Minh bạch
Minh bạch - một tiêu chí văn hóa
Ngày 8-8-2011 Chính phủ ban hành Nghị định 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9-3-2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó bổ sung quy định công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập. Quy định cụ thể về công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức  lần này là một bước tiến rõ rệt trong quyết tâm đẩy lùi tham nhũng của Đảng và Chính phủ. Nghị định 68/CP là một bước tiến trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bước tiến thể hiện tài sản, thu nhập của cán bộ nhà nước từ bí mật sang công khai. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND phải công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Dẫu mới công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thường xuyên làm việc thì tài sản, thu nhập cũng đã minh bạch trước mọi đồng nghiệp và trước cử tri.

Bước tiến thể hiện khi cán bộ nhà nước không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập sẽ bị giáng chức, cách chức chứ không chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch như quy định cũ.

Bước tiến thể hiện yêu cầu trách nhiệm không chỉ với đối tượng phải kê khai mà với người đứng đầu của cơ quan, đơn vị. Kê khai chậm so với quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh báo hoặc hạ bậc lương.
 
Minh bạch hóa tài sản, thu nhập là một trong những nhân tố quan trọng để phòng, chống tham nhũng. Làm sao có thể kiểm soát, phân định được tài sản, thu nhập hợp pháp hay không nếu không minh bạch? Làm thế nào người dân và xã hội tham gia giám sát cán bộ, công chức nếu  tài sản, thu nhập của họ không công khai, minh bạch? Minh bạch hóa tài sản, thu nhập buộc cán bộ, công chức phải nâng cao trách nhiệm về sự chính xác, trung thực, đầy đủ khi kê khai và giải trình với cơ quan chức năng, xã hội về nguồn gốc tài sản của mình. Đồng thời yêu cầu cả trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, những kẻ đã có gan tham nhũng thì cũng có trăm phương nghìn cách giấu tài sản. Do đó, để phòng, chống tham nhũng quyết liệt, tài sản kê khai không trung thực cần phải bị tịch thu và mọi thu nhập của cán bộ, công chức phải công khai qua hệ thống ngân hàng. Tiến thêm bước nữa, bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không chỉ công khai tại cơ quan mà còn được công khai cho mọi người dân cùng biết, tài sản của vợ (chồng), con cán bộ, công chức cũng được kê khai. Trong khi Đảng và Nhà nước kêu gọi người dân làm giàu thì không lẽ gì cán bộ, công chức giàu chính đáng lại không dám công khai tài sản của mình.

Công khai, minh bạch như ánh sáng mặt trời diệt vi trùng vốn sinh sôi nơi tối tăm, ẩm ướt. Càng minh bạch bao nhiêu thì môi trường cho tham nhũng càng hẹp đi bấy nhiêu, đội ngũ cán bộ, công chức càng trong sạch, vững mạnh bấy nhiêu, niềm tin vào Đảng cũng do đó mà được khôi phục, củng cố. 

Phản hồi (4)

trân Thông 08/10/2011

Bài viết của Thu Huyền có giá trị giáo dục và cảnh báo sâu sắc đối với đội ngũ cán bô có chức có quyền hiện nay. Chúng ta phải kiên quyết loại bỏ những cái vòi bạch tuộc của chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Chúng ta phải làm kiên quyết, đồng bộ từ trên xuống cơ sở. Phải minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; công khai không chỉ ở cơ quan mà còn phải được công khai cho mọi người dân ở nơi cư trú. Tài sản của vợ (chồng), của con cán bộ, công chức cũng phải được kê khai theo nghị định 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9-3-2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Có như vậy mới lấy lại lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, với Đảng

Nguyên Bình 02/09/2011

Bài rất hay.

Văn Công Quán 27/08/2011

Theo tôi, công khai, minh bạch không chỉ như ánh sáng mặt trời diệt vi trùng vốn sinh sôi nơi tối tăm, ẩm ướt mà còn tiêu diệt được rất nhiều con sâu đang làm hỏng nồi canh của nhân dân ta... Do đó phải làm sạch nồi canh đó bằng diệt trừ hết loài sâu ăn hại. Hoan hô Tạp chí, bình rất sắc sảo!

1 2

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất