Sơn La chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở
Đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ tại huyện Bắc Yên.

Sơn La là tỉnh miền núi cao, biên giới, với 250 km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Phra Băng (Cộng hoà dân chủ Nhân dân Lào).  Tỉnh có 10 huyện, 1 thành phố, 204 xã, phường, thị trấn, với 3.242 bản, tiểu khu, tổ dân phố (trong đó có 5 huyện nghèo, 89 xã, 1.105 bản đặc biệt khó khăn); kinh tế chậm phát triển, địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, trình độ dân trí chưa đồng đều, đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn.

Tỉnh có trên 1 ngàn tổ chức cơ sở đảng, gần 66 ngàn đảng viên, hiện Sơn La số chi bộ có ít đảng viên vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, không ít cơ sở đội ngũ cán bộ chưa được chuẩn hóa, hạn chế năng lực lãnh đạo, ảnh hưởng không nhỏ đến lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội ở cơ sở. Nhận rõ những hạn chế của cơ sở, Tỉnh ủy Sơn La tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở.

Nhiều năm nay, các cấp ủy Sơn la đã chú trọng công tác đào tạo cán bộ cơ sở, đồng thời coi trọng luân chuyển cán bộ từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã nhằm rèn luyện, thử thách, nâng cao trình độ toàn diện của cán bộ. Tỉnh đã luân chuyển 29 đồng chí trưởng, phó phòng cấp tỉnh cùng 59 cán bộ huyện về các xã giữ cương vị chủ chốt, đồng thời đưa một số bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã được điều động đi học, nâng cao trình độ. Nhiều đồng chí luân chuyển về công tác tại xã đặc biệt khó khăn đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giúp đội ngũ cán bộ, công chức xã rèn luyện phong cách làm việc, nhất là khi xử lý các vụ việc. Gần đây, đưa trí thức trẻ về xã là một trong những giải pháp được Sơn La chủ động thực hiện và đã bố trí 49 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn. Huyện Bắc Yên sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình 30a đưa 47 trí thức, cán bộ trẻ về bổ sung cho lực lượng cán bộ chuyên môn các xã, hướng tới từng bước thay thế đội ngũ cán bộ chưa qua đào tạo. Huyện Quỳnh Nhai còn luân chuyển cán bộ quản lý từ các xã thừa đến xã thiếu hoặc yếu. Thực tế ở Sơn La cho thấy, từ làm tốt việc tăng cường cán bộ cho cơ sở gắn với chuẩn hóa, nâng cao trình độ và năng lực của cán bộ chủ chốt cấp xã, tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Các cấp ủy Sơn La đánh giá việc đưa cán bộ tỉnh, huyện xuống công tác tại cơ sở đạt kết quả ban đầu, nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Thực trạng trình độ và độ tuổi của cán bộ xã còn nhiều bất cập, nguồn cán bộ mất cân đối ngành nghề, chưa có cơ chế thay thế cán bộ có trình độ vào các vị trí hiện tại. Trong số 752 cán bộ cấp xã từ 45 tuổi trở xuống, còn 18% chưa qua đào tạo, 21% chỉ có trình độ sơ cấp, số cán bộ hơn 45 tuổi chưa qua đào tạo, chỉ có trình độ giáo dục tiểu học và THCS còn khá cao, nhiều công chức cấp xã chưa được đào tạo về chuyên môn.


Trong bối cảnh đội ngũ cán bộ xã của tỉnh Sơn La tuổi đời bình quân cao, tỷ lệ đạt chuẩn cùng phương pháp làm việc còn nhiều bất cập, tỉnh Sơn La đang tạo nhiều chính sách đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học, cao đẳng đối với đồng bào các dân tộc. Tỉnh tiếp tục triển khai đề án đào tạo tại chức và cử tuyển bậc đại học cho cán bộ, mặt khác, đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa cán bộ, công chức xã bằng quan tâm thu hút nhân lực chất lượng cao, cán bộ khoa học, kỹ thuật, sinh viên tốt nghiệp giỏi, khá hệ chính quy về tỉnh công tác... Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35- NQ/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về điều động, luân chuyển và tăng cường cán bộ cho cấp xã, để cán bộ được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, giúp cán bộ trưởng thành, khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín ở một số địa phương, đơn vị.

Thực hiện tốt chính sách cán bộ, quan tâm bồi dưỡng kiến thức thực tế, tổ chức cán bộ chủ chốt của xã, bản đi thực tế học tập các mô hình kinh tế như: trồng cây cao su, cây ăn quả, các mô hình chăn nuôi…tại các tỉnh để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Tiếp tục triển khai đề án xây dựng chi bộ cụm bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bản, cụm bản phát triển toàn diện”. Việc thành lập chi bộ cụm bản được đảng viên, cán bộ cơ sở ủng hộ đã từng bước khắc phục tình trạng khó khăn ở vùng sâu, vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn tình trạng chi bộ có ít đảng viên, trắng đảng viên, không có tổ chức đảng; đảm bảo xây dựng chi bộ ổn định, bền vững, nâng cao khả năng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của chi bộ, tăng cường sự đoàn kết thống nhất, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ.

Hoa Hiền

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất