Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc với chiều dài trên 277km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Toàn tỉnh có trên 77 vạn người với 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 32%, dân tộc Tày 26%, Dao 15%, Kinh 13%, còn lại là các dân tộc khác. Hà Giang có 10 huyện, 1 thành phố; 195 xã, phường, thị trấn, trong đó có 34 xã, thị trấn biên giới.
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang luôn quan tâm lãnh đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác kết nạp đảng viên được Tỉnh ủy chú trọng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch nhiệm kỳ 5 năm (2011 - 2015) và kế hoạch từng năm về phát triển đảng viên, quán triệt thực hiện đến từng cấp ủy đảng. Nhờ đó, công tác phát triển đảng ở Đảng bộ Hà Giang những năm qua đã đạt được một số kết quả đáng kể.
Để công tác kết nạp đảng viên mới đạt kết quả, cấp ủy các cấp đã chủ động chỉ đạo, rà soát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng và xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên. Trong tạo nguồn, chú ý coi trọng về chất lượng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn giác ngộ lý tưởng của Đảng, về đạo đức, lối sống và năng lực. Ngay từ đầu năm, cấp ủy chỉ đạo các tổ chức quần chúng, nhất là Đoàn Thanh niên quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn đoàn viên ưu tú giới thiệu với chi bộ. Các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, qua đó phát hiện những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp.
Trong năm 2013, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 3.198 đảng viên, đạt 119,5% kế hoạch năm đề ra. Trong tổng số đảng viên mới kết nạp, tỷ lệ đảng viên nữ chiếm 41,3%, dân tộc chiếm 72,4%, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh chiếm 76,3%, nông dân chiếm 39,4%. Số đảng viên trẻ (từ 18 tuổi đến 30 tuổi) chiếm 76,2%. Số đảng viên mới có trình độ chuyên môn chiếm 47,6%, trong đó số đảng viên có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 17%. Nhìn chung, đội ngũ đảng viên kết nạp mới ngày càng được nâng cao về chất lượng, nhiều cán bộ trẻ, nữ, cán bộ có trình độ học vấn cao, cán bộ đang công tác ở thôn, bản, trường học, trạm y tế, người lao động giỏi… đã và đang góp phần xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: công tác kết nạp đảng viên mới là công nhân lao động trong các thành phần kinh tế còn khó khăn. Nguyên nhân do nhiều công nhân là lao động hợp đồng không ổn định; những đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung vào công tác chuyên môn, ít quan tâm đến công tác Đảng. Ở các thôn vùng sâu, vùng xa, một bộ phận người dân do hoàn cảnh khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên giữ con em ở nhà lao động phụ giúp gia đình, không cho tham gia các hoạt động đoàn thể; một số thanh niên đi làm ăn xa không thường xuyên giữ mối liên hệ với địa phương… Những khó khăn đó đã ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, vận động, tạo nguồn phát triển đảng viên. Bên cạnh đó, công tác quản lý đảng viên ở một số cấp ủy còn chưa chặt chẽ, thực hiện một số nguyên tắc, thủ tục kết nạp còn sai sót.
Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong công tác xây dựng đảng nói chung, phát triển đảng viên nói riêng, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, giáo dục để quần chúng nhân dân nhận thức sâu sắc về Đảng, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ đó tự nguyện và có động cơ đúng đắn phấn đấu vào Đảng.
2. Các cấp ủy làm tốt công tác tạo nguồn, xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên sát với tình hình thực tế, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy trình, coi trọng cả số lượng và chất lượng; chú trọng đối tượng là đoàn viên, thanh niên, nữ, người lao động giỏi và những quần chúng ưu tú; chú trọng kết nạp đảng viên ở các cơ sở trọng điểm, những nơi còn ít hoặc chưa có đảng viên.
3. Thực hiện tốt việc phân công nhiệm vụ đối với cán bộ, đảng viên, trong đó chú trọng việc phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng.
4. Tổ chức tốt việc tập huấn, bồi dưỡng công tác nghiệp vụ xây dựng đảng để cấp ủy, cán bộ, đảng viên nắm vững, thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình theo Điều lệ Đảng và quy định, hướng dẫn của Trung ương. Lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt việc mở các lớp nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú và bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới theo kế hoạch.
5. Xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Giang Hà