Công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của Đảng bộ Hà Nội

Thành phố Hà Nội tập trung số lượng lớn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN), các doanh nghiệp này đã và đang có những đóng góp góp hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Thực hiện Chỉ thị 07 -CT/TW, ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo về công tác xây dựng đảng ở các DNNKVNN của TP. Hà Nội, trong đó có công tác phát triển đảng viên.

Từ năm 2008 đến 2012, công tác phát triển đảng viên ở các DNNKVNN đã có chuyển biến đáng kể, số lượng đảng viên được kết nạp tăng dần qua các năm, tỷ lệ đảng viên được kết nạp là nữ, tuổi trẻ, là lao động trực tiếp sản xuất đảm bảo, trình độ đảng viên mới kết nạp cao. Cụ thể, số lượng đảng viên  được kết nạp trong các DNNKVNN của TP. Hà Nội là 7.435 đồng chí, bình quân kết nạp1.487 đảng viên/năm, chiếm khoảng 13% đảng viên kết nạp hằng năm của Đảng bộ thành phố. Đảng viên kết nạp là cán bộ chủ chốt doanh nghiệp 11,67%; là nữ 35,19%; trong độ tuổi trẻ (dưới 35 tuổi) 63,6%; là lao động trực tiếp sản xuất 41,14%; trình độ trung cấp 32,3%; cao đẳng 21,54%; đại học 46,16%.

Nhìn chung, đảng viên kết nạp trong các DNNKVNN  luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên trì với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Là lực lượng tiên phong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, nắm vững chuyên môn kỹ thuật, làm chủ quy trình và sáng tạo trong sản xuất; có tay nghề cao, có kiến thức kinh tế thị trường, pháp luật, ý thức kỷ luật lao động. Họ thật sự là bộ phận tiên tiến trong các doanh nghiệp, có ý chí phấn đấu vươn lên.

Công tác phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động ở các doanh nghiệp đã góp phần tăng thêm lực lượng, nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các DNNKVNN  trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Qua đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm: đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt tỷ lệ bình quân 87,35%; đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ đạt 12,05%; vi phạm tư cách, không hoàn thành nhiệm vụ là 0,6%.

Công tác phát triển đảng viên đã góp phần quan trọng trong xây dựng tổ chức đảng trong các DNNKVNN, đến tháng 12-2012 thành lập được 911 tổ chức đảng với tổng số 21.117 đảng viên.

Tuy nhiên, số lượng đảng viên được kết nạp có tăng qua các năm nhưng tỷ lệ còn thấp so với tổng số quần chúng là công nhân, người lao động ở các DNNKVNN (0,015%) và so với số lượng đảng viên được kết nạp của toàn Đảng bộ thành phố (khoảng 13%); cơ cấu đảng viên mới kết nạp là chủ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có quy mô lớn còn ít. Một số cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp chưa chú trọng công tác này, dẫn đến còn nhiều tổ chức đảng có nguồn nhưng chưa kết nạp được đảng viên, những nơi chưa có tổ chức đảng công tác phát triển đảng viên còn nhiều khó khăn...

Nguyên nhân chủ yếu những hạn chế là: Đây là lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm. Không ít cấp uỷ, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, yêu cầu của công tác phát triển đảng viên trong các DNNKVNN, nên chưa có những biện pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công nhân, người lao động và chủ doanh nghiệp. Việc xây dựng và thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng trong các doanh nghiệp còn chậm so với yêu cầu. Công tác xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển đảng viên ở nhiều doanh nghiệp còn lúng túng. Cán bộ làm công tác đảng ở các doanh nghiệp là kiêm nhiệm, thời gian giành cho công tác đảng hạn chế...

 Để tăng cường công tác phát triển đảng viên, phấn đấu mỗi năm thành lập từ 200 đến 300 tổ chức đảng theo tinh thần Nghị quyết 09 – NQ/TU, ngày 27-02-2102 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội  cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phát triển đảng viên; làm tốt việc xây dựng, chỉnh đốn tổ chức đảng trong các DNNKVNN. Phát triển đảng trong công nhân, người lao động các DNNKVNN là vấn đề mới và khó, đòi hỏi phải có sự chuyển biến mới về nhận thức của tất cả cán bộ, đảng viên, các cấp uỷ đảng về công tác này. Nhận thức rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, nhằm tăng thêm sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng.

Thứ hai, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phát triển đảng viên trong các DNNKVNN; tạo sự đồng thuận và ủng hộ của chủ doanh nghiệp, giám đốc, hội đồng quản trị đối với phát triển đảng viên trong doanh nghiệp.  Kế hoạch phát triển đảng viên cần gắn với quy hoạch cán bộ cơ sở và kế hoạch xây dựng, củng cố các tổ chức quần chúng, đặc biệt là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và công đoàn. Kế hoạch phát triển đảng viên phải được xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tế và làm từ cơ sở lên, tránh áp đặt chủ quan từ trên xuống. 

Cần vận động, thuyết phục giúp chủ doanh nghiệp, giám đốc, hội đồng quản trị hiểu tổ chức đảng trong doanh nghiệp hình thành để tham gia, đóng góp cho các phương án sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời thông qua các đảng viên là người có trách nhiệm, gương mẫu trong lao động và lối sống, có tác dụng tích cực thúc đẩy, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. 

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tạo nguồn, quan tâm phát triển đảng viên là chủ doanh nghiệp, thành viên trong hội đồng quản trị, cán bộ quản lý doanh nghiệp và những nơi chưa có đảng viên ở các DNNKVNN. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng tổ chức các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; thi đua rèn đức, luyện tài; luyện tay nghề, thi thợ giỏi, tuổi trẻ sáng tạo, thanh niên tình nguyện… Thông qua các phong trào thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên, từ đó lựa chọn được những hội viên, đoàn viên xuất sắc, có triển vọng để giới thiệu cho chi bộ đảng bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Coi trọng thực hiện Hướng dẫn số 13-HD/BTCTW, ngày 30-01-2013 của Ban Tổ chức Trung ương về “Thực hiện thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”.

Thứ tư, làm tốt các thủ tục kết nạp đảng viên, tuân theo những quy định, thủ tục chặt chẽ của Đảng từ lựa chọn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng; hướng dẫn quần chúng viết đơn xin vào Đảng, khai lý lịch của người xin vào Đảng, thẩm tra lý lịch người vào Đảng; giới thiệu người vào Đảng; lấy ý kiến nhận xét của các đoàn thể nơi làm việc và nơi cư trú đối với người vào Đảng; tổ chức, cấp ủy Đảng có thẩm quyền xét kết nạp người vào Đảng; tổ chức lễ kết nạp đảng viên. Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cần được tổ chức, bố trí thời gian và nội dung phù hợp với đối tượng là công nhân, người lao động trong các DNNKVNN.

Thứ năm, làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng đảng viên dự bị, đảng viên mới. Yêu cầu đặt ra trong bồi dưỡng đảng viên dự bị, đảng viên mới là phải kiên định 6 vấn đề về quan điểm có tính nguyên tắc mà Nghị quyết Trung ương 6 (khóa VIII) đã đề ra; nêu cao tính tiền phong gương mẫu, vững vàng về chính trị, có đạo đức trong sáng, có lối sống lành mạnh, gắn bó với quần chúng nhân dân, phấn đấu trở thành người lao động giỏi, làm kinh tế giỏi, đi đầu trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, ra sức làm giàu chính đáng; vận động công nhân, người lao động chấp hành chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng, đảm bảo  hài hòa lợi ích của nhà nước, của người lao động và chủ doanh nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên cơ sở đối với công tác phát triển đảng viên trong các DNNKVNN. Đồng thời phát huy vai trò của công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cấp trong công tác phát triển đảng viên ở các DNNKVNN, nhất là trong khâu tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng Đảng.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất