Phát triển đảng viên, thành lập chi bộ ở huyện miền núi Mường Lát
Đảng viên mới Sùng A Giống, ở bản Poom Khuông, xã Tam Chung (Mường Lát) thường xuyên gần gũi, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi gia súc và bảo quản nông sản.
Cách thành phố Thanh Hóa 240 km, Mường Lát là một huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa có vị trí địa lý kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng quan trọng. Vốn là một phần đất của huyện Quan Hóa được tách ra thành huyện mới từ tháng 11-1996, phía bắc Mường Lát giáp huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và nước bạn Lào, phía tây và nam giáp Lào, phía đông giáp huyện Quan Hóa. Diện tích toàn huyện là 80.865 ha, dân số 35.000 người cư trú tại 90 bản của 8 xã và 1 thị trấn, với 6 dân tộc anh em chung sống gồm dân tộc Thái, chiếm 48,25%, Mông 42,69% còn lại là Mường, Dao, Khơ Mú và người Kinh.  

Những năm qua, Huyện ủy Mường Lát luôn coi trong công tác xây dựng đảng, củng cố TCCSĐ và phát triển đảng viên. Tuy nhiên, đến năm 2009 trên địa bàn huyện vẫn còn 18 thôn bản chưa có đảng viên và nhiều nơi còn phải sinh hoạt chi bộ ghép.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế hoạch của Ban tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa và nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, Huyện ủy Mường Lát đề ra chương trình phấn đấu đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, thực hiện không còn thôn bản trắng đảng viên, mục tiêu đến hết năm 2013, tất cả các thôn bản đều có chi bộ, xóa tình trạng sinh hoạt chi bộ ghép.  

Sau hơn 2 năm thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện uỷ Mường Lát đã điều động 10 đảng viên là cán bộ sỹ quan, bộ đội biên phòng về tăng cường cơ sở, cộng với 35 đảng viên ở các chi bộ cơ quan cấp xã để thành lập các chi bộ lâm thời tại các bản chưa có đảng viên và những bản có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện để thành lập chi bộ thuộc các xã vùng sâu, xa nhất như Mường Lý, Trung Lý, Tam Chung... Các chi bộ này đã lựa chọn giới thiệu được 150 quần chúng ưu tú để các đảng ủy xã và huyện xét cử đi học các lớp bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên. Huyện ủy Mường Lát đã trực tiếp chỉ đạo đảng ủy các xã xác lập hồ sơ và thẩm tra lý lịch của các đối tượng này. Trừ 35 đối tượng là người địa phương, đảng uỷ các xã đã phải tiến hành 4 đợt với 20 lượt cán bộ đi thẩm tra xác minh hồ sơ lý lịch của 115 đối tượng là người Mông ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu di cư đến.

Qua thẩm tra xác minh, theo dõi, bồi dưỡng và thử thách, đảng uỷ các xã đã chọn, kết nạp được 82 đảng viên (39 đảng viên năm 2010, 43 đảng viên năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012). Nếu tính cả 25 đảng viên là người dân tộc Mông từ các tỉnh di cư đến được tiếp nhận sinh hoạt ở thời gian trước thì đến tháng 4-2012 toàn bộ 90 thôn bản ở huyện Mường Lát đều đã có đảng viên, không còn có thôn bản trắng đảng viên, tạo điều kiện để thành lập thêm 8 chi bộ độc lập. Do đó, đến nay, cả huyện chỉ còn 5 chi bộ đang phải sinh hoạt ghép. Tuyệt đại bộ phận các đảng viên mới được kết nạp đều trẻ, tích cực tham gia sản xuất và hoạt động công tác ở cơ sở, phát huy được vai trò làm nòng cốt trong các đoàn thể quần chúng, đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở địa phương.       

Thành công của Mường Lát trong việc xoá thôn, bản trắng đảng viên là sự cố gắng của các cấp uỷ đảng, của cả tập thể cán bộ, đảng viên và sự hợp tác của bà con các dân tộc anh em. Vì những cơ sở này đều là người dân tộc Mông, dân trí thấp, trình độ văn hóa kém, cuộc sống không ổn định, thường xuyên di cư. Ngay đến tên gọi mà phiên âm ra tiếng Việt cũng khó, nhiều người lại cứ lẫn lộn giữa tên khai sinh và tên thường gọi cũng gây khó cho việc xác lập hồ sơ lý lịch. Việc đi thẩm tra thường phải đi xa đến tận các tỉnh ngoài Bắc Bộ, trong Tây Nguyên, mất nhiều thời gian, công sức mà kinh phí lại hạn hẹp. Có một khó khăn nữa là vì trình độ dân trí và văn hóa của bà con nơi đây rất thấp, thực hiện kế hoạch dân số chưa tốt, sinh nhiều nên cả 2 tiêu chuẩn này áp dụng như quy định chung thì thực sự khó khăn.  

Thời gian tới, huyện Mường Lát tiếp tục đẩy mạnh phát triển đảng viên để hoàn thành mục tiêu xóa hết tình trạng sinh hoạt chi bộ ghép. Đồng thời, Mường Lát cũng tiến hành việc bồi dưỡng huấn luyện cho đảng viên mới, mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho các bí thư, phó bí thư chi bộ, cải tiến và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, củng cố xây dựng chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở vững mạnh. Cần phải coi trọng việc chống tái trắng đảng viên và tái ghép chi bộ ở các thôn, bản.  

Về mục tiêu xóa thôn, bản trắng đảng viên, đồng chí Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết: Đó đúng là chặng đường vượt khó của toàn đảng bộ. Địa bàn ở đây có đặc điểm là phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Mông, Khơ Mú, Thái, Dao... Khó khăn nhất là đối chiếu với các tiêu chuẩn để phát triển đảng viên thì trình độ văn hóa của quần chúng chưa đạt. Để tạo nguồn phát triển Đảng, chúng tôi lựa chọn các đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, có khả năng phát triển làm trưởng bản, hoặc các chi hội đoàn thể để bồi dưỡng. Đồng thời, cử những đảng viên có uy tín, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm ở chi bộ phụ trách bản giúp đỡ các quần chúng. Chúng tôi đã hoàn thành trước thời hạn về chỉ tiêu xóa bản trắng đảng viên, tạo động lực mới cho sự phát triển toàn diện ở các vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất