Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc, gồm 7 huyện và 1 thị xã với 454 tổ chức cơ sở đảng (có 112 đảng bộ xã, 10 đảng bộ phường, thị trấn); 1.776 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, trong đó có 1.269 chi bộ thôn, bản trực thuộc đảng bộ xã và 181 chi bộ trực thuộc đảng bộ phường, thị trấn.
Thôn, bản của tỉnh Bắc Kạn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, phân tán, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, kết cấu hạ tầng thấp kém, nhưng các chi bộ thôn, bản đã nêu cao trách nhiệm, vươn lên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy tốt vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của chi bộ thôn, bản
Trên cơ sở quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các chi bộ thôn, bản ở tỉnh Bắc Kạn đã đã cụ thể hóa thành mục tiêu, kế hoạch sát với thực tiễn địa phương và triển khai tổ chức thực hiện. Tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; áp dụng khoa học kỹ thuật tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trọng tâm là phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với lâm nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, giữ vững an ninh, trật tự thôn, bản.
Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội
Chi bộ các thôn, bản đã tập trung chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo thông qua các phong trào “xóa hộ đói, giảm hộ nghèo", "nhà nông đua tài", "giúp nhau làm giàu"; thông qua quán triệt, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia và các chương trình, dự án của tỉnh như: PAM, 327, 135, 30a, 167... Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được quan tâm. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện (2010-2011) đã hoàn thành 2.601/2.629 nhà cho hộ nghèo, còn lại 28 hộ không có nhu cầu làm nhà. Mặt khác, chi bộ các thôn, bản chỉ đạo các chi hội đoàn thể là chủ tín chấp, làm dự án để vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện giúp đỡ để các hộ gia đình phát triển sản xuất, thực hiện miễn giảm thuế, miễn giảm học phí cho con em các dân tộc, cấp sổ bảo hiểm y tế cho những người nghèo.
Vận dụng chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", kết cấu hạ tầng thôn, bản ở tỉnh Bắc Kạn trong những năm gần đây đã có bước cải thiện hơn so với trước, 100% số xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các hộ nông dân đạt 80%, hệ thống kênh mương nông thôn bước đầu đáp ứng nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất của nhân dân. 100% xã có đường ô tô nối với huyện, đa số các thôn, bản có đường đi thuận tiện cho các loại xe gắn máy nên việc mua, bán trao đổi hàng hóa và đi lại của nhân dân được thuận lợi hơn trước, bước đầu phục vụ khá tốt cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Các chi ủy chi bộ ở thôn, bản đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân khắc phục khó khăn đưa con em đến trường, đến lớp học, không để học sinh bỏ học. Tỉ lệ xóa mù chữ, phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở đạt 96,7%. Công tác y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình ở xã được coi trọng nên nhiều thôn, bản đã không có trường hợp sinh con thứ ba. Mạng lưới y tế viên ở các thôn, bản được kiện toàn, hoạt động có hiệu quả. Các loại thiết bị y tế được trang bị cơ bản bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và hạn chế sự lây lan của các dịch bệnh.
Chi ủy chi bộ ở các thôn, bản đã chỉ đạo và phối kết hợp với các trưởng thôn, trưởng bản, các tổ chức đoàn thể thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong cưới xin, ma chay, lễ hội. Đến nay, 100% thôn, bản đã xây dựng được quy ước về thôn, bản văn hóa, gia đình văn hóa. Các hủ tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay dần được loại bỏ. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hạn chế được phần nào tình trạng truyền đạo trái phép trong một số dân tộc thiểu số ở những thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Lãnh đạo nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh
Hầu hết các chi ủy ở các thôn, bản đã lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn tổ an ninh thôn, bản; tăng cường công tác kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu, tăng cường quản lý khách vãng lai; tăng cường kiểm tra lập lại kỷ cương trong hoạt động văn hóa, khắc phục các hoạt động mê tín dị đoan trong nhân dân các dân tộc; tổ chức các cuộc họp liên tịch giữa chi ủy chi bộ với tổ an ninh và các tổ chức đoàn thể trong thôn, bản để phối hợp hoạt động, chống các hoạt động lén lút, lợi dụng truyền đạo trái phép của những phần tử xấu. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự ở các thôn, bản được lập lại và giữ vững, các tệ nạn xã hội bước đầu được ngăn chặn.
Coi trọng công tác tổ chức, cán bộ
Các chi ủy, chi bộ ở thôn, bản đã quan tâm xây dựng, củng cố về tổ chức, xây dựng quy chế làm việc, bố trí, phân công các đồng chí trong ban chi ủy và các đảng viên phụ trách từng công việc và các tổ chức đoàn thể trong bản, hoạt động của cấp ủy đã phát huy được sức mạnh tập thể và điểm mạnh của từng thành viên.
Các chi ủy đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thôn, bản. Mạnh dạn đề nghị cấp trên cử những đảng viên, đoàn viên có đạo đức, có trình độ văn hóa đi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại trung tâm chính trị huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên, các lớp bồi dưỡng cán bộ đoàn thể hoặc đi học tại Trường Chính trị tỉnh. Việc quy hoạch, tuyển chọn, đề nghị cử người đi đào tạo, bồi dưỡng, sau đó bố trí, sử dụng được tiến hành công khai, dân chủ, trong đó chú ý đến cán bộ nữ và thanh niên.
Quan tâm xây dựng chi bộ vững mạnh, phát triển đảng viên
Những năm qua các cấp ủy luôn quan tâm xây dựng chi bộ thôn, bản vững mạnh, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, kết quả đánh giá phân loại chất lượng chi bộ năm 2011, số chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh 1.094 (61,63%), hoàn thành tốt nhiệm vụ 567 (31,94%), hoàn thành nhiệm vụ 113 (6,37%), yếu kém 1 (0,06%).
Do nhiều khó khăn về nguồn, địa bàn rộng, cấp ủy luôn chú trọng phát triển đảng viên, thu hẹp dần chi bộ ghép. Tính đến 31-12-2011 toàn tỉnh vẫn còn 180 chi bộ sinh hoạt ghép (trong đó chi bộ sinh hoạt ghép 2 thôn, bản là 142 chi bộ; chi bộ ghép 3 thôn, bản là 27; chi bộ ghép 4 thôn là 10, chi bộ ghép 5 thôn là 1). Số đảng viên kết nạp hằng năm là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, giáo viên, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên ngày càng tăng, góp phần thu hẹp số thôn, trường học chưa có đảng viên. Đội ngũ đảng viên trong chi bộ ở các thôn, bản ở tỉnh Bắc Kạn cơ bản đều có phẩm chất chính trị tốt, lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, luôn luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nhiều đảng viên đã trở thành hạt nhân trong các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa. Đa số đảng viên trong các chi bộ thôn, bản đều có nhận thức đúng và thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, chú ý lắng nghe và tiếp thu ý kiến của đồng chí, quần chúng nhân dân.
Công tác quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ cho đảng viên, kiểm tra, giám sát, đánh giá phân loại đảng viên được các chi ủy, chi bộ ở các thôn, bản thực hiện khá tốt, duy trì thường xuyên và có nề nếp. Năm 2011, có 22.650 đảng viên được phân tích, đánh giá chất lượng (đảng viên được miễn đánh giá chất lượng 1.614 đảng viên, đảng viên chưa được đánh giá chất lượng 527 đảng viên), trong đó đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3.276 (14,46%), đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ 15.866 (70, 05%), đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ 3.395 (14,99%), đảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ 113 (0,5%).
Tuy nhiên, chất lượng các chi bộ thôn, bản của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới ở địa phương, thể hiện ở việc xác định nhiệm vụ chính trị qua từng nhiệm kỳ còn dàn trải, chưa có trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo ra bước đột phá. Việc xác định các giải pháp về phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở một số chi bộ thiếu mạnh dạn, chưa phát huy lợi thế và tiềm năng của thôn, bản, tình trạng trông chờ, ỷ lại, dựa vào cấp trên vẫn còn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, làng nghề và dịch vụ có nơi còn tự phát. Thực hiên Quy chế dân chủ ở một số thôn, bản còn hình thức, kém hiệu quả, chưa huy động được sự đóng góp trí tuệ của nhân dân.
Một số chi ủy, chi bộ chưa có biện pháp xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ trưởng thôn, bản, dẫn đến hoạt động còn yếu, quản lý và điều hành các hoạt động ở địa phương chưa hiệu quả, còn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, khiếu tố, khiếu nại và mất đoàn kết nội bộ. Nhận thức của một số chi ủy về xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể chưa đầy đủ, không ít chi ủy còn lúng túng trong lãnh đạo phối hợp hoạt động giữa các tổ chức đoàn thể, dẫn tới tình trạng chồng chéo trong hoạt động giữa các tổ chức, công tác vận động quần chúng chưa quan tâm đúng mức.
Trước những khó khăn và thách thức mới, các cấp ủy đảng tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục xây dựng chi bộ thôn, bản vững mạnh với các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm cấp ủy cấp trên trong xây dựng chi bộ thôn, bản vững mạnh
Thôn, bản là nơi nhân dân các dân tộc trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nơi thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời là nơi thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng. Vì vây, các cấp ủy cần nhận thức đúng và thống nhất về vai trò của chi bộ ở các thôn, bản, là hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở thôn, bản. Xây dựng chi bộ thôn, bản mạnh thì các đảng bộ xã mới mạnh, thôn, bản có ổn định và phát triển thì xã, huyện mới ổn định và phát triển.
Thực tiễn những năm qua ở Bắc Kạn cho thấy, nếu được cấp ủy cấp trên và cơ sở quan tâm xây chi bộ thôn, bản vững mạnh, thì ở đó kinh tế - xã hội phát triển, an ninh được ổn định và giữ vững; tệ nạn xã hội giảm, đặc biệt là không có tình trạng nhân dân theo đạo trái pháp luật; tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh và vững chắc; nhân dân trong bản có cuộc sống hòa thuận, đoàn kết và ngược lại. Vì vậy, cấp ủy cơ sở phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong xây dựng chi bộ thôn, bản vững mạnh, xóa thôn, bản trắng đảng viên, chia tách chi bộ sinh hoạt ghép lập chi bộ độc lập, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ thôn, bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới.
Thứ hai, kiện toàn, nâng cao chất lượng chi ủy, bí thư chi bộ gắn với nâng cao chất lượng trưởng thôn, bản, chi hội trưởng các đoàn thể nhân dân
Thực tế cho thấy, để xây dựng chi bộ vững mạnh, yếu tố đầu tiên, quyết định chính là chất lượng hoạt động cũng như năng lực, trí tuệ của tập thể chi ủy, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của thôn, bản. Do đó phải kiện toàn đội ngũ chi ủy, đặc biệt là bí thư chi bộ bảo đảm về số lượng và chất lượng. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho chi ủy, không ngừng bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ mọi mặt, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo cho đội ngũ chi ủy. Coi trọng bố trí phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, trình độ để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của chi ủy viên.
Gắn với kiện toàn, nâng cao chất lượng chi ủy là nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của trưởng thôn, bản, chi hội trưởng các đoàn thể để họ đủ sức quản lý điều hành công việc ở thôn, bản và làm nòng cốt trong các phong trào, tập hợp quần chúng nhân dân. Chi ủy có trách nhiệm lựa chọn giới thiệu những đảng viên có phẩm chất đạo đức, nhiệt tình công tác, am hiểu tình hình, đặc điểm, phong tục tập quán và có uy tín làm chi hội trưởng, thực hiện tốt vai trò tập hợp hội viên, đoàn viên phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đảng viên, tạo bước chuyển biến về phát triển đảng viên.
Đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là vấn đề quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy đảng phải quan tâm thực hiện tốt các khâu của công tác đảng viên như cụ thể hóa tiêu chuẩn đảng viên cho phù hợp với loại hình chi bộ vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Quy định số 45-QĐ/TW ngày 01-11-2011 và Điều lệ Đảng. Cấp ủy các cấp chỉ đạo, hướng dẫn chi bộ các thôn, bản thực hiện tốt phân công nhiệm vụ và quản lý đội ngũ đảng viên, phân công đảng viên từng công việc phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của mỗi đảng viên, đồng thời định hướng, tạo điều kiện để mọi đảng viên phát huy năng lực sáng tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chú trọng đội ngũ đảng viên trẻ, tạo điều kiện, động viên họ phát huy tính năng động, sáng tạo của sức trẻ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa. Tăng cường công tác quản lý đội ngũ đảng viên thôn, bản không để vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không để bị kẻ xấu lợi dụng, lôi cuốn vào những tệ nạn xã hội, đồng thời có những biện pháp khuyến khích họ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống mọi mặt.
Thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại đảng viên, thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên nhằm thực hiện mục tiêu thu hẹp số chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép và xóa thôn trắng đảng viên, cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa tiêu chuẩn người vào Đảng phù hợp với điều kiện đặc điểm của địa phương, thôn, bản. Ở những thôn, bản chưa có chi bộ, thôn, bản; có ít hoặc chưa có đảng viên, trình độ học vấn của quần chúng ưu tú còn thấp (chỉ biết đọc, biết viết), cấp ủy đề nghị cấp trên xem xét cho kết nạp vào Đảng, sau khi kết nạp có những biện pháp đồng bộ, phối hợp với phòng giáo dục mở các lớp bổ túc văn hóa và tạo điều kiện, động viên, khuyến khích những đảng viên mới đó tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn. Phấn đấu đến năm 2020 các thôn, bản đều có chi bộ sinh hoạt độc lập là một nhiệm vụ cấp bách của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các thôn, bản người Mông, người Dao bằng biện pháp cử các đồng chí cấp ủy viên, đảng viên về những thôn, bản đó để lập chi bộ và lãnh đạo nhân dân, làm tốt công tác phát triển đảng viên cho đến khi xây dựng được chi bộ có những đảng viên tại chỗ.
Thứ tư, đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ phù hợp với thôn, bản
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các chi ủy lựa chọn một số vấn đề mới, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để tổ chức sinh hoạt thiết thực, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cụ thể của chi bộ thôn, bản.
Nội dung sinh hoạt chi bộ tập trung bàn để lãnh đạo giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực liên quan đến chức năng nhiệm vụ của chi bộ, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức cho đảng viên, theo dõi, nắm chắc tình hình tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của đảng viên. Hằng quý, các chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề một lần, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức cho đảng viên, nhất là những vấn đề mới nảy sinh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và công tác xây dựng đảng, lựa chọn nội dung chuyên đề sát thực, phù hợp với trình độ nhận thức của đảng viên vùng núi.
Thứ năm, nâng cao chất lượng các tổ chức đoàn thể nhân dân, phát huy vai trò già làng, trưởng bản.
Các chi bộ thôn, bản quan tâm xây dựng các tổ chức đoàn thể nhân dân sao cho hoạt động hiệu quả và là nòng cốt trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội ở thôn, bản, góp phần chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích của nhân dân, thu hút đoàn viên, hội viên các tầng lớp nhân dân chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng đoàn viên, hội viên, theo dõi, giúp đỡ quần chúng và giới thiệu quần chúng ưu tú cho chi bộ xem xét kết nạp vào Đảng.
Để thực hiện tốt vai trò quản lý xã hội ở một địa bàn dân cư miền núi, trưởng thôn, bản phải là người thật sự tận tâm, am hiểu mọi mặt đời sống xã hội, phong tục, tập quán của nhân dân các dân tộc, do đó lựa chọn bố trí những người có uy tín, nắm vững chủ trương chính sách của Đảng làm trưởng thôn, bản. Kiên trì, mềm dẻo tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, bản vùng dân tộc thiểu số trong việc tổ chức triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách ở vùng cao. Đề cao trách nhiệm và thẩm quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của trưởng thôn, bản; xây dựng phong cách làm việc sâu sát, cụ thể, dân chủ, nói đi đôi với làm.
Triệu Thị Thúy
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn