo chức năng quản lý ngành dọc (5 loại: xuất sắc, tốt, khá, trung bình, yếu kém), báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (qua Ban Tổ chức ) và thông báo cho ban thường vụ huyện, thành, thị uỷ trước ngày 15-12 hằng năm. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tổng hợp làm căn cứ đánh giá, xếp loại.
Lấy ý kiến của cán bộ cốt cán: Ban thường vụ huyện, thành, thị uỷ tổ chức hội nghị, thành phần gồm: cấp trưởng, cấp phó các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị cấp huyện, bí thư đảng uỷ, chi bộ trực thuộc, chủ tịch xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có tổ chức đảng trực thuộc để quán triệt quy định của Tỉnh uỷ và dự kiến tự đánh giá, chấm điểm, nhận loại của ban thường vụ huyện, thành, thị uỷ. Hội nghị thảo luận góp ý kiến, sau đó phát phiếu lấy ý kiến, tổng hợp kết quả báo cáo trước hội nghị ban chấp hành.
Hội nghị BCH đảng bộ huyện, thành, thị: Ban thường vụ báo cáo quy định của Tỉnh uỷ về tiêu chuẩn, bảng điểm đánh giá, kết quả lấy ý kiến của hội nghị cán bộ chủ chốt; tự đánh giá, chấm điểm nhận loại của thường vụ cấp uỷ. Thảo luận và biểu quyết đề nghị xếp loại (bằng phiếu), tổng hợp kết quả biểu quyết công bố trước hội nghị.
Ban Thường vụ huyện, thành, thị uỷ bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo, đánh giá, chấm điểm, nhận loại, kèm theo kết quả lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt, biểu quyết đề nghị của cấp uỷ gửi về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (qua Ban Tổ chức) trước ngày 20-12 hàng năm.
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tổng hợp, chủ trì cùng các ban xây dựng đảng, Văn phòng Tỉnh uỷ và các ngành có liên quan kiểm tra, thẩm định, tham mưu tổng hợp, đánh giá, dự kiến xếp loại trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định.
Căn cứ vào các quy định của tỉnh ủy, năm 2011, 2012 tổng số đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy được đánh giá, xếp loại là 28 (trong đó đảng bộ cấp trên cơ sở: 26, đảng bộ cơ sở: 2); kết quả đánh giá, xếp loại như sau: Năm 2011, đảng bộ vững mạnh: 21(75%); đảng bộ HTTNV: 6 (21,4%), đảng bộ HTNV:1 (3,6%); năm 2012, đảng bộ vững mạnh: 10 (35,7%); đảng bộ HTTNV: 15 (53,6%), đảng bộ HTNV: 2 (7,1%), đảng bộ yếu kém: 1 (3,6%); năm 2013, tổng số đảng bộ dự xếp loại là 27 (Đảng bộ Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 chuyển về Trung ương, đảng bộ Thị xã Hoàng Mai mới thành lập không xếp loại), trong đó đảng bộ vững mạnh: 12 (44,4 %), đảng bộ HTTNV: 14 (51,9 %), đảng bộ yếu kém: 1 (3,7%) (đảng bộ cơ sở Trường Đại học SPKT Vinh).
Việc đánh, giá xếp loại đảng bộ cấp trên cơ sở đến nay đã có những điều chỉnh, bổ sung ngày càng phù hợp với thực tiễn, phản ánh đúng thực chất và có tác dụng thiết thực đến phong trào thi đua của các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc. Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc:
Thứ nhất, mặc dù đã có công văn đôn đốc, nhắc nhở nhưng hằng năm vẫn còn tình trạng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tiến hành đánh giá, xếp loại kết quả hoạt động của các huyện, thành, thị theo chức năng quản lý ngành dọc chậm so với quy định (xong trước 15-12), nhất là các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế ( Thuế, Kho bạc... do chốt sổ để đánh giá kết quả công tác trong năm vào ngày 31-12 hàng năm).
Thứ hai, năm 2012 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09 "về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình trong tình hình mới", trong đó có quy định TCCSĐ có cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DSKHH thì không xếp loại TSVM. Tỷ lệ TCCSĐ đạt TSVM trong 2 năm 2012, 2013 giảm mạnh, do vậy, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc đạt vững mạnh giảm .Nhiều cơ sở đang kiến nghị đảng viên vi phạm chỉ nên xử lý, xem xét ở chi bộ, nên quy định tỷ lệ đảng viên vi phạm ở mức từ 10-15% so với tổng số đảng viên của toàn đảng bộ , chi bộ mới xem xét hạ loại ở cấp cơ sở).
Thứ ba, vì quy định đảng bộ đạt vững mạnh phải có từ 75% số TCCSĐ đạt TSVM trở lên (riêng đối với 5 huyện núi cao có trên 65% TCCSĐ đạt TSVM), không có TCCSĐ yếu kém thì đảng bộ cấp trên cơ sở mới được xem xét vững mạnh, nên xảy ra hiện tượng một số đơn vị chạy theo thành tích, xem xét đánh giá TCCSĐ trực thuộc không sát với thực chất, thậm chí bỏ qua một số vi phạm. Để có căn cứ chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn quốc, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tổ chức rút kinh nghiệm ở các tỉnh đã triển khai đánh giá, xếp loại đảng bộ cấp trên cơ sở, sau đó có hướng dẫn triển khai thực hiện; nghiên cứu để triển khai thí điểm đánh giá, xếp loại đảng bộ cấp tỉnh.
Cao Đức Trung
Trưởng phòng Tổ chức đảng
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An