Tây Ninh xây dựng Đề án khắc phục tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt đảng
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 Cụm thi đua số 4, Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng. Ảnh: Thành Sáng.
Thực trạng đáng quan tâm

Qua tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh nhận thấy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý đảng viên vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Trong đó, đáng chú ý nhất là tình trạng đảng viên bị khai trừ, bị xóa tên, đưa ra khỏi Đảng có chiều hướng gia tăng. So với nhiệm kỳ 2010-2015, toàn Đảng bộ tỉnh Tây Ninh có 424 đảng viên bị xoá tên (tăng 37,66%) và 238 đảng viên xin ra khỏi Đảng (tăng 98%).

Nhằm kéo giảm tình trạng đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì tham mưu Đề án “Kéo giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng trong Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025”. Trong đó, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm Đề án; đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực làm Tổ trưởng; 5 công chức là lãnh đạo, chuyên viên Phòng Tổ chức đảng - Đảng viên làm thành viên. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch và thành lập Tổ biên tập, nghiên cứu, tổng hợp, khảo sát, phân tích số liệu, lấy ý kiến hơn 2.200 chi bộ và các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh để tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Đề án.

Đề án xây dựng dựa trên nguyên tắc: (1) Tuân thủ Điều lệ Đảng; Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về thi hành Điều lệ Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy liên quan đến công tác quản lý đảng viên. (2) Bảo đảm đánh giá đầy đủ, chính xác và tìm ra những nguyên nhân chủ yếu để đề ra các giải pháp khả thi, cơ bản khắc phục những hạn chế, khó khăn được chỉ ra; đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung Đề án. (3) Tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia góp ý của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cá nhân về những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh ở cơ sở.

Đề án gồm 4 phần: (1) Sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án; (2) Tình hình đảng viên bị xóa tên và xin ra khỏi Đảng, nhiệm kỳ 2015-2020. (3) Mục tiêu và giải pháp. (4) Tổ chức thực hiện.

Qua phân tích số liệu và khảo sát lấy ý kiến đối với 100 chi bộ, 200 đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng cho thấy, tình hình đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng (xoá tên, xin ra) trong nhiệm kỳ 2015-2020 có xu hướng gia tăng theo từng năm. Người bị đưa ra khỏi Đảng hầu hết có tuổi đời từ 18 đến 40 tuổi 478/662 (chiếm 72,21%); chủ yếu là người làm thuê, lao động tự do, buôn bán, nông dân, vệ sĩ, nội trợ và chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an… 519/662 (chiếm 78,40%). Nơi đảng viên bỏ sinh hoạt chủ yếu là ở các chi bộ ấp, khu phố 572/662 (chiếm 86,42%). Về trình độ, có 444/662 (chiếm 67,07%) đảng viên bị xóa tên, đưa ra khỏi Đảng chưa chưa qua đào tạo hoặc có trình độ sơ cấp về chuyên môn, nghiệp vụ, 614/662 (chiếm 92,75%) chưa qua đào tạo về chính trị. Đảng viên bị xoá tên do tự ý bỏ sinh hoạt đảng chiếm 89,86%, đảng viên xin ra khỏi Đảng do hoàn cảnh gia đình khó khăn chiếm 72,69% và theo vợ hoặc chồng ra nước ngoài định cư lâu dài, tự nguyện làm đơn xin ra khỏi Đảng theo quy định chiếm 27,31%.

Có 7 nhóm vấn đề thể hiện nguyên nhân dẫn đến tình trạng đảng viên bị xóa tên, xin ra khỏi Đảng trong Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2015-2020, gồm: (1) Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; (2) Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên; (3) Công tác quản lý đảng viên; đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; (4) Công tác tổ chức, sinh hoạt đảng; (5) Thực hiện các cơ chế chính sách; (6) Công tác kiểm tra, giám sát; (7) Tự bản thân đảng viên.

Mục tiêu và giải pháp

Căn cứ thực trạng, nguyên nhân được chỉ ra, đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025, “Phấn đấu đến năm 2025, kéo giảm ít nhất 50% số đảng viên bị xóa tên và xin ra khỏi Đảng (trừ đảng viên bị xóa tên, xin ra khỏi Đảng đúng theo Quy định số 127-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng)”.

Về giải pháp, có 7 nhóm giải pháp cơ bản khắc phục 7 nhóm nguyên nhân hạn chế được chỉ ra, nhằm kéo giảm tình trạng đảng viên bị xóa tên, xin ra khỏi Đảng trong Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm: (1) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; (2) Nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên; (3) Tăng cường công tác quản lý đảng viên; đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; (4) Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức đảng và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; (5) Thực hiện tốt các cơ chế chính sách; (6) Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; (7) Nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên.

Theo 7 nhóm giải pháp trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện 4 nội dung trọng tâm sau:

Một là, bổ sung trong Bản thông báo nội bộ của tỉnh nội dung thông tin, tuyên truyền trong sinh hoạt chi bộ về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy liên quan đến công tác quản lý đảng viên; trao đổi, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; giới thiệu gương điển hình tiên tiến trong đảng viên. Hướng dẫn đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng tổ chức, giảng dạy các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp vào Đảng, đảng viên mới từ công tác tổ chức lớp cho đến nội dung theo hướng cụ thể, phù hợp với từng đối tượng.

Hai là, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đảng viên và nâng cao chất lượng đảng viên. Ban hành Kế hoạch kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, theo đó quy định cấp ủy viên các cấp ít nhất mỗi quý một lần dự sinh hoạt với chi bộ và kết quả thực hiện công tác quản lý đảng viên, kéo giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng đạt mục tiêu đề ra, là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu hằng năm và cả nhiệm kỳ. Ban hành Quy định cụ thể về tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Ban hành Quy định về trách nhiệm và phân công cấp ủy viên các cấp dự sinh hoạt chi bộ thuộc địa bàn được phân công phụ trách. Ban hành Quy định về tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ và thí điểm một số mô hình sinh hoạt Đảng trong Đảng bộ tỉnh Tây Ninh. Hướng dẫn nội dung sinh hoạt thường kỳ, định hướng việc sinh hoạt chuyên đề phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ. Ban hành Quy định cơ chế, chính sách đối với đảng viên là hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an xuất ngũ về địa phương, người lao động nông thôn,… Hướng dẫn cụ thể một số nội dung về: phân công nhiệm vụ đảng viên; quản lý sinh hoạt đảng; chuyển sinh hoạt đảng; miễn công tác và sinh hoạt đảng.

Ba là, kêu gọi vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ “Quỹ hỗ trợ vốn cho đảng viên có hoàn cảnh khó khăn” tỉnh Tây Ninh; Hướng dẫn việc vận động, quản lý, sử dụng kinh phí từ “Quỹ hỗ trợ vốn cho đảng viên có hoàn cảnh khó khăn” không tính lãi suất.

Bốn là, đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án; nhất là việc phân công cấp ủy viên các cấp theo dõi, phụ trách cơ sở theo phương châm “Cấp ủy cấp tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở đảng; cấp ủy cấp huyện nắm đến chi bộ; đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình" vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của các cấp uỷ đảng.

Với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết đoán, chủ động, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả một số nội dung nêu trên để góp phần tích cực vào công tác tổ chức xây dựng Đảng nói chung và công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên nói riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phản hồi (1)

Cao Đình Nhân 09/10/2021

Đề án rất thiết thực, đáp ứng yêu cầu hiện thực và nhiệm vụ xây dựng Đảng. Mong các cấp ủy Đảng trong cả nước cùng quan tâm, có giải pháp cho Đảng bộ mình.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất