Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 1.018,5 km2; dân số trên 215.000 người gồm 8 dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Sán dìu, Sán chí, Cao Lan, Dao, Hoa), trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 49%. Đảng bộ huyện Lục Ngạn có 62 TCCSĐ, gồm 30 đảng bộ xã, thị trấn; 5 đảng bộ cơ quan, đơn vị cấp huyện; 27 chi bộ cơ sở với gần 7.000 đảng viên.
Từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015 đến nay, với cách làm sáng tạo, quyết liệt, bám cơ sở, Đảng bộ huyện Lục Ngạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng, củng cố TCCSĐ.
Tập trung củng cố, khắc phục những hạn chế, yếu kém
Từ năm 2011 đến nay, căn cứ kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của năm trước và tình hình thực tế địa phương, với phương châm: yếu, kém mặt nào củng cố mặt đó, yếu kém ở chi bộ nào củng cố chi bộ đó, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở xây dựng và triển khai kế hoạch củng cố tổ chức đảng. Các nội dung củng cố được nêu cụ thể như: hạn chế về năng lực lãnh đạo, năng lực đội ngũ cán bộ, đoàn kết nội bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, những mục tiêu, chỉ tiêu về tổ chức xây dựng đảng còn đạt thấp.v.v.. Các tổ công tác của BTV Huyện ủy thẩm định, duyệt, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác củng cố ở từng đảng bộ theo cụm địa bàn phụ trách. Những nơi có nhiều yếu kém, BTV Huyện ủy thành lập tổ công tác, cử cán bộ tăng cường trực tiếp tại cơ sở. Theo đó, năm 2011 Huyện ủy thành lập 5 tổ công tác tăng cường trực tiếp tại 5 đảng bộ: Sa Lý, Phong Minh, Phong Vân, Tân Hoa, Kim Sơn; năm 2012 cử cán bộ tăng cường trực tiếp tại 3 đảng bộ: Biên Sơn, Đèo Gia, Tân Sơn. Định kỳ 6 tháng, 1 năm Huyện ủy tổ chức sơ kết, tổng kết công tác củng cố TCCSĐ của các đảng bộ xã, thị trấn.
Cách làm quyết liệt, sáng tạo của Huyện ủy đã đem lại kết quả phấn khởi. Năm 2011, Đảng bộ huyện Lục Ngạn còn 5 đảng bộ xã yếu kém, đến hết năm 2013, đã có 15 đảng bộ xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, 9 đảng bộ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có đảng bộ xã yếu kém.
Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, BTV Huyện ủy đã cử các đồng chí ủy viên BTV Huyện ủy phụ trách cụm, huyện ủy viên phụ trách xã, cán bộ công chức khối đảng, đoàn thể huyện hàng tháng dự sinh hoạt chi bộ cùng với cơ sở. Đảng viên về dự sinh hoạt chi bộ cùng cơ sở phải chuẩn bị chu đáo nội dung thông tin cần phổ biến, gợi ý nội dung sinh hoạt chuyên đề… Mỗi xã, thị trấn chọn một chi bộ sinh hoạt điểm, qua đó rút kinh nghiệm và triển khai đến các chi bộ khác.
Từ cách làm trên, việc sinh hoạt chi ủy, chi bộ ở nhiều tổ chức đảng đã có chuyển biến tích cực: tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt trên 97%, nội dung sinh hoạt được lựa chọn tương đối phong phú, đã bám sát vào chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc và tình hình thực tiễn ở cơ sở, đơn vị. Nhiều chi bộ đã thực hiện tốt sinh hoạt chuyên đề, trong sinh hoạt mở rộng dân chủ, nhất là trong thảo luận, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của chi bộ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Coi trọng công tác kết nạp đảng viên, quản lý, phân công nhiệm vụ đảng viên
Hằng năm, BTV Huyện ủy xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu kết nạp đến từng TCCSĐ trong Đảng bộ huyện. Từ năm 2011 đến nay Đảng bộ đã kết nạp được 1.493 đảng viên mới, trong đó nữ chiếm 39,3%, dân tộc thiểu số 32,4%, nông thôn 42,9%; xóa 6/6 thôn, bản “trắng” đảng viên.
Công tác quản lý đảng viên được tăng cường ở cả nơi công tác và nơi cư trú, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên và cấp uỷ địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, các đảng ủy xã, thị trấn đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc rà soát lại số đảng viên miễn công tác, miễn sinh hoạt để thực hiện chế độ sinh hoạt Đảng theo đúng quy định. Việc phân công công tác cho đảng viên có chuyển biến tích cực. Số đảng viên trong đảng bộ huyện (trừ diện miễn sinh hoạt) được phân công nhiệm vụ đạt tỉ lệ 100%. Từ tình hình thực tế, một số đảng ủy xã đã sắp xếp lại số lượng, cơ cấu đảng viên của chi bộ cơ quan xã, phân công một số đảng viên của chi bộ cơ quan xã là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt về sinh hoạt tại các chi bộ nông thôn yếu, ít đảng viên, nhằm tăng cường sức chiến đấu, nâng cao chất lượng chi bộ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Huyện ủy chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt tập trung vào tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, nhất là ở những địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm. Từ năm 2011 đến nay, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Huyện đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra 340 tổ chức đảng, 426 đảng viên, đồng thời tiến hành giám sát 190 tổ chức đảng và 384 đảng viên. Ngoài ra, Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 12 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra đã kết luận 2 tổ chức đảng, 33 đảng viên có vi phạm phải xử lý kỷ luật. Chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát được nâng lên đã góp phần củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố lòng tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy Lục Ngạn, các TCCSĐ trong toàn Đảng bộ Huyện đã nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện khóa XXIII, nhiệm kỳ 2011- 2015 đề ra. Từ kinh nghiệm thực tiễn của Đảng bộ huyện Lục Ngạn thời gian qua, có thể rút ra một số bài học:
Một là, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng ở cơ sở.
Hai là, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh - quốc phòng, giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội.
Ba là, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động các tổ chức trong hệ thống chính trị một cách thiết thực, hiệu quả. Chủ động tham gia giải quyết những bức xúc, nổi cộm, vướng mắc phát sinh trong cộng đồng dân cư, không để những mâu thuẫn nhỏ tích tụ lâu ngày thành điểm nóng.
Bốn là, cấp uỷ các cấp thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã, các thôn, bản vững mạnh. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội phải thật sự gần dân, kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng cơ sở tập trung củng cố, khắc phục những hạn chế, yếu kém; phát huy vai trò giám sát của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân đối với chính quyền cơ sở.
Dương Ngô Ninh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang