Thị xã Cửa Lò là trung tâm du lịch của tỉnh Nghệ An nói riêng và của vùng Bắc Trung bộ nói chung, tuy còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, Đảng bộ và nhân dân thị xã Cửa Lò đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cửa Lò đạt 18%; tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2010. Các ngành dịch vụ đạt 630 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm 2010; doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 920 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch. Khách du lịch đạt khoảng 2,03 triệu lượt người, tăng 9,7% so với năm 2010; trong đó khách lưu trú đạt 1,3 triệu lượt, khách quốc tế đạt 5.000 lượt.
Các hoạt động du lịch đã thu hút được 6.500 lao động, tăng 260 người so với năm 2010. Tổ chức tốt lễ hội du lịch và các hoạt động văn hóa, thể thao, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Công tác chỉ đạo du lịch có những đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng công viên, bãi tắm, chỉnh trang đô thị, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống dịch vụ một cách chuyên nghiệp, chất lượng hơn. Một số nhà hàng, khách sạn được xây mới hoặc nâng cấp. Công tác cứu hộ, cứu nạn được duy trì và thực hiện tốt…
Công nghiệp - xây dựng giữ được mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất đạt gần 850 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2010. Nông, lâm, ngư nghiệp ổn định, giá trị sản xuất đạt 78 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2010. Sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 8.600 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Các mô hình chuyển đổi nghề, mở rộng nghề phát huy hiệu quả; công tác nuôi trồng, chế biến, lưu giữ bảo quản hải sản được thực hiện tốt.
Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ ở Cửa Lò hiện nay còn khá thấp; công tác quản lý nhà nước về du lịch ở một số mặt chưa được thực hiện tốt. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở các công trình trọng điểm diễn ra chậm do nguồn vốn khó huy động. Công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý quy hoạch hiệu quả chưa cao; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư xây dựng cơ bản còn dàn trải thiếu tập trung, các công trình trọng điểm và một số dự án thu hút đầu tư triển khai chậm.
Ban Thường vụ Thị uỷ Cửa Lò xác định phương hướng trong thời gian tới là: Phát huy tối đa mọi nguồn lực, vượt qua khó khăn, thách thức để giữ vững tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2012, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16-17% so với năm 2011; trong đó: dịch vụ tăng 21,5-22,0%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,5-13,5%; nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2-3%.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, Ban Thường vụ Thị uỷ Cửa Lò lãnh đạo thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính thị xã gắn với việc điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển đô thị, từng bước xây dựng thị xã trở thành thành phố du lịch trong tương lai, tạo thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Hai là, tạo chuyển biến mới trong tổ chức hoạt động du lịch 2012, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ nhằm thu hút du khách và phục vụ nhân dân, phấn đấu năm 2012 đạt 2,15 triệu lượt khách, trong đó 1,33 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu du lịch đạt 1.100 tỷ đồng. Phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh chuẩn bị và tổ chức thành công lễ hội du lịch Cửa Lò, hội chợ du lịch thương mại và các hoạt động du lịch, văn hoá thể thao năm 2012.
Ba là, chú trọng khai thác các nguồn lực bên ngoài và nội lực của thị xã để tập trung xây dựng một số công trình trọng điểm, chỉnh trang đô thị khu du lịch, thực hiện các đề án về văn hóa - xã hội đã phê duyệt. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư; giải ngân kịp thời và có hiệu quả các nguồn vốn, đặc biệt quan tâm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ.
Bốn là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, chủ động đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh việc thực hiện các đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư gắn với phát triển nguồn thu ngân sách, thực hiện tốt công tác thu ngân sách năm 2012. Tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, Trung ương kết hợp với phát huy tốt nội lực để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.
Phạm Văn Phong
Trường Đại học Chính trị, Bắc Ninh