Cẩm Thủy là một huyện trung du miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, có 3 dân tộc sinh sống: Kinh, Mường, Dao. Toàn huyện có 19 xã và 01 thị trấn, trong đó 14 xã vùng cao với 4 xã và 50 thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Đảng bộ huyện có 55 TCCSĐ (27 đảng bộ và 28 chi bộ trực thuộc, 352 chi bộ trực thuộc đảng ủy). Tổng số đảng viên toàn đảng bộ là 5.651 đồng chí, trong đó có 4.930 đang sinh hoạt trong các chi bộ thôn, tổ dân phố. Xác định vai trò quan trọng của công tác phát triển đảng đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của huyện ủy, công tác phát triển đảng viên, nhất là ở những vùng khó khăn ở Cẩm Thủy đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thực hiện Kết luận số 50-KL/TU ngày 20-4-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Kế hoạch số 02-KH/BTCTU ngày 9-11-2010 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về phát triển đảng viên và chi bộ thôn bản vùng sâu, vùng xa từ nay đến 2013. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch số 08-KH/HU về phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và xóa chi bộ sinh hoạt ghép, thôn chưa có đảng viên trên địa bàn huyện.
Cuối năm 2010, qua khảo sát tình hình tổ chức đảng và đảng viên trên địa bàn huyện cho thấy: có tới 39 chi bộ nông thôn 5 năm trở lên không kết nạp được đảng viên, đặc biệt có chi bộ trên 20 năm (chi bộ Cò Đầm, xã Cẩm Vân); 36 chi bộ có từ 5 đảng viên trở xuống; 2 thôn không có chi bộ đảng (thôn Phúc Thuận, xã Cẩm Phú; thôn Tân Tiến, xã Cẩm Tân), 1 thôn có 1 đảng viên (thôn Tân Phong, xã Cẩm Phong).
Trước tình hình đó, Huyện ủy đã xây dựng Đề án và chỉ đạo thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về vai trò quan trọng của công tác phát triển đảng viên, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng.
Phân công các đồng chí ủy viên thường vụ phụ trách cụm, huyện ủy viên phụ trách xã trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp đảng.
Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét cụ thể đối với những nơi khó khăn trong phát triển đảng viên để có sự vận dung linh hoạt, phù hợp thực tế.
Các cấp ủy đảng cơ sở tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các tổ chức đoàn thể, tổ chức các phong trào thiết thực, thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia, hướng nghiệp cho quần chúng yên tâm lao động ở địa phương, tạo nguồn phát triển đảng; quan tâm phát triển đảng nông thôn, cán bộ đoàn thể chính trị - xã hội, học sinh trung học phổ thông.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy vai trò của cấp ủy các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, nhất là nhiều đảng viên, cán bộ chủ chốt đã tiên phong gương mẫu. Đến quý II năm 2011 đã xóa xong thôn không có tổ chức đảng và hầu hết các chi bộ lâu năm không kết nạp đảng viên đã kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng; không còn các chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, thị trấn có dưới 5 đảng viên. Từ 2011-2014 đã kết nạp được: 1.064 đảng viên (trong đó 540 đảng viên là người dân tộc thiểu số), vượt kế hoạch 77,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIV đề ra. Hiện trên địa bàn huyện không còn chi bộ sinh hoạt ghép, 214/214 thôn đều có chi bộ lãnh đạo.
Tiêu biểu trong công tác phát triển đảng viên ở những xã đặc biệt khó khăn của huyện phải kể đến xã Cẩm Quý. Lãnh đạo xã gương mẫu đăng ký “một việc làm theo” trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, đó là thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển đảng viên và xóa chi bộ ghép, thôn chưa có tổ chức đảng, đảng viên. Từ 2011-2014, xã đã kết nạp được 53 đảng viên, vượt chỉ tiêu Huyện ủy đề ra.
Những kết quả đạt được trong công tác phát triển đảng viên ở huyện Cẩm Thủy đã khẳng định quyết tâm cao của cấp ủy các cấp và vai trò của đảng viên, là huyện miền núi nhưng Cẩm Thủy không còn chi bộ sinh hoạt ghép, góp phần củng cố tổ chức đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên trong việc lãnh đạo huyện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, để có thêm nhiều sự đổi thay trên mảnh đất huyện trung du miền núi còn nhiều khó khăn.
Tin: Phạm Giang
ảnh: Trần Thủy