Xây dựng đội ngũ đảng viên là người công giáo ở Nam Định
Một buổi sinh hoạt chi bộ khối nội chính và đoàn thể xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Hưng, Nam Định.
Nam Định là vùng Công giáo tập trung đông, bởi vậy, việc xây dựng đội ngũ đảng viên, tăng cường công tác quản lý đảng viên, nhất là đảng viên là người công giáo có ý nghĩa rất quan trọng để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trên địa bàn và bảo đảm các hoạt động tôn giáo "tốt đời, đẹp đạo" ở cơ sở.

Những năm qua, Đảng bộ Nam Định luôn coi trọng xây dựng và quản lý đảng viên nói chung, đảng viên là người công giáo nói riêng. Thông qua quản lý đảng viên, các cấp ủy và tổ chức đảng đã nắm chắc được hồ sơ, quá trình hoạt động, công tác, quan hệ xã hội và diễn biến tư tưởng của đảng viên. Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định đã có trên 4.300 đảng viên là người công giáo, trong đó, 98% sinh hoạt ở các đảng bộ xã. Phần đông đảng viên là người công giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, ý thức trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, thực sự là người tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo và chức sắc tôn giáo hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo.

Từ thực tiễn công tác xây dựng và quản lý đảng viên nói chung, đảng viên là người công giáo nói riêng ở Nam Định cho thấy:

Một là, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng và quản lý đảng viên.
 
Cần tăng cường quán triệt các qui định, hướng dẫn của Đảng về quản lý đảng viên, trong đó có đảng viên là người công giáo. Từ đó, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, giữa tư tưởng và tổ chức thực hiện việc xây dựng và quản lý đảng viên nói chung và đảng viên là người công giáo, đây vừa là yêu cầu, vừa là nội dung, biện pháp quan trọng trong quản lý đội ngũ đảng viên hiện nay. 

Hai là, thực hiện nghiêm các nội dung quản lý đảng viên, coi trọng công tác bảo vệ đảng viên.
 
Quản lý đảng viên là người công giáo cũng theo các nội dung quản lý chung, như: quản lý hồ sơ lý lịch; tư tưởng chính trị; thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; quản lý các quan hệ xã hội, nhất là với chức sắc, chức việc của đảng viên là người công giáo. Đặc biệt cần quản lý tốt đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo. Cần làm cho đảng viên là người công giáo nắm rõ chủ trương của Đảng cho phép được tham gia các sinh hoạt tôn giáo như bổn phận của một tín đồ bình thường, nhưng không được nói và làm trái với Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chính sách của Đảng; không được tiết lộ bí mật của Đảng và Nhà nước; không được tham gia các tổ chức lợi dụng tôn giáo, các hoạt động truyền giáo trái pháp luật; không được để kẻ xấu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo tiến hành các hoạt động trái pháp luật, xâm hại đến lợi ích của nhân dân; không được tham gia các hoạt động mê tín, vi phạm pháp luật...

Cấp uỷ cơ sở phải nắm chắc tình hình đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo, thường xuyên kiểm tra đảng viên và các chi bộ về vấn đề này. Cần phối hợp chặt chẽ giữa cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, cơ quan chức năng liên quan để bảo vệ đảng viên người công giáo. Những đảng viên vi phạm, không chấp hành đúng qui định phải xử lý nghiêm túc, kịp thời.

Ba là, phối hợp giữa tổ chức đảng với chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý đảng viên.

Đảng viên người công giáo là cán bộ, công chức xã, là thành viên của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Do vậy, quản lý đảng viên không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của tổ chức đảng mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể trong hệ thống chính trị cơ sở. Thời gian qua, các đảng bộ xã đã chú trọng phối hợp tốt giữa tổ chức đảng với chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ở xã trong quản lý đảng viên là người công giáo thông qua chế độ giao ban, thực hiện quy định về đánh giá cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên để nắm và đánh giá đảng viên là người công giáo tham gia các tổ chức đó.

Để thực hiện tốt vai trò của quần chúng trong quản lý đảng viên là người công giáo, các cấp ủy đảng đã thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức tốt việc tiếp dân; lập hòm thư góp ý của đảng uỷ xã để tiếp thu ý kiến phê bình đảng viên của nhân dân; thực hiện chế độ lấy ý kiến quần chúng phê bình đảng viên nói chung, trong đó đảng viên là người công giáo. Đồng thời tăng cường giáo dục cho đảng viên là người công giáo về tinh thần cầu thị, tôn trọng, lắng nghe ý kiến phê bình của nhân dân.

Bốn là, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò đảng viên là người công giáo.

Các cấp ủy ở Nam Định đã thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố đảng bộ xã, các chi bộ trực thuộc thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, qua đó phát huy cao nhất vai trò của mỗi đảng viên là người công giáo. Duy trì nghiêm túc nền nếp sinh hoạt chi bộ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình.

Các chi bộ thường xuyên giáo dục đảng viên gương mẫu, rèn luyện tính tự giác, ý thức  kỷ luật, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kịp thời động viên đảng viên là người công giáo có thành tích trong công tác, lao động, xây dựng tình thương yêu, sự cảm thông, tinh thần hợp tác trong chi bộ.

Năm là, nâng cao ý thức tự quản lý của đảng viên.

Chi bộ, đảng bộ thường xuyên nhắc nhở từng đảng viên quán triệt quy định của Đảng về quản lý đảng viên, nêu cao tính tiên phong gương mẫu, lòng tự trọng, giữ gìn tư cách của người đảng viên trước giáo dân, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ mọi mặt để có thể hướng dẫn quần chúng tham gia hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất