10 năm tuyển đảng viên nhập ngũ ở tỉnh Bình Thuận
Giao lưu giữa lãnh đạo tỉnh với đảng viên trẻ.

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh về việc xây dựng nguồn cán bộ chủ chốt cơ sở thông qua chương trình bồi dưỡng, kết nạp các quần chúng ưu tú tại các địa phương vào Đảng và sau đó tham gia nhập ngũ để rèn luyện bản lĩnh và tác phong đã được các địa phương trong tỉnh thực hiện có hiệu quả. Các đảng viên sau khi được rèn luyện trong quân ngũ trở về địa phương đã bổ sung, tăng cường số lượng đảng viên, nâng cao sức chiến đấu cho các cấp ủy cơ sở tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan xí nghiệp và đơn vị dự bị động viên (DBĐV). Sau khi xuất ngũ, các đảng viên đã phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu, góp phần phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh (QP - AN) của tỉnh.

Hằng năm, căn cứ vào Chỉ thị về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng (QS-QP) của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, từng địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu phát triển đảng viên đến tận cơ sở. Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các đảng ủy quân sự và ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu cho cấp ủy địa phương xây dựng kế hoạch cử, tuyển đảng viên nhập ngũ hàng năm cho các xã, phường, thị trấn với tỷ lệ đảng viên nhập ngũ đạt 2% trong tổng số công dân nhập ngũ. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh đối tượng và việc thực hiện các thủ tục, nguyên tắc kết nạp Đảng cho quần chúng trước khi nhập ngũ.

Trên cơ sở các chỉ tiêu được giao, cấp ủy các cấp tiến hành công tác phối hợp giữa chi bộ quân sự, chi bộ thôn, khu phố, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể địa phương trong lựa chọn, bồi dưỡng tạo nguồn, giáo dục, thẩm tra xác minh lý lịch của quần chúng ưu tú bảo đảm đúng nguyên tắc. Số lượng và chất lượng đảng viên mới kết nạp phải đáp ứng được yêu cầu tuyển đảng viên nhập ngũ theo kế hoạch và xây dựng nguồn cho đợt tuyển quân tiếp theo.

Qua 10 năm thực hiện chủ trương tuyển đảng viên nhập ngũ, đã có 480 đảng viên trong tổng số 12.015 công dân nhập ngũ, đạt 3,99%; trong đó, số đảng viên kết nạp trên 6 tháng trước khi nhập ngũ là 306 đồng chí, có 93,4% đảng viên tốt nghiệp THPT, cao đẳng và đại học,126 đảng viên là con cán bộ, đảng viên. 100% đảng viên nhập ngũ đều viết đơn tình nguyện nhập ngũ, với nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội; về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, Quân đội, có động cơ phấn đấu tốt.

Sau mỗi đợt giao quân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng ủy quân sự tỉnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên chiến sỹ mới; phối hợp chặt chẽ giữa địa phương - gia đình - đơn vị trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện quân nhân nói chung, đảng viên nói riêng. Thông qua tổ chức gặp mặt cấp ủy, chính quyền các cấp nắm được kết quả học tập, rèn luyện, tâm tư nguyện vọng của quân nhân, đảng viên để tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị giáo dục, rèn luyện. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nhận quân tổ chức tốt việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên mới nhập ngũ; cử cán bộ tiểu đội, trung đội theo dõi, giúp đỡ; giao nhiệm vụ để thử thách, rèn luyện.

Sau khi xuất ngũ, đa số các đảng viên đều tham gia vào công tác tại địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động tiếp nhận, bố trí, sắp xếp đảng viên xuất ngũ tham gia vào hệ thống chính trị, hoặc tạo điều kiện đăng ký học nghề và giải quyết việc làm để ổn định cuộc sống. Trong hệ thống chính trị cơ sở toàn tỉnh, từ năm 2002 đến nay, đã cử 72 đồng chí đi đào tạo trung cấp ngành quân sự cơ sở; có 509/741 đảng viên đăng ký DBĐV; 173 đồng chí qua đào tạo sĩ quan dự bị; 58 đồng chí là cán bộ xã đội; 65 đồng chí là cán bộ thôn đội trưởng; 95 đồng chí là cán bộ trong hệ thống chính trị của địa phương.

Qua đánh giá của cấp ủy cơ sở, các đảng viên tham gia quân ngũ trở về địa phương đều có bản lĩnh vững vàng, tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng chính trị của LLVT địa phương, lực lượng DBĐV huyện, tỉnh và quân khu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Có được kết quả trong 10 năm thực hiện chủ trương tuyển đảng viên nhập ngũ là do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã lãnh đạo thực hiện chủ trương tuyển đảng viên nhập ngũ của Đảng uỷ Quân khu đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trước khi tuyển nhập ngũ, gắn với bố trí, sử dụng số đảng viên xuất ngũ trở về địa phương được các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể các cấp nhận thức đúng đắn và đồng thuận cao, công tác bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đoàn viên, quần chúng ưu tú được chú trọng. Sự phối hợp quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên tại ngũ giữa địa phương và đơn vị được duy trì có hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, tạo nguồn tuyển nhập ngũ có lúc, có nơi còn thụ động. Việc tuyển chọn, kết nạp thanh niên vào lực lượng dân quân có địa phương để rèn luyện, bồi dưỡng chưa thật sự coi trọng chất lượng, một số nơi chưa phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ cốt cán trong việc cử đoàn viên thanh niên vào lực lượng dân quân. Tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân còn thấp; chất lượng đảng viên mới nhìn chung có nâng lên, song vẫn còn có mặt hạn chế và có nơi còn “chạy” theo số lượng dẫn đến vi phạm nguyên tắc, quy trình kết nạp. Công tác phối hợp giữa địa phương - gia đình - đơn vị trong quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên tuy có duy trì nhưng chưa tạo được sự chuyển biến vững chắc; một số nơi quản lý đảng viên xuất ngũ về địa phương chưa chặt chẽ, bố trí, sử dụng khó khăn, chưa tạo điều kiện thuận lợi để phát huy đội ngũ này. Bên cạnh đó, nhận thức trách nhiệm phấn đấu của một số ít đảng viên khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương chưa cao, còn một bộ phận bỏ sinh hoạt đảng, vi phạm kỷ luật phải xoá tên.

Nguyên nhân của hạn chế trên trước hết là do một số cấp uỷ cơ sở chưa sâu, chưa kỹ trong việc bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng để tuyển nhập ngũ. Việc xác minh, thẩm tra phục vụ công tác phát triển Đảng làm chưa tốt, chưa có sự phối hợp giữa các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể đối với nhiệm vụ xây dựng nguồn thanh niên đủ điều kiện, phẩm chất đạo đức, đủ tiêu chuẩn để giúp đỡ giáo dục, kết nạp vào Đảng.

Từ thực tiễn công tác tuyển đảng viên nhập ngũ trong 10 năm qua, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm:

1. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp về thực hiện chủ trương tuyển đảng viên nhập ngũ. Coi đó là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tạo nguồn cán bộ trong quân đội và cho hệ thống chính trị cơ sở về lâu dài.

2. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện chủ trương tuyển đảng viên nhập ngũ; làm tốt công tác phối hợp giữa cơ quan quân sự với mặt trận, đoàn thể các cấp, phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong việc tham gia giáo dục, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng trong tuyển đảng viên nhập ngũ.

3. Các cơ quan quân sự xã, phường, thị trấn, BCHQS huyện phải phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy và chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ QS - QP, trong đó có công tác xây dựng đảng trong lực lượng vũ trang, nhất là ở cơ sở.

4. Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch quy hoạch, bố trí đảng viên sau khi xuất ngũ vào hệ thống chính trị, giải quyết việc làm cũng như quan tâm hơn nữa về chính sách đối với đảng viên xuất ngũ về địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất