Trong tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, thành phố Hà Nội luôn chú trọng hai nhiệm vụ chính là đẩy nhanh tiến độ và xây dựng mô hình tổ chức đảng phù hợp, để các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ được vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Lãnh đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, sau khi hợp nhất, Hà Nội có 490 doanh nghiệp nhà nước, thông qua nhiều hình thức thành phố đã sắp xếp được 442 doanh nghiệp, trong đó đã có 382 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Riêng năm 2013, thành phố Hà Nội đã triển khai sắp xếp, đổi mới 30 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố, thời gian gần đây, ngoài nguyên nhân do vướng mắc, bất cập trong áp dụng cơ chế, chính sách, cộng với công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy khiến quá trình cổ phần hóa đang bị chững lại..
Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, trong đó cổ phần hóa là nhiệm vụ trọng tâm, thành phố Hà Nội cho phép các doanh nghiệp thuê công ty tài chính tư vấn trong từng khâu như xác định giá trị doanh nghiệp hay tư vấn trọn gói toàn bộ quá trình cổ phần hóa, toàn bộ chi phí tư vấn sẽ do thành phố chi trả. Thành phố cũng yêu cầu việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp phải được thành lập xong trong quý III-2014 và đặt mục tiêu đến 30-9-2015 sẽ hoàn thành công tác cổ phần hóa. Cụ thể, trong giai đoạn 2014-2015, Hà Nội sẽ tiếp tục sắp xếp, cổ phần hoá 45 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp theo Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các tổng công ty, công ty mẹ - con và các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan chức năng thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Ngay trong năm 2014, thành phố Hà Nội đề ra nhiệm vụ thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá 27 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn 74 doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia. Theo tiến trình này, dự kiến, sau năm 2020, Hà Nội còn lại khoảng 10 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước.
Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng
Song song với việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, thành phố Hà Nội đã chủ động sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức của các đảng ủy 27 tổng công ty theo hướng sáng tạo, đồng bộ, phù hợp và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp.
Hiện Hà Nội đã xác lập được 15 mô hình đảng bộ toàn tổng công ty là những đơn vị có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và hoạt động của đa số các doanh nghiệp thành viên gắn kết với nhau,chịu sự chi phối của tổng công ty. Mô hình đảng bộ công ty mẹ được áp dụng tại tám tổng công ty và mô hình đảng bộ cơ sở cơ quan tổng công ty được áp dụng tại bốn tổng công ty. Đánh giá về hai mô hình tổ chức đảng trong các tổng công ty đang được áp dụng trên địa bàn thành phố hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng mô hình đảng bộ toàn tổng công ty có nhiều thuận lợi hơn mô hình đảng bộ không toàn tổng công ty trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời bảo đảm được sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, xuyên suốt của tổ chức đảng, cấp ủy theo ngành dọc để lãnh đạo tổng công ty thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hoạt động của các tổng công ty trên địa bàn Hà Nội đã góp phần quan trọng trong việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao của thành phố nhiều năm, góp phần bảo dảm an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Đồng chí cho rằng, hiện Hà Nội đang cùng cả nước thực hiện lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiến tới cổ phần hóa, để duy trì được vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo.
Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, thành phố Hà Nội kiến nghị các quy định về tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước nói chung, trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nói riêng phải đi trước một bước so với tiến trình thực hiện sắp xếp, tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa có vốn nhà nước chi phối, nên thành lập tổ chức đảng toàn doanh nghiệp để gắn kết công tác xây dựng đảng với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50%, thành phố Hà Nội kiến nghị chuyển thành đảng bộ công ty mẹ hoặc đảng bộ cơ quan tổng công ty.
Giai đoạn năm 2011 trở về trước, Hà Nội là một trong những thành phố đi đầu cả nước về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Hy vọng thời gian tới, Hà Nội sẽ có bước bứt phá, về đích trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
An Trân