Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh đã đi gần hết chặng đường 5 năm (giai đoạn 2011-2015), với thành tích dẫn đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Thành công và bài học lớn nhất được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện là tập hợp được sức mạnh, trí tuệ, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy đảng cơ sở đã phát huy vai trò lãnh đạo, chú trọng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, kết quả đã huy động được các nguồn lực tập trung cho đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng… cải thiện điều kiện đi lại, làm việc, học tập, khám chữa bệnh và sinh hoạt cho nhân dân, môi trường sinh thái, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Diện mạo của cơ sở, nhất là ở nông thôn, miền núi có nhiều đổi mới, quy chế dân chủ ở cơ sở được coi trọng và phát huy.
Từ cuối năm 2011, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ đường giao thông xã, liên xã, được thảm nhựa, đổ bê-tông đạt 72%; tỷ lệ các thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,45%; 100% số xã có cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ tốt cho các hoạt động văn hóa truyền thống; giá trị đầu tư trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã tăng gấp 20 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đã tăng 14,5%, góp phần giảm hộ nghèo chung toàn tỉnh xuống còn 2,42%. Đến nay, toàn tỉnh đã có 34 xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới, dự kiến trong năm 2014 sẽ có thêm 36 xã đạt tiêu chí xã nông thôn, trong đó 14 xã đăng ký về đích sơm hơn so với lộ trình. Qua đó, nhận thức của người dân trong việc phối hợp cùng chính quyền trong xây dựng nông thôn mới đã được nâng lên. Toàn tỉnh đã triển khai làm trên 30km đường giao thông các loại, hơn 13km kênh mương và hỗ trợ trên 30 dự án phát triển sản xuất. Các địa phương đều đã xác định được sản phẩm hàng hóa chủ lực để tập trung chỉ đạo phát triển; 17 vùng sản xuất hàng hóa tập trung cấp tỉnh đã được quy hoạch để tạo vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số hạn chế như: công tác giải ngân vốn còn thấp,đến nay, toàn tỉnh mới giải ngân được 50 tỷ đồng, đạt gần 17%; việc nhân rộng mô hình sản xuất mới còn lúng túng; môi trường sống ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều bất cập. Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn hỗ trợ chương trình nông thôn mới ở các địa phương phân khai chậm, nhất là việc giải ngân hỗ trợ phát triển sản xuất đạt được rất thấp, đạt 8,48%. Nguyên nhân là do công tác phối hợp phân bổ vốn ở cấp huyện chậm, khi phân bổ còn lúng túng trong việc lựa chọn mục tiêu, mô hình, dự án. Việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của cấp huyện đối với các xã, các chủ đầu tư chưa sâu sát. Mặt khác, công tác chuẩn bị đầu tư lập các dự án, đề án phát triển sản xuất của các địa phương còn lúng túng. Điển hình là khi thông báo vốn mới tiến hành họp dân, lấy ý kiến và tiến hành các bước lập, triển khai dự án. Cùng với đó, các công trình xây dựng hạ tầng và dự án phát triển sản xuất đã có khối lượng công trình nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ để giải ngân. Hết tháng 6 năm nay, theo báo cáo của các địa phương thì khối lượng hoàn thành ước đạt 120 tỷ đồng, đạt trên 40% kế hoạch vốn. Đặc biệt là, đến nay chưa có chính sách hỗ trợ cho việc thực hiện các dự án, đề án phát triển sản xuất tập trung. Bởi, tỉnh mới đang chỉ vận dụng các chính sách khuyến nông, khuyến công, ứng dụng khoa học - công nghệ... nên chỉ hỗ trợ cho mô hình mới. Khi mô hình thành công, chuyển sang giai đoạn nhân rộng cũng chỉ được hỗ trợ kinh phí tập huấn, tuyên truyền... Một hạn chế nữa là do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn mang nặng tính thời vụ, dẫn đến nhu cầu về vốn cũng chỉ mang tính thời vụ...
Đứng trước thực trạng này, nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân và hiệu quả thực hiện vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là hỗ trợ phát triển sản xuất, mới đây, trong phần giải trình trong kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khoá XII, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh đã đưa một số giải pháp trọng tâm, trọng điểm để tháo gỡ những khó khăn này. Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT đã và đang hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung trên địa bàn; xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2014-2020. Với vai trò, chức năng của mình, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh cũng đã và đang tích cực phối hợp với các sở, ngành để tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương sớm hoàn thiện các quy hoạch, lập dự án sản xuất hàng hoá tập trung, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đối với các công trình đơn giản, các cơ quan chuyên môn là Sở NN&PTNT, Sở GT-VT đang xây dựng để sớm ban hành hướng dẫn thiết kế mẫu đối với các công trình hạ tầng nông thôn; hướng dẫn thủ tục, hồ sơ, cách chi, công tác thanh, quyết toán dự án, công trình hoàn thành cho cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt, các cơ quan chức năng liên quan cũng tập trung tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết thu hồi vốn của các địa phương triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân thấp để điều phối cho các địa phương triển khai tốt. Cùng với đó, các địa phương đang tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cho những năm tiếp theo; làm tốt công tác đổi mới quy trình phân bổ vốn đúng tiến độ. Trong đó, việc phân bổ vốn cho cấp xã làm chủ đầu tư được thực hiện đi đôi với nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, nhất là cần phải tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở để đảm bảo thực hiện tốt chương trình, kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, các địa phương cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, bất cập cũng như xử lý dứt điểm các sai phạm...
Xác định rõ chủ trương xây dựng nông thôn mới thực chất là sự chuẩn hóa việc đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho nên cách làm của Quảng Ninh cũng linh hoạt, sáng tạo, không gò bó theo một khuôn mẫu, mô hình cụ thể nào. Tỉnh đã triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, lấy phát triển khu vực nông thôn ổn định làm địa bàn để đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực thành thị, từ đó có lực để đầu tư về cho nông thôn. Việc hoàn thành các tiêu chí cũng không cứng nhắc theo quy chuẩn của Trung ương mà dựa trên đặc thù, tình hình thực tế của địa phương để đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí. Để tạo đà cho người dân phát triển sản xuất, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong hơn 3 năm, nguồn lực huy động để chi cho chương trình đạt gần 28 nghìn tỷ đồng và đã được triển khai theo phương thức: Thời gian đầu tập trung nhiều cho hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, và giảm dần theo các năm, thay vào đó là tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng KHCN vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng nông thôn mới Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo chú trọng công tác phát triển đảng viên ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng cơ sở vững mạnh, đủ sức lãnh đạo nông thôn mới ngày càng phát triển bền vững...
Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo các vùng quê Quảng Ninh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của các địa phương, góp phần đưa Quảng Ninh đến năm 2015 cơ bản theo hướng hiện đại hóa.
Nguyễn Thị Thúy Anh
Lê Thị Luyến