Những năm qua, song song với nhiệm vụ kiện toàn tổ chức, đưa công tác giáo dục đào tạo đi vào nề nếp, Đảng ủy, Ban giám hiệu trường Đại học Chính trị – Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuẩn hóa mô hình đào tạo chính trị viên cho toàn quân, thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn chính trị viên là các sĩ quan có kiến thức toàn diện về quân sự và chính trị, có đủ năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị sau khi ra trường.
Trong đó, công tác phát triển đảng đối với học viên sĩ quan được coi là nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm sĩ quan ra trường đảm nhiệm ngay chức trách chính trị viên theo đúng mục tiêu đào tạo. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Chính trị lần thứ VIII nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã xác định: “Quan tâm lựa chọn, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng, thực hiện đúng phương châm, phương hướng, tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên. Phấn đấu 100% học viên tốt nghiệp ra trường là đảng viên chính thức...”.
Nghị quyết yêu cầu các cấp ủy, chi bộ trong toàn Đảng bộ nhà trường quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác phát triển đảng viên; cơ quan chính trị thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Đảng ủy Nhà trường về những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên sát với đặc điểm tình hình của từng đảng bộ, chi bộ; ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình tiến hành công tác phát triển đảng viên với đối tượng học viên đào tạo tại trường theo quy định của Điều lệ Đảng và các hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Các cấp uỷ cơ sở trong toàn Đảng bộ coi trọng rút kinh nghiệm công tác phát triển đảng viên trong từng năm học, khóa học; phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng với chỉ huy với các cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên; kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực hiện qui trình phát triển đảng viên.
Quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ đối với công tác phát triển đảng được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ (2010-2015) xác định, những năm qua, cấp uỷ, chi bộ các đơn vị quản lý học viên đã tập trung cho công tác phát triển đảng viên với những nội dung và biện pháp, đó là: xây dựng tiêu chí về kết quả học tập, rèn luyện để xem xét kết nạp và chuyển đảng chính thức; phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, nhất là Đoàn Thanh niên trong công tác phát triển đảng viên; rèn luyện và thử thách nguồn kết nạp đảng và đảng viên dự bị thông qua hoạt động thực tiễn, phong trào thi đua với nhiều nội dung, hình thức phong phú.
Trong 3 năm học (2009 - 2010; 2010 - 2011; 2011 - 2012) đã kết nạp được 1.139 học viên vào Đảng (trong đó, gần 80% là học viên năm thứ 2, thứ 3). Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên mới được các cấp uỷ, chi bộ thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc và toàn diện, đặc biệt đề cao ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện. Qua đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm, số đảng viên dự bị là học viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80%, đảng viên là học viên được khen thưởng đạt 75 - 80%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển đảng trong học viên của Trường Đại học Chính trị vẫn còn một số hạn chế: Ở một số chi bộ học viên, công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức chính trị, xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng cho quần chúng tiến hành chưa thường xuyên; nhận thức và động cơ phấn đấu vào Đảng của một số học viên chưa cao; sự phối hợp giữa cấp ủy, chi bộ và các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội đồng quân nhân trong công tác phát triển đảng viên ở một số đơn vị học viên chưa kịp thời, toàn diện.
Từ thực tiễn công tác phát triển đảng viên là học viên tại Trường Đại học Chính trị những năm qua, Đảng ủy và cấp ủy các cấp đã rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ, đặc biệt là cấp ủy cơ sở quản lý học viên phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức chính trị cho quần chúng. Trong đó tập trung định hướng, xây dựng động cơ phấn đấu và Đảng trong đội ngũ học viên.
Hai là, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội đồng quân nhân trong công tác phát triển đảng viên. Cơ quan chính trị phải sâu sát trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về nguyên tắc, thủ tục xét kết nạp đảng, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi đợt kết nạp đảng viên đối với từng cấp ủy cơ sở nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác này.
Ba là, cấp ủy, tổ chức đảng các đơn vị quản lý học viên phải phối hợp với cơ quan chính trị, các khoa, hệ đào tạo để lựa chọn, bồi dưỡng nguồn kết nạp Đảng. Thông qua việc rà soát lý lịch chính trị ngay từ đầu khóa học cũng như trong suốt quá trình học tập, rèn luyện của học viên để xây dựng nguồn phát triển Đảng; làm tốt việc phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng và đảng viên dự bị trong phấn đấu và rèn luyện. Bên cạnh đó, cấp ủy, chi bộ quản lý học viên phải thường xuyên, kiên trì giáo dục xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn cho học viên trong suốt quá trình đào tạo; có kế hoạch bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện đảng viên, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên rèn luyện, phấn đấu trở thành người đảng viên của Đảng.
Bốn là, gắn công tác phát triển đảng viên với các phong trào xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thông qua hoạt động phong trào quần chúng để lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Công tác phát triển đảng viên phải lấy môi trường học tập, công tác, kết quả rèn luyện và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của học viên để đánh giá đúng thực chất. Đây cũng là biểu hiện thực tế của mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân với tập thể: Đơn vị có phong trào thi đua sôi nổi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm chính là môi trường tốt để học viên phấn đấu, rèn luyện vào Đảng, đồng thời, mỗi cá nhân học viên đều thể hiện tinh thần tự giác, hăng say rèn luyện là thước đo cụ thể về đơn vị vững mạnh toàn diện.
Đại tá, TS Nguyễn Chính Lý, Thượng úy Tạ Quang Đạo
Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng