Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Thiệu Trung

Xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) quê hương giàu truyền thống cách mạng, vùng đất địa linh, nhân kiệt sinh những anh hùng hào kiệt như Bộc xạ tướng công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu; là nơi đặt hầm chỉ huy của Thường trực Uỷ ban hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Thiệu Trung đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Với bề dày truyền thống lịch sử, nơi có nghề đúc đồng nổi tiếng toàn quốc, Thiệu Trung được chọn là một trong 11 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Thanh Hóa. Đây là vinh dự lớn đối với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Thiệu Trung, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Thực tế, Thiệu Trung là xã còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, ngành nghề chưa phát triển, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, bình quân đầu người mới đạt 14,5 triệu đồng/năm, diện tích đất nông nghiệp ít, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 9,6%, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tới  39%. So với Bộ tiêu chí quốc gia, Thiệu Trung mới đạt 6 tiêu chí.

Nối tiếp truyền thống lịch sử, hưởng ứng các phong trào thi đua của tỉnh, của huyện, Đảng bộ xã Thiệu Trung lãnh đạo phát động nhiều phong trào thi đua, nhất là phong trào “Thiệu Trung chung sức xây dựng NTM”, “xây dựng xã đạt chuẩn NTM vào năm 2012”.

Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân xã từng bước phát huy thế mạnh của vùng, chung sức, đồng lòng triển khai đưa cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của xã. Năm 2012, xã đã trồng 50 ha mía nguyên liệu với giá trị thu được 120 triệu/ha; vận động nhân dân nhân rộng mô hình làng nghề truyền thống với 46 hộ gia đình tham gia nghề đúc đồng, với 2 công ty phân phối hàng hóa đi cả nước... Nhiều hộ gia đình ủng hộ, tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hoá thôn... Qua 2 năm thực hiện, tổng số tiền đầu tư cho chương trình xây dựng NTM lên tới 79,63 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ nhân dân địa phương đóng góp lên tới 49,3 tỷ đồng (chiếm 61,96%), vốn từ các doanh nghiệp là 3,28 tỷ đồng (chiếm 4,1%), 6/6 thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa, 100% các hộ dân được sử dụng nước sạch, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,39%, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,9 triệu đồng/người/năm (trong đó thu nhập bình quân đầu người của cả tỉnh là 10,3 triệu đồng (năm 2011)…

Với kết quả đó, Thiệu Trung được UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM. Có được kết quả đó, Thiệu Trung đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau:

Một là, tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM


Ban chỉ đạo (BCĐ) xã Thiệu Trung đã chú trọng công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức: qua các buổi sinh hoạt thường kỳ của tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, qua hệ thống truyền thanh của xã, các cuộc thi tìm hiểu về xây dựng NTM do các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu Chiến binh... Từng hộ gia đình được tuyên truyền, vận động để tự giác hưởng ứng xây dựng NTM bằng các hoạt động tích cực sản xuất, phát triển kinh tế hộ, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, công trình vệ sinh, tự giác góp công, đóng góp kinh phí, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, tạo nên phong trào xây dựng NTM sâu rộng, đi vào hiện thực cuộc sống, sinh hoạt của mọi người dân.

Bên cạnh đó, chính quyền xã Thiệu Trung đề ra cơ chế trao phần thưởng cho những thôn hoàn thành việc làm đường giao thông nông thôn theo đúng kế hoạch và phạt nặng những người có hành vi lạm dụng của công…

Ngày 2-7-2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thăm và làm việc tại Thanh Hoá đánh giá: xã Thiệu Trung và huyện Thiệu Hóa đã có nhiều giải pháp, kinh nghiệm hay có thể nhân rộng ra các địa phương khác. Trong đó, đáng chú ý là việc quán triệt, tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM.

Hai là, Đảng và nhân dân cùng làm


Đảng bộ xã đã quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc huy động nguồn lực xây dựng NTM gồm: Nguồn lực về tài nguyên, nguồn lực con người, nguồn lực về tài chính, gắn các dự án có mục tiêu, sự đầu tư của nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, trong đó, nguồn lực nhà nước là quan trọng, nguồn lực của nhân dân và xã hội là quyết định, mỗi người dân phải là chủ thể trong quá trình tham gia xây dựng NTM. Chương trình xây dựng NTM đã được xã đưa chương vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 26 nhiệm kỳ 2010-2015. Cùng với đó, Đảng ủy đã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; các tổ chức đoàn thể trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết về chương trình xây dựng NTM của xã.

Xã đã thành lập BCĐ chương trình xây dựng NTM của xã gồm 35 thành viên, do đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã làm Trưởng Ban. Ban quản lý thực hiện chương trình do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Cả 6/6 thôn đều thành lập ban phát triển thôn mới do Bí thư Chi bộ làm Trưởng ban. Đồng thời, lựa chọn khâu đột  phá như: “Phát động toàn dân hiến đất, mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp”, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm.

Ban hành quy chế hoạt động của BCĐ, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phân công UBMTTQ làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, động viên huy động mọi nguồn lực để xây dựng các nội dung trong đề án đã được phê duyệt, đồng thời tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Hội nông dân xã chịu trách nhiệm vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng các mô hình kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá có năng suất chất lượng cao, thực hiện chương trình vệ sinh đường làng, công tác xoá đói giảm nghèo. Hội Liên hiệp phụ nữ có nhiệm vụ thực hiện tốt Cuộc vận động nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, hội viên giúp nhau xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, làm tốt công tác vệ sinh trong từng gia đình. Với nhiệm vụ “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm vận động hội viên, gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng NTM, làm nòng cốt trong phát triển kinh tế gia trại, trang trại và cải tạo vườn tạp, xây dựng các công trình vệ sinh. Đoàn thanh niên xung kích đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp bảo vệ an ninh trật tự của địa phương, vận động đoàn viên thanh niên xây dựng bộ mặt nông thôn xanh, sạch, đẹp. Hội người cao tuổi với trách nhiệm thực hiện tốt cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, khuyến khích con cháu thực hiện tốt công cuộc xây NTM tại địa phương.

Hơn 2 năm tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Thiệu Trung đã huy động tổng số tiền là: 79,63 tỷ đồng, trong đó Ngân sách nhà nước và địa phương: 22,15 tỷ đồng, vốn tín dụng 4,9 tỷ đồng, doanh nghiệp ủng hộ 3,28 tỷ đồng, kinh phí và ngày công, giá trị hiến đất của nhân dân địa phương và con em xa quê tự nguyện đóng góp 49,3 tỷ đồng.

Ba là, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân


Một trong những nội dung đảm bảo ổn định bền vững trong xây dựng NTM là Đảng ủy xã lãnh đạo tập trung xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh phát triển làng nghề truyền thống, xuất khẩu lao động, cấp ủy, chính quyền xã Thiệu Trung đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây trồng vật nuôi có hiệu quả, năng suất, chất lượng cao vào canh tác, xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất như: Mô hình chăn nuôi, trồng nấm, thâm canh mía, sản suất rau màu vụ đông, cơ giới hóa đồng bộ… với quy mô diện tích lên đến 60 ha. Tổng giá trị sản xuất trên ha gieo trồng năm 2012 là 86 triệu đồng, tăng so với năm 2010 là 11,3 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14,5 triệu đồng năm 2010 lên 22,9 triệu đồng năm 2012, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần tích cực trong việc tham gia đóng góp xây dựng NTM.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Thiệu Trung đã thực sự có những thay đổi toàn diện, 100 % đường giao thông đã được bê tông hoá, 94,16 % đạt chuẩn cứng hoá của Bộ GTVT, bê tông đường ngõ đạt 78,26%; đường trục chính nội đồng đã cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện chiếm 70,8% . Hệ thống thủy lợi của xã hiện tại đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh, kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa đạt 87,3%. 100% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Cả 3 trường đều đạt chuẩn Quốc gia. Xã đã xây dựng Nhà văn hóa của xã với quy mô 250 chỗ ngồi, có khu thể thao và nhà thi đấu đạt chuẩn của Bộ VH-TT-DL, cả 6 thôn đã có nhà văn hoá đạt chuẩn theo quy định. Toàn xã có 82,3% nhà đạt chuẩn. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của xã hiện nay còn 32,6%. Trên địa bàn xã hiện tại có 3 HTX: HTX dịch vụ nông nghiệp, HTX dịch vụ điện, nước và HTX tín dụng. Số lượng 1.815 xã viên. Hằng năm, sức sản xuất, kinh doanh HTX đều có lãi từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng, đem lại hiệu quả và nguồn thu nhập cho xã viên. Xã có 01 cụm làng nghề truyền thống với 34 hộ sản xuất kinh doanh, lợi nhuận hàng năm đạt bình quân gần 2 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo nghề đạt 35,25%. Xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch, vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia hiện nay đạt 100%, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều đạt tiêu chuẩn về môi trườngcác nghĩa trang của xã đã được xây dựng theo quy hoạch. Hiện tại trên địa bàn xã 90 % số hộ gia đình có hố  xử lý rác tại gia đình. Xã đã có tổ dịch vụ thu gom rác thải, chất thải rắn để tập kết về khu  xử lý theo quy định. Đảng bộ, chính quyền xã hàng năm đều đạt trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã đều đạt trong sạch vững mạnh. Tình hình an ninh, trật tự liên tục được đảm bảo, chính trị xã hội được giữ vững. Nhận thức của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn được chuyển biến tích cực, thu nhập người dân tăng gấp gần 2 lần so với trước khi triển khai thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm  từ 9,6% năm 2010 xuống còn 4,39% năm 2012, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.

Bốn là, làm tốt công tác dân vận


Nhận thức đúng đắn mọi đường lối, chủ trương của Đảng đều phải xuất từ lợi ích của người dân“dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”, dân làm chủ, bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền nhân dân xã Thiệu Trung xác định, muốn đạt được những mục tiêu xây dựng NTM là phải “yên dân, lấy dân làm gốc”. Ông Phạm Văn Lan - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thiệu Trung chia sẻ: “Trong xây dựng NTM, có công việc gì, xã đều họp dân, mọi việc đều dân chủ, công khai, “giao đúng người, đúng việc” “Phải có sự nhất trí, đồng thuận của nhân dân thì mới làm. Mọi người đều coi đó là việc của nhà mình”. Vì vậy, mọi yêu cầu, nhiệm vụ của xã đề ra trong Chương trình xây dựng NTM đều được nhân dân hưởng ứng, đóng góp kinh phí, hiến đất, góp công… tạo ra không khí thi đua sôi động, rộng khắp, lôi cuốn mọi người dân tham gia vào công cuộc xây dựng NTM. Sức mạnh từ nhân dân chính là một trong những nhân tố quyết định trực tiếp hoàn thành 13 tiêu chí còn lại đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM mới ở xã Thiệu Trung.

Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 2

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất